"Hai bên cùng cưới" - trào lưu kết hôn chẳng khác gì ly hôn ở Trung Quốc: Khi tư tưởng lạc hậu bị "chiếu tướng" bởi lối sống cởi mở của giới trẻ
Sau khi kết hôn, phụ nữ không nhất thiết phải làm dâu hay sống chung với chồng, con cái sinh ra cũng không nhất định theo họ cha, thậm chí chúng còn có thể gọi ông bà ngoại là ông bà nội... Đây chính là "hai bên cùng cưới" - hình thức kết hôn mà chẳng khác gì ly hôn đang là chủ đề nóng hổi ở Trung Quốc.
Sau khi cưới, cô dâu chú rể ai về nhà nấy, sinh 2 đứa con, đứa theo họ cha, đứa theo họ mẹ... Cuối năm 2020, "hai bên cùng cưới" chính là chủ đề nóng hổi trên mọi diễn đàn mạng xã hội xứ Trung.
Đại gia đình "hai bên cùng cưới": ông bà nội, cha và con theo họ cha - ông bà nội, mẹ và con theo họ mẹ
Dư Hàng làm nghề môi giới hôn nhân tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) cho rằng, trào lưu "hai bên cùng cưới" thực ra đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng gần đây số cặp đôi "hai bên cùng cưới" tăng vọt, có ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chính sách 2 con mới của Trung Quốc.
Nhà xã hội học Triệu Xuân Lan đã tiến hành điều tra các hình thức kết hôn tại thôn Thủy, thuộc Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) trong suốt thời gian từ năm 2017-2019, bà nhận định đặc trưng nổi bật nhất của "hai bên cùng cưới" là sinh 2 người con trai, kéo dài huyết mạch cho 2 dòng họ.
Ở Côn Sơn (Giang Tô, Trung Quốc), công ty môi giới hôn nhân của Trương Hàm trong năm 2020 đã thành công kết đôi cho hơn 80 cặp vợ chồng, trong đó hơn 1 nửa lựa chọn hình thức "hai bên cùng cưới".
"Có thêm 1 gia đình yêu thương tôi"
Hình minh họa
Sau khi kết hôn, phần lớn thời gian Tưởng Tâm vẫn ở lại nhà mẹ đẻ, chồng cô thường đi công tác xa, 2 người cuối tuần mới có thời gian bên nhau, và cô sẽ quay về nhà chồng ở 2 ngày. Lựa chọn hình thức kết hôn "gần ít xa nhiều", vợ chồng Tưởng Tâm không phải là bất đắc dĩ, 2 bên đều là người Nam Thông (Giang Tô, Trung Quốc), họ quyết định thỏa thuận thực hiện "hai bên cùng cưới", duy trì liên hệ chặt chẽ với cha mẹ 2 bên.
Sau khi kết hôn 7 năm, Tưởng Tâm và mẹ chồng gần như không phát sinh những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu thường thấy. Cô cho rằng việc mình vẫn sống cùng với cha mẹ đẻ, khiến hiểu lầm và mâu thuẫn với mẹ chồng không có không gian phát sinh. Về phương diện khác, Tưởng Tâm cảm thấy dường như cô "có thêm 1 gia đình yêu thương mình", nếu vợ chồng có cãi nhau thì "cha mẹ 2 bên đều mắng con mình đầu tiên".
Những ngày lễ Tết, đại gia đình tụ họp, Tưởng Tâm, mẹ ruột và mẹ chồng cùng nhau đi mua sắm, cùng nhau nấu cơm. "Có 2 người mẹ thương tôi, tôi có thể làm nũng mẹ lúc nào cũng được." - Tưởng Tâm hạnh phúc nói.
Hình minh họa
Ở Hàng Châu, Hồ Sở Tiêu cùng vợ đều là 9X, cũng cuốn theo trào lưu "hai bên cùng cưới". Hồ Sở Tiêu luôn tin tưởng đây chính là lựa chọn đúng đắn. Lúc tính chuyện kết hôn, chắc chắn sẽ phải bàn đến vấn đề sính lễ. Bạn của Hồ Sở Tiêu có bạn gái không phải người Hàng Châu, trước khi kết hôn, nhà gái yêu cầu anh ta mấy chục nghìn tệ tiền sính lễ cùng với số bàn tiệc lớn và quy cách tiệc cưới vô cùng khắt khe. Bạn của Hồ Sở Tiêu không chịu nổi áp lực, cuối cùng đành ngậm ngùi chia tay.
