Một gốc mai phố ông đồ hút cả chục người Sài Gòn chụp hình, người vẽ chữ, bán bao lì xì thư pháp hốt bạc
Song song với cảnh chen chân “sống ảo” của nhiều thiếu nữ tại phố ông đồ (TP.HCM) thì các gian hàng tại đây cũng mua may bán đắt hơn mọi năm.
Chỉ mới khai trương ít ngày nhưng phố ông đồ tại Nhà văn hoá Thanh niên (quận 1, TP.HCM) đã thu hút rất đông người dân cùng du khách đến thưởng lãm.
Phố ông đồ năm nay diễn ra từ ngày 2/2 đến ngày 15/2 (tức từ 17 đến 30 tháng Chạp âm lịch). Những ngày vừa qua, khu vực ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch như khoác lên mình tấm áo mới khi cả một dãy dài vàng óng một màu hoa mai.
Phố ông đồ vàng óng một màu hoa mai.
Ngay khi chính thức khai mạc, các dãy bán tranh thư pháp, bao lì xì cũng đồng loạt đi vào hoạt động. Không khí náo nhiệt tại đây nhanh chóng thu hút nhiều nam thanh nữ tú đến chụp hình "sống ảo".
Một cô gái tạo dáng bên bức họa thư pháp.
Cô gái tên Na (22 tuổi) xúng xính áo dài đi chơi cùng bạn thân. Na cho biết tranh thủ cuối tuần đến đây chụp hình vì sợ cận Tết sẽ rất đông. Tuy nhiên dường như ai cũng có tâm lý này nên Na phải khá vất vả để kiếm được một góc chụp hình ưng ý.
Một gốc mai tại phố ông đồ thu hút cả gia đình gần chục người đến chụp hình.
Cảnh này cũng xảy ra với nhiều "nàng thơ áo dài" khác khi hàng mai dọc phố ông đồ đều được người dân ưu tiên chọn để tạo dáng. Có thời điểm một gốc mai được cả chục cô gái đứng vây quanh. Tại khu vực sân khấu ngoài trời cũng có đông đảo khách đến chụp hình khi ban tổ chức con phố có thiết kế một nhà truyền thống và khu vực "xe đua chó" dành cho trẻ em.
Nhờ tập trung đông đảo du khách mà những "ông, bà đồ" cũng được hưởng lợi.
Nhiều ông đồ "hốt bạc" nhờ khách đến mua tranh, chữ thư pháp đông.
Ông đồ Võ Đức Dự, người vẽ tranh thư pháp ngay cổng chính con phố cho biết, chỉ tính từ đầu ngày đến buổi chiều 4/2, anh đã bán được cho vài chục khách. Giá của mỗi bức tranh dao động từ 100 ngàn đồng đến vài triệu đồng.
"Năm nay mình thấy khách đến vui chơi và mua sắm đông hơn mọi năm. Ba ngày nay bán được nhiều lắm, không thể đếm xuể" – Dự chia sẻ.
Quang cảnh này sẽ còn tiếp tục nhộn nhịp trong những ngày sắp tới.
Tương tự vậy, ông đồ Đăng Tâm (30 tuổi) cho biết, đã tham gia quầy bán chữ thư pháp tại phố ông đồ được 4 năm. Cả ngày hôm nay anh bán được 30 bức vẽ, giá dao động từ 200 ngàn đồng đến 4 triệu đồng/bức.
Tại quầy bán bao lì xì, chị Thanh (22 tuổi) chăm chú nắn nót một cành mai. Giá cho một bao như vậy là 10 ngàn đồng, và sáng giờ chị đã bán được hơn 100 bao. Cảnh buôn bán này hứa hẹn sẽ còn tấp nập hơn vào những ngày sắp tới, khi Tết Nguyên đán 2018 đang đến rất gần.
Hai "ông, bà đồ" vui vẻ trò chuyện cùng nhau.
Các bức tranh thu hút "girl xinh" đến tạo dáng.
Dư âm giải bóng đá U23 châu Á vẫn còn khi các vật dụng in hình cờ Việt Nam - Hàn Quốc cũng được bày bán.
Nhiều cặp đôi đến đây lưu giữ những hình ảnh đẹp khi sắp bước sang năm mới.
Phố ông đồ cũng thu hút khách Tây đến "tự sướng".
Nơi đây ngoài tranh, chữ thư pháp còn bán bao lì xì vẽ tay.
Hay quạt giấy may mắn.
Cô gái tên Na cùng bạn đến phố ông đồ vui chơi.
Khu vực "đua chó" thu hút nhiều phụ huynh, trẻ nhỏ.
Không thể thiếu dưa hấu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Phố ông đồ đã sẵn sàng cùng Sài Gòn đón một mùa xuân mới.