Hà Nội: Nhiều gia đình đưa con em đến phố Ông Đồ xin chữ trước thềm năm mới
Không gian phố Ông Đồ tại Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám khai mạc đã thu hút rất nhiều người dân kéo đến xin chữ trước thềm năm mới.
Hội chữ xuân với ý nghĩa tôn vinh truyền thống "Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài" đã chính thức khai mạc tại Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã thu hút rất nhiều người dân Thủ đô kéo đến xin chữ trước thềm năm mới.
Hoạt động cho chữ, xin chữ tại Hội chữ có sự tham dự của 63 "ông đồ". Đây đều là những người có khả năng viết thư pháp chữ Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ và là thành viên của các CLB Thư pháp tại Hà Nội, đã vượt qua kỳ khảo tuyển thẩm định trình độ của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám 2018.
Khu vực Hồ Văn những ngày này đã được trang trí với hàng trăm tiểu cảnh, tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt của người dân Đồng bằng Bắc Bộ thời xưa.
Theo nhận xét của đông đảo khách có mặt tại đây thì chưa năm nào "Hội chữ xuân" lại được tổ chức quy mô, hoành tráng và đẹp mắt như năm nay.
Tất cả những nét văn hóa, sinh hoạt tâm linh đều được tái hiện một cách sinh động, chân thực nhất.
Lối cổng chính tại Hồ Văn được thiết kế những tiểu cảnh ấn tượng cho du khách du xuân, xin chữ.
Ngay sau khi khai mạc, rất nhiều người dân Thủ đô đã kéo đến để thưởng thức không khí Tết sớm bằng cách xin chữ để treo trong gia đình dịp Tết sắp tới.
Không chỉ có người lớn, rất nhiều bạn trẻ cũng đã có mặt tại đây để xin chữ trước thềm năm mới.
Các ông đồ được bố trí những khu ngồi riêng biệt, trước khi được ngồi tham gia hoạt động cho/xin chữ đều được tuyển chọn.
Nhiều trẻ nhỏ cũng được cha mẹ, ông bà đưa đến hội để xin những chữ ý nghĩa treo trong nhà dịp Tết.
"Với trẻ nhỏ thành phố cần đưa chúng đến những nơi như thế này để chúng sống chậm lại và cảm nhận những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta", bác Hương - một người dân cho hay.
Thông qua chủ đề của Hội chữ xuân, Ban tổ chức mong muốn tôn vinh giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và ngày càng nhiều hiền tài phát huy tinh thần đó để đất nước ngày càng hưng thịnh.
Bên cạnh hoạt động xin/cho chữ cũng có rất nhiều hoạt động bên lề như: Tái hiện quang cảnh trường thi gồm nhà thập đạo, chòi canh, lều chõng; khu vực làng nghề truyền thống sẽ giới thiệu những nét truyền thống của làng làm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, đúc đồng...
Tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, ô ăn quan; tổ chức không gian ẩm thực dân gian truyền thống của Việt Nam…
Điểm mới của chương trình năm nay là du khách được thưởng thức và tham gia lễ hội thả đèn hoa đăng xuống mặt hồ với mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng.
Những không gian cổ kính về một gia đình truyền thống thuộc Đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện hút du khách.
Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra từ ngày 9 - 25/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Thời gian hoạt động từ 8 giờ đến 20 giờ hàng ngày, riêng đêm 30 Tết hoạt động đến 2 giờ hôm sau, các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết hoạt động đến 22 giờ.