Trong khi đó, với "hai bên cùng cưới", sính lễ và hồi môn chỉ mang tính hình thức, trong hôn lễ, sính lễ và hồi môn vẫn được trao tặng cho hợp với lễ nghi, nhưng khi hôn lễ kết thúc chúng đều sẽ được trả về với chính chủ.
Vì tôn trọng tập tục nhà vợ, Hồ Sở Tiêu vẫn chuẩn bị "tam kim" gồm kiềng vàng, nhẫn vàng và khuyên tai vàng tặng cho vợ. Vài ngày sau, mẹ vợ anh dùng 3 món trang sức ấy đánh thành 1 chiếc vòng cổ lớn, tặng lại cho Hồ Sở Tiêu, bởi "dù sao lễ vật cũng sẽ tặng hết cho vợ chồng son".
Hai nhà hợp thành một nhà
Đối với Trương Hàm, mỗi cuộc hôn nhân đều bị ảnh hưởng bởi đủ mọi điều kiện, từ quê quán cho tới gia cảnh... Những cặp vợ chồng lựa chọn "hai bên cùng cưới" phần lớn là đồng hương với nhau, điều kiện gia đình cũng không quá chênh lệch.
Giống như vợ chồng Hồ Sở Tiêu, Trương Hàm và vợ sống ở 2 khu khác nhau trong thành phố Hàng Châu, cách nhau 15 phút lái xe, nhờ có đền bù giải phóng mặt bằng, điều kiện kinh tế của 2 nhà đều khá tốt, không có áp lực kinh tế, bởi vậy, họ lựa chọn "hai bên cùng cưới" không 1 chút trở ngại.
Hình minh họa
Lại lấy ví dụ khu Phú Dương cũng thuộc Hàng Châu, ở đây vẫn là nông thôn, gia đình thường sinh vài người con, các cô gái đều lựa chọn kết hôn theo lối truyền thống, bởi vì "muốn nhận sính lễ, giữ lại cho anh em trai cưới vợ".
Một nhân viên môi giới hôn nhân khác ở Hàng Châu nhận định, những gia đình sinh con có nếp - có tẻ sẽ không lựa chọn "hai bên cùng cưới", bởi vì khi chia sẻ chi phí phụng dưỡng cha mẹ sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn. "Mặt khác, nếu cho con gái kết hôn theo kiểu "hai bên cùng cưới", việc phân chia tài sản cho con trai và con gái sau này sẽ gặp nhiều vấn đề, mà những gia đình con 1 sẽ không cần phải lo lắng phương diện này." - Người môi giới này cho biết.
Phần lớn những cặp vợ chồng lựa chọn "hai bên cùng cưới" đều là con 1, tức là thế hệ 9X theo chính sách 1 con của Trung Quốc, và chủ yếu là do nhà gái đề nghị trước. Đây là "ở rể" theo kiểu mới, những gia đình khấm khá chỉ có con gái độc nhất, muốn "cưới 1 chàng rể về" để không phải xa con. Dường như "ở rể" giờ đây đã bắt kịp thời đại, cho nên hình thức "hai bên cùng cưới" còn được gọi là "hai nhà hợp thành 1 nhà".
Mãi luẩn quẩn trong vấn đề "nối dõi"
Hôn nhân ở nhiều nơi luôn kẹt giữa thừa kế và thừa tự, trong đại gia đình "hai bên cùng cưới", nhà gái vốn không có con trai, họ có quyền nhận 1 trong số con trai mà con gái họ sinh ra làm người thừa tự. Đây cùng là đặc điểm nổi bật của "hai bên cùng cưới".
Hình minh họa
Sau khi hôn nhân theo lối "hai bên cùng cưới" kết thành, nối dõi tông đường là vấn đề không thể lảng tránh. Phần lớn những gia đình kiểu này đều sẽ sinh 2-3 con trai, trước đó đều đã bàn bạc con sinh ra theo thứ tự sẽ theo họ chồng hay vợ.
Phiền toái cũng từ vấn đề thừa tự mà tới, thế hệ 9X đâu đó vẫn còn những người có tư tưởng trọng nam khinh nữ, thậm chí nhiều người ngấm ngầm mang tư tưởng này nhưng không bộc lộ ra bên ngoài. Tuy rằng trước khi cưới đã thương lượng xong xuôi, giả dụ thỏa thuận con cả theo họ cha, con út theo họ mẹ, nhưng sau này đôi vợ chồng trẻ sinh con mà con cả là nữ, con út là nam, nhà trai theo thỏa thuận phải nhận cháu gái, họ chắc chắn sẽ không vui vẻ.
