6 loại mắm thử thách khứu giác nhưng ăn rồi lại dễ bị nghiện của người Việt
Nhiều người chê mắm nặng mùi, điều đó không sai, nhưng sự góp mặt của những loại mắm khiến món ăn đậm đà và ấn tượng hơn hẳn.
Phải nói, các món mắm của Việt Nam vô cùng đa dạng. Và chúng cũng chính là một phần, một nguyên liệu để chế biến ra những món ăn ngon đặc sắc ở mỗi vùng miền. Hãy cùng khám phá một số loại mắm đặc trưng như thế nhé!
1. Mắm tôm
Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi "mùi mắm tôm" trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã "chạy làng".
Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu để pha chế các món giả cầy và rựa mận.
2. Mắm nêm
Mắm nêm là loại mắm rất nổi tiếng ở miền Trung. Mắm thường được làm từ cá cơm, ngoài ra có thể là cá nục, cá trích…Để làm được mẻ mắm nêm ngon, người ta phải chọn cá tươi, rửa sạch, đem ướp muối theo một tỉ lệ nhất định rồi cho vào hũ đậy kín nắp lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ nơi để hũ mắm mà mắm có thể chín từ 7 – 9 ngày. Lúc này khi mắm đã chín sẽ có độ hơi sệt sệt nhưng đã bốc mùi thơm đặc trưng rất riêng của mắm.
Mắm nêm nguyên chất rất mặn nên để chế biến được thành món ăn, người ta phải đem xay nhuyễn lấy nước, sau đó nêm vào thêm các nguyên liệu khác như thơm băm nhỏ, tỏi giã nhuyễn, ớt xay, đường và vắt vào đó một ít chanh.
Sau khi chế biến, món mắn nêm với hương vị mặn mà, cay cay, thơm thơm dậy mùi thật khó khiến cho thực khách cưỡng lại. Mắm nêm thường được ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo, bún mắm... và tạo thành hương vị vô cùng khó quên.
3. Mắm cá – Châu Đốc
Nếu đã một lần về Châu Đốc, bạn sẽ không thể quên được các món mắn nơi đây. Vốn được thiên nhiên ưu đãi cho trữ lượng cá lớn, người miền Tây không biết từ bao giờ đã nghĩ ra cách làm mắm để tận dụng món quà này.
Dù bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được nhưng muốn mắm ngon, người ta phải làm mắm từ các loại cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh... Trong đó mắm cá lóc là món mắm tiêu biểu của vùng Châu Đốc, An Giang và là nguyên liệu làm nên món bún cá Châu Đốc nổi tiếng. . Nổi lầu mắm đất Cần Thơ lại không thể thiếu món mắm cá linh vàng ươm, thơm lựng.
4. Mắm ruốc
Mắm ruốc là một dạng mắm làm từ con ruốc (một loài tôm nhỏ). Tuy nhiên, màu sắc và mùi vị không giống với mắm tôm. Mắm ruốc có màu đỏ hồng, không tanh như mắm tôm và được dùng rất phổ biến trong các món ăn của người Huế…
Có điều dễ dàng nhận thấy khi thưởng thức các món ăn xứ Huế là luôn có mùi của ruốc trong đó. Những món ăn nổi tiếng của Huế như bún bò Huế, cơm hến, thịt chưng... là những món không thể thiểu ruốc nếu muốn ăn ngon. Những bà nội trợ Huế thường chuộng dùng ruốc nêm canh, kho cá hơn là những gia vị công nghiệp, vì thế các món ăn Huế luôn đậm đà và có tính đặc trưng không lẫn vào đâu được.
5. Mắm rươi
Rươi là loài nhuyễn thể, màu sắc lại xanh xanh, hồng hồng khiến nhiều người nhìn thôi cũng e ngại. Tuy vậy từ lâu, món này lại được công nhận là đặc sản và có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon như chả rươi, nem rươi. Và ngoài ra, rươi còn có thể được sử dụng làm mắm rươi với hương vị rất đặc sắc.
Cách làm mắm rươi cũng tương tự như mắm cá, mắm tôm vậy. Rươi sau khi vớt lên, rửa sạch sẽ và ủ cùng nước, muối hột rồi đem phơi nắng khoảng 10 – 15 ngày. Mắm rươi có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt dịu dàng, khiến khách sành điệu nếm qua một lần là lưu luyến và nhớ mãi. Mắm rươi được ăn một cách đơn giản, bạn chỉ cần vắt thêm tí chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho rất nhiều món ăn: thịt lợn luộc hoặc quay, giò xào, thịt bê hấp, vịt quay, các loại rau... thậm chí chỉ trộn với cơm nguội cũng đã đủ tuyệt lắm rồi.
6. Mắm bò hóc
Mắm bò hóc hay còn gọi là mắm prahốc, được xem là món ăn truyền thống ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang. Mắm bò hóc được làm từ bằng cá nước ngọt, bỏ ruột , đánh vẩy, rồi giã nát. Cá sau đó để một nắng rồi đem nén trong vại với muối và gia vị.
Mắm bò hóc được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà và là nguyên liệu thích hợp để làm nước lèo trong món bún nước lèo. Tuy mùi hơi nồng nhưng thứ nước dùng nấu từ mắn bò hóc lại vô cùng đậm đà, hấp dẫn và khó quên.
Tổng hợp