Hà Nội: Trai làng tô son đỏ, đánh má hồng, mặc váy múa "con đĩ đánh bồng"
12 chàng trai làng Triều Khúc (Thanh Trì - Hà Nội) đã hóa thân thành những cô gái trong trang phục sặc sỡ, chít khăn mỏ quạ, đánh phấn hồng, son đỏ biểu diễn điệu múa "con đĩ đánh bồng".
Chiều ngày 5/2, 12 trai tráng tại làng Triều Khúc đã được ban tổ chức lựa chọn để biểu diễn điệu múa đánh bồng.
Điểm đặc biệt của màn múa này là các chàng trai phải hóa trang má phấn môi son, đầu đội khăn mỏ quạ, mặc quần áo mớ ba mớ bảy và thực hiện các động tác "lẳng lơ" pha trò vui nhộn. Người có gương mặt khôi ngô, đạo đức tốt, học hành tiến bộ... mới được "tín nhiệm" lựa chọn vào đội múa.
Theo truyền thuyết, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường, để khích lệ động viên tinh thần tướng sĩ, đã nghĩ ra cách cho các nam nhân đóng giả nữ và nhảy múa. Các chàng trai ưu tú của làng Triều Khúc được lựa chọn và học múa hàng năm trời để biểu diễn trong ngày hội của làng.
Các chàng trai hóa trang má phấn môi son, đầu đội khăn mỏ quạ, mặc quần áo mớ ba mớ bảy.
Một người dân trong làng đang chỉnh trang lại y phục cho một chàng trai. Theo người dân trong làng thì những người múa bồng càng lẳng lơ, càng điệu đà, càng nữ tính mới làm lễ hội thêm độc đáo.
Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, những điệu múa bồng được diễn ra. Đây là một trong những hoạt động thu hút lượng người kéo đến xem trong lễ hội.
Miệng các chàng trai luôn cười, những động tác phải uyển chuyển, duyên dáng và lả lướt.
Thậm chí, trong điệu múa bồng có nhiều động tác tình tứ với nhau.
Anh Nguyễn Huy Công (33 tuổi) người làng Triều Khúc đã có 4 năm đi múa bồng. "Hiện câu lạc bộ của làng có nhiều em nhỏ tham gia, đấy là lớp kế cận cho những người cao tuổi, không còn múa trong mỗi dịp lễ hội nữa", anh nói.
Trong 12 chàng trai có nhiều người mới bước vào tuổi 16-18.
Những chàng trai mặt lúc nào cũng phải tươi, miệng cười, mắt đong đưa gợi tình.
Những điệu múa được các chàng trai thể hiện uyển chuyển
Múa bồng quanh ao làng thu hút hàng nghìn người kéo đến xem.
Vừa "uốn éo", các chàng trai vừa vỗ tay vào chiếc trống bồng.
Điệu múa này để hướng sự biết ơn về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Để biểu diễn được màn múa này, 2 người sẽ thành một đội.
Hội Triều Khúc vẫn giữ nguyên được những truyền thống tốt đẹp như rước kiệu quanh làng, trai tráng các thôn cùng mặc những bộ quần áo ngày xưa để hóa thân thành các vị quan.
Năm nào cũng diễn ra nhưng hội làng Triều Khúc luôn thu hút cả ngàn người đến dự vì sức hấp dẫn, văn minh trong cách thức tổ chức, biểu diễn tại lễ hội
Một cụ cao niên trong làng thực hiện màn rước trống khai mạc lễ hội.
Đi đầu đoàn rước là trống tiền và đội múa lân, múa rồng. Lễ hội diễn ra từ nay đến hết 12.1 âm lịch.