Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 2 km, trơ trọi trên doi đất ven sông Hồng là xóm nổi – nơi những gia đình tứ xứ không mảnh đất cắm dùi đang trú thân.

Lênh đênh “làng” nổi sông Hồng

Chỉ cách một bờ kênh, bên này là hoa lệ và sầm uất, bên kia, cạnh bờ kênh đang ri rỉ nước lẫn mùi xú uế tanh nồng của rác thải, xuyên qua khu trọ ẩm thấp của những người nghèo là xóm nổi nơi bãi giữa sông Hồng. Nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, cái xóm này đã tồn tại hơn 20 năm, là nơi cư ngụ của nhiều phận tha phương trôi dạt về Hà Nội kiếm tìm cuộc sống mới.
Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 1
Bãi nổi sông Hồng, nhìn thoáng qua thơ mộng như tranh...

Cư dân ở nhiều con ngõ trên những con phố tĩnh lặng và có đôi phần khá giả của khu An Xá, Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm) làm hẳn những cổng sắt cao, khóa lại và treo hẳn cái biển to vật vã: “Không đi lối này”, thành thử, con đường độc đạo vào xóm nổi là… bãi rác của những người dân sống phía trên, lúc nào cũng ướt nhẹp, đầy rẫy những mảnh nhọn, kim tiêm. Thấy chúng tôi lò dò tìm lối xuống bãi, người ở trên xì xào: “Nếu không phải bọn tọc mạch, chắc là lũ ất ơ”, người ở dưới thì bảo: “Cảnh giả quá, ở đây chúng tôi cứ chân đất mà đi phăm phăm, có sao đâu!

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 2
... nhưng để vào thăm xóm nổi, phải đi qua bờ kênh dọc cầu Long Biên...

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 3
... và con đường độc đạo ngập ngụa rác.

Xóm nổi lững lờ cập ven bờ sông chẳng có màu đỏ phù sa tươi rói như ta nhìn xuống từ cầu Long Biên, mà lờ nhờ một màu đen – xanh quánh bẩn. Cả xóm có 13 hộ gia đình, hầu hết là dân tứ xứ từ các tỉnh lân cận, cũng có người từ Nghệ An, Thanh Hóa tụ về đây làm “nhà” ở tạm.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 4
Dân tứ xứ đổ về đây mong kiếm tìm một cuộc sống khá hơn.

Gọi là “nhà” cho oách, chứ chúng là những con thuyền được dựng rất tạm bợ theo cách riêng của những người dân nơi đây, kết bằng ít gỗ tạp, tre cong, trên nóc, chung quanh thuyền chi chít vải bạt hoặc các tấm pa-nô, áp-phích quảng cáo, nghe nói được lôi về từ bãi rác, bãi tha ma. Thuyền nào cũng được trang bị những chiếc phao, thùng phuy và thùng xốp để giữ cho nó nổi và một cây cầu ọp ẹp nối với bờ sông.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 5
Xóm nổi ven sông được xây dựng tạm bợ...

Mỗi chiếc thuyền rộng chừng 7 – 8 m2, cao chừng 1,5 m, có thuyền được chia làm 2, 3 “phòng” với lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ đạc: xoong nồi, bát đũa, quần áo, tủ kệ… là nơi diễn ra mọi sinh hoạt thường ngày và riêng tư nhất của con người, từ nấu nướng, ăn uống đến ngủ nghỉ.

Năm tháng cứ trôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác, cuộc sống của họ bấp bênh theo con nước vơi đầy. Mùa nước dâng, nền nhà ai cũng lép nhép nước, có khi nước dâng cao, ngập cả cầu sang nhà; mùa nước cạn, ruồi nhặng và đủ thứ mùi kinh hãi từ bãi rác lại “tấn công” cư dân bãi nổi.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 6
... bên bờ sông nước quánh lại, đen sì vì nước thải.

Thế mà cũng có những người đã ở đây ngót 20 năm. Có những nhà 7, 8 con người chia thành 2, 3 gia đình nhỏ vẫn sống chung được một thuyền, và những đứa trẻ vẫn được ra đời. Cũng không ít gia đình ở đây, tìm đỏ mắt chẳng thấy nổi một người đàn ông “trụ cột”, chỉ trơ trọi đàn bà, trẻ con với nhau, đám thanh niên trai tráng cũng hiếm như nhà chị Xuyến, chị Mai, chị Lĩnh…

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 7
Không ít hộ trong xóm nổi vắng bóng đàn ông.

Cũng có người sống một thân một mình như bà Trần Thị Tuyết (64 tuổi). Từ Thái Bình trôi dạt về thủ đô đã hơn 10 năm, bà kiếm sống bằng nghề bán nước. Bà chia sẻ: “Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng thôi, thành thử sống một mình mà vẫn thiếu thốn đủ đường”. Nghẹn ứ giọng, bà tiếp: “Giờ còn túc tắc kiếm được, phải chi tiêu dè sẻn, chứ sau này già rồi, biết sống làm sao…” Hỏi đến chuyện gia đình, bà lặng thinh, chỉ có đôi mắt nhăn nheo khẽ ép từng giọt lệ.

Chẳng cứ gì bà Tuyết, cả xóm nổi này đều phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Mang phận du cư, họ chẳng biết trông vào cái gì ngoài sức lực trời cho. Nước thì họ lấy ngay nước sông Hồng, gạn phù sa, đánh phèn lên để tắm rửa, giặt giũ và cả để ăn nữa. Nhà nào “sang” lắm hoặc có trẻ con mới dám đi bộ gần 2km lên trên bờ để mua nước với giá 4.000 đồng/gánh về ăn. Ở xóm nổi cũng có điện nối nhờ đường dây của những nhà trên bờ, nhưng giá cao 4.000 đồng/kWh nên cũng chỉ có vài nhà “ăn chơi” mới dám dùng.

