Hai anh em từng nguy kịch vì COVID-19, nắm tay nhau vượt qua "tử thần"
Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trên nền cơ địa béo phì, hai anh em ở Long An đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa. Sau gần 2 tháng nằm viện, họ đã vượt qua cơn nguy kịch xuất viện về với gia đình trong niềm vui của y bác sĩ.
Đó là trường hợp của nam bệnh nhân 22 tuổi, quê Long An là sinh viên một trường đại học tại TPHCM. Cuối tháng 5/2021, khi trên đường về nhà thì chàng trai này gặp mưa lớn, vài ngày sau cơ thể bắt đầu sốt cao, mệt mỏi. Tưởng chỉ bị cảm cúm thông thường nhưng khi đến bệnh viện địa phương, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với SARS-CoV-2.
Cùng thời điểm trên, người anh trai ở nhà cũng có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải nhập viện điều trị. Sau khi thăm khám và theo dõi điều trị, các bác sĩ nhận định tình trạng của cả hai anh em đều diễn tiến nặng. Riêng người em có cơ địa béo phì, đái tháo đường nên đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Ngày 1/6, cả hai được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM.
Thời điểm nhập viện, người em đã rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, lơ mơ, co giật, dọa ngưng thở, mạch, huyết áp không đo được. Các bác sĩ đã khẩn cấp đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, sau đó can thiệp ECMO, tổn thương hai phổi rất nghiêm trọng, oxy máu không cải thiện với thở máy xâm lấn.
"Bệnh nhân bị "bão cytokine", đây là tình trạng từng được ghi nhận ở "bệnh nhân 91" là nam phi công người Anh từng được điều trị tại bệnh viện. Chúng tôi đã tiến hành lọc máu hấp phụ cytokines cho người bệnh và thay huyết tương" – TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được lọc máu 15 lần, thay huyết tương hai lần, thay màng ECMO 3 lần. Bác sĩ kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm để điều trị các đợt nhiễm trùng phối hợp như nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu... do bệnh nhân nằm lâu, cơ địa suy giảm sức đề kháng. Người bệnh đã được tăng cường dinh dưỡng kết hợp tập vật lý trị liệu.
Bệnh nhân là người anh không nguy kịch bằng em trai nhưng tình trạng cũng rất nặng do viêm phổi tiến triển nhanh, suy hô hấp, không cải thiện khi dùng máy thở lưu lượng cao HFNC. Các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản cho thở máy, sau 3 tuần nằm viện người anh đã cai được máy thở, chuyển sang tập vật lý trị liệu. Riêng người em sau 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh mới cải thiện dần, một tháng sau ngày nhập viện, bệnh nhân được cai máy thở, cai ECMO.
Theo bác sĩ Châu, sức khỏe của cả hai anh em bình phục khá tốt, sau khi ngưng được ECMO và máy thở, bệnh viện đã bố trí để họ được nằm cạnh nhau tại khoa Hồi sức Cấp cứu Người lớn. Cả hai đều vui mừng khi được gặp lại nhau sau cơn nguy kịch, họ đã vui vẻ trò chuyện và cùng tập vật lý trị liệu mỗi ngày trước khi xuất viện để viết tiếp câu chuyện ước mơ của cả hai.
"Chứng kiến câu chuyện của hai anh em từ những ngày đầu nguy kịch, tưởng chừng khó qua khỏi, đến hôm nay khi cả hai đã về với gia đình ai cũng xúc động. Đây chính là nguồn động viên, là sức mạnh to lớn tiếp thêm nghị lực cho nhân viên y tế tiếp tục công tác chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng trong đại dịch này"- bác sĩ Vĩnh Châu chia sẻ.