Trương Hàm chia sẻ, từng có cặp vợ chồng vì lâm vào tình cảnh như trên mà dẫn đến ly hôn, nhà trai muốn thông qua ly hôn để "cướp" lại con trai.
1 công ty môi giới hôn nhân ở Côn Sơn (Giang Tô, Trung Quốc) trong năm 2020 đã thành công kết đôi cho hơn 80 cặp vợ chồng, trong đó hơn 1 nửa lựa chọn hình thức "hai bên cùng cưới".
Trương Hàm cũng từng tiếp qua 1 khách hàng họ Phan muốn cùng bạn gái thực hiện "hai bên cùng cưới". Thế nhưng gia đình anh Phan vô cùng giàu có, cha mẹ anh một mực không đồng ý. Họ cho rằng con dâu là phải "cưới về nhà", huống hồ điều kiện gia đình tốt như vậy thừa sức cưới vợ cho con, phải nghĩ đến việc nối dõi tông đường cho gia tộc mình trước, bởi vậy họ kiên quyết chia rẽ anh Phan và bạn gái.
Sau đó, anh Phan tìm một cô gái khác, thực hiện hôn lễ truyền thống, nhưng không bao lâu thì ly hôn. "Tôi cảm thấy anh ấy có tâm lý trả thù cha mẹ." - Trương Hàm nhận xét.
Những đứa trẻ sinh ra từ gia đình "hai bên cùng cưới" mang họ khác nhau, tài sản thừa kế cũng theo họ của mình mà nhận từ bên nội hoặc bên ngoại, rõ ràng là anh chị em ruột, nhưng lại bị cưỡng ép trở nên xa lạ, thậm chí khi gặp mâu thuẫn lớn có thể trở mặt thành thù.
Thoát khỏi tập tục cổ hủ
Cha của Hồ Sở Tiêu xuất thân từ gia đình nghèo, phải ở rể, cho nên Hồ Sở Tiêu mang họ mẹ, từ nhỏ đã gọi ông bà ngoại là ông bà nội. Sau khi Hồ Sở Tiêu kết hôn, cha Hồ Sở Tiêu hi vọng con trai và con dâu có thể sinh 2 cháu trai, quay lại với họ của mình. Tại Trung Quốc, "ở rể" và "xuất giá" sẽ có địa vị gia đình thấp hơn.
Thế nhưng Hồ Sở Tiêu không đồng ý làm theo đề nghị của cha, anh cho rằng "hai bên cùng cưới" nên là hình thức hôn nhân đề cao sự bình đẳng, trao cho những đôi vợ chồng trẻ thêm nhiều lựa chọn, chứ không phải là để tìm kiếm con thừa tự, càng không phải là cơ hội để thỏa mãn sự cố chấp của người lớn đối với việc kéo dài dòng họ.
Hình minh họa
Hiện tại, vợ chồng Hồ Sở Tiêu có 1 con gái, cô bé mang họ Hồ, theo đề nghị của vợ, họ sẽ không sinh thêm con nữa. Ông bà nội ngoại đều rất cưng chiều cô cháu gái duy nhất này, họ cũng không yêu cầu vợ chồng Hồ Sở Tiêu sinh thêm con để "chia" cháu như những gia đình "hai bên cùng cưới" khác.
Đối với hôn nhân sau này của con gái, Hồ Sở Tiêu bình thản nói, cho dù là hình thức nào anh cũng không có ý kiến gì: "Đến lúc đó chúng tôi đều đã già, chưa chắc đã sống chung với con cháu, làm một đôi vợ chồng già tự do cũng rất tốt."
Ở Trung Quốc, "hai bên cùng cưới" đang là trào lưu kết hôn nhận được nhiều sự chú ý nhất hiện nay. Ưu - nhược điểm cũng như tương lai phát triển của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng dù thế nào, mỗi chúng ta cũng nên nhớ rằng, chìa khóa của hạnh phúc gia đình không nằm ở hình thức kết hôn mà là xây dựng dựa trên tình yêu, sự bao dung và thấu hiểu.
Nguồn: QQ