Xa xăm đường lên bờ

Trên những chiếc thuyền liêu xiêu, cư dân xóm nổi sống một cuộc sống hiu quạnh, lay lắt ít có tương lai. Tiếng là sống ven sông, cạnh bãi bồi, nhưng họ không trồng cấy gì cả, cũng chẳng đánh bắt cá tôm mà hầu hết làm việc “trên bờ”: thu nhặt đồng nát, ve chai hoặc làm bốc vác, cửu vạn tại các chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân, những cô gái có ngoại hình khá thì xin được chân bán hàng, trông kho ở chợ.

Tiếp chúng tôi trong cái thuyền ọp ẹp, chao đảo như chực nhào xuống sông, chị Nguyễn Thị Mai bảo: “Ở nhà quê chẳng còn ruộng đất gì, bĩ cực lắm mới phải sống trôi nổi thế này. Bố chúng nói không chịu nổi, bỏ đi từ lâu rồi, còn lại tôi với bọn trẻ con”. Chị Mai có ba người con, con trai lớn đã “thoát ly” cái nhà nổi, đi bộ đội biên phòng từ lâu, hai đứa con gái chẳng đứa nào được học hành đến nơi đến chốn.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 8
Căn nhà này là tổ ấm của gia đình chị Mai.

Tâm, cô con gái thứ hai của chị Mai mới 23 tuổi đã hai mặt con, ngày ngày lên cầu Long Biên bán nước, ngô khoai nướng nuôi hai đứa nhỏ trứng gà trứng vịt sắp đến tuổi đi lớp và anh chồng mới mất việc. Hà, cô con gái út mới 15 tuổi đã nghỉ học từ lâu, giờ đi bán quần áo thuê ở chợ Đồng Xuân.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 9
Tâm không có nghề ổn định, kiếm sống bằng việc bán hàng trên cầu Long Biên.

Rít một hơi thuốc lào, người con rể buồn bã bảo: “Em đi xin việc mấy tháng nay chẳng được. Cứ nghe nói là dân bãi, người ta lắc đầu quầy quậy. Người tế nhị thì kiếm cớ nói tránh đi, cũng có người nói thẳng với em là dân khu này toàn thành phần bất hảo, không tin được. Nghe mà nẫu lòng. Trình độ không có, nghề nghiệp không, một mảnh đất cắm dùi cũng chẳng có, chúng em sống cực nhọc lắm! Lên bờ mà sống được, chắc chỉ là mơ thôi…

Đến với xóm nổi bần cùng nhất đất Hà Nội này, họ chia sẻ, là bởi đã hết cách để sống được trên bờ. Phần lớn cư dân ở đây không có hộ khẩu hay các giấy tờ tùy thân. Có người bỏ xứ mà đi, vì một lẽ nào đó, không dám và không thể quay về. Cũng có người đã phiêu bạt quá nửa đời hoặc tha hương từ thuở ấu thơ nên cũng chẳng biết quê hương là gì. Từ lâu, họ đã quen với dòng sông Hồng, với khu chợ Long Biên, với những chiếc nhà nổi xập xệ và cuộc sống bấp bênh.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 10
Không dễ để những đứa trẻ này có giấy khai sinh, hộ khẩu Hà Nội...

Những đứa trẻ mới được sinh ra trên đất này, hầu như không có cơ hội được học hành đàng hoàng. Chúng thường mê bươn chải kiếm tiền hơn là mê cái chữ. Không có cơ hội đi học ở những trường bình thường như những đứa trẻ ở trên bờ, cư dân nhí xóm nổi bằng lòng với những lớp học tình thương ít ràng buộc, ưng là chúng đi, không ưng là chúng nghỉ. Và bởi thế, cơ hội để chúng kết thúc đời trôi nổi cũng không nhiều.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 11
... cơ hội được học trường công, vì thế cũng ít đi.

Những người dân ở đây bảo, nhiều lần đại diện các cơ quan, tổ chức đến xóm nổi làm công tác tư tưởng, khuyên họ từ bỏ cuộc sống tạm bợ ở đây để vào bờ. Nhưng họ cũng thẳng thắn cho biết, điều đó rất khó. Ai cũng mong được đổi đời, được ổn định, nhưng lên bờ, quả là một giấc mơ xa vời, bởi nó đồng nghĩa với hàng đống thứ chi phí, nào tiền ăn, tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền học hành cho con cái… cùng bao nhiêu áp lực khác.

Hà Nội: Những gia đình chưa bao giờ được ở trên mặt đất 12
Vào bờ vẫn là ước mơ của nhiều người dân xóm nổi.

Trong ánh nắng chiều chưa bớt gay gắt, những người đàn bà ở xóm nổi dưới chân cầu Long Biên lại lục tục chuẩn bị nấu cơm, mấy đứa trẻ quần áo lấm lem hồn nhiên nô đùa, tắm táp dưới sông. Cơm nước xong, nhiều người lại kéo nhau ra “bòn” chợ kiếm ăn, lay lắt sống cho qua những ngày tháng lênh đênh khó có tương lai…

Được tổ chức từ 17/06/2013 - 28/06/2013

Bạn có thể bắt đầu gửi ảnh từ ngày 17/06/2013. Mỗi bạn được gửi 02 ảnh dự thi, bao gồm 01 ảnh cũ và 01 ảnh mới chụp tái hiện lại khung cảnh, hành động trong bức hình cũ. Bạn cũng có thể chia sẻ thêm kỉ niệm về gia đình (không quá 200 từ)

Những giải thưởng vô cùng hấp dẫn lên tới hơn 60 triệu đồng đang chờ bạn rinh về!


Chia sẻ