Hà Nội những ngày tháng ba, những nhành hoa gạo rực đỏ cả góc trời
Những ngày này, hoa gạo nở đỏ những góc phố Hà Nội, mang đến cho phố vẻ lạ lẫm, hoài cổ như thể một vùng quê Bắc Bộ nào đó.
Hà Nội bất kỳ tháng nào cũng đẹp bởi những sắc hoa. Những tháng mùa xuân ngắn ngủi trong màu trời chưa kịp xanh trong, chỉ duy có những bông gạo đỏ rực tô điểm cho những ngày lạnh cuối cùng. Tháng 3, tháng của những ngày gió nồm, mưa ẩm lại là thời điểm những bông hoa gạo bung nở.
Hoa gạo mọc riêng lẻ chứ không theo chùm nhưng lại dày đặc khiến cả một mảng trời nhuộm đỏ màu hoa, nhìn từ xa như mâm xôi gấc.
Hoa có 5 cánh, nở to, nhụy lại trông như những bông hoa nhỏ khác.
Tiết trời Hà Nội đỏng đảnh như nàng thiếu nữ, đặc biệt vào dịp tháng 3 giao mùa, từng cơ mưa phùn bất chợt kéo đến rồi lại vội rời đi, từng vạt nắng xô xuống nhành cây rồi lại theo gió tan mất để lại một màn trời đùng đục. Thế mà trong những ngày xuân ấy, có loài hoa gạo lại rực rỡ, quyến rũ như cô gái bước vào độ tuổi xuân thì.
Màu đỏ rực của hoa gạo khiến nhiều người nhớ thương đến những miền quê…
... nơi có những cây gạo lớn sừng sững đứng ngay đầu làng, hòa vào màu xám của trời và xanh ngắt của những ruộng lúa
Màu đỏ của loài hoa dân dã góp phần điểm tô cho sắc trời những ngày lạnh cuối cùng này.
Hoa gạo thường nở vỏn vẹn trong tháng 3, nhưng chỉ ít ngày vậy thôi cũng đủ người ta mê đắm bởi cái nổi bật, cái "cá tính" riêng có của những bông gạo. Chẳng nhiều cánh và mỏng manh như loài hoa duyên dáng khác, gạo chỉ vỏn vẹn 5 cánh, cứng rắn và quyến rũ. Mang một màu lửa rực rỡ, hoa gạo lại càng khó hòa lẫn vào những loài hoa tinh khôi, ấy thế mà lại trở thành lạ, ấy thế mà lại thương.
Có người nói, tháng 3 là tháng của mưa bụi, của làn gió lành lạnh mơn trớn, của hoa gạo và của nhớ thương. Cái thời tiết tháng 3 dễ đưa con người ra rơi vào một mảng ký ức xưa cũ rực rỡ và ướt át riêng có của những ngày "rét cố" này. Chẳng thế mà mấy nàng mộng mơ vẫn thường hay ngơ ngẩn ngắm nhìn hoa gạo, vội vàng đọc vài câu thơ chẳng rõ có đúng lời:
"Tháng ba về hoa gạo trổ đầy bông
Vương nắng nhạt ủ hương nồng trước ngõ
Hôn lả lơi nhụy vàng bay theo gió
Lá vô tình vò võ suốt canh thâu".
Những cây gạo to lớn đứng sừng sững giữa lòng Thủ đô khiến thành phố trở nên quyến rũ và tươi đẹp hơn.
Ngay cả khi đã rụng xuống, những bông hoa gạo vẫn còn tươi mới, rực rỡ và mang vẻ cứng cỏi chứ không hề dập nát
Tại Hà Nội, còn rất ít số cây gạo còn sót lại vì vậy, đây được gọi vui rằng là loài cây của miền quê chứ chẳng hợp với thành thị. Thế nhưng những cây gạo ở Thủ đô vẫn rực đỏ, tỏa sắc rực rỡ chẳng kém cạnh bất kì loài hoa nào.
Bên cạnh cái tên gạo đậm chất thôn quê, cây còn có một cái tên rất tình là mộc miên. Giống như hoa, cây gạo khiến cho người ta cảm nhận được một sự mạnh mẽ chứ chẳng phải nhu mì, yếu đuối bởi thân cây cao, có gai xung quanh. Cây gạo cũng gắn bó trong những câu chuyện của bà, của mẹ về nền văn hóa Việt Nam như trong câu: "Thần cây đa, ma cây gạo" hay thậm chí làm nhiệm vụ dự báo thời tiết như "Bao giờ cho đến tháng 3, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn".
Tháng 3, tháng của hoài niệm, thương nhớ, cũng là tháng màu hoa gạo rực rỡ như những đốm lửa tình bung nở.
Có người chẳng ưa tiết trời ẩm ương, nồm ướt của tháng 3, cũng chẳng thích cái màu gắt đỏ của hoa gạo, ấy thế mà khi chúng quyện vào nhau lại khiến người khác dễ rung rinh đến thế
Chẳng biết yêu màu hoa gạo từ bao giờ, nhưng cái vả kiên cường, mạnh mẽ và rực rỡ của hoa gạo giữa tiết trời ẩm ương, ảm đạm của tháng 3 đúng là khiến bao người chìm vào mê đắm chẳng thoát ra được. Bao mùa hoa gạo qua là bấy nhiêu mùa hoài niệm, về quê hương, về những ngày tháng 3 cũ kỹ nhuốm màu thời gian.
Chẳng biết hoa gạo vô tình hay hữu ý, lại chọn màu lửa để gõ cửa tháng 4.
Xem giữa mùa sưa trắng và ngày loa kèn tinh khôi trải dài khắp phố, hoa gạo rực rỡ nổi bật, mạnh mẽ và hoài cổ.