Hà Nội lại vào “mùa ô nhiễm không khí”, giải pháp là gì?

Hải Hà/VOV Giao thông,
Chia sẻ

Hà Nội đang bắt đầu vào mùa ô nhiễm không khí. Một số ngày, chất lượng không khí tại một số khu vực ở mức xấu và kém, đường phố bị bao phủ bởi làn sương mờ. Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai những giải pháp như thế nào để cải thiện chất lượng không khí.

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa bà, đầu năm 2024, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, đến nay thành phố đã triển khai kế hoạch này ra sao?

Bà Lê Thanh Thủy: Như chúng ta đã biết, tháng 2/2024, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 trong đó đã chỉ rõ một số nguồn dẫn đến ô nhiễm không khí (ONKK) chính, bao gồm phát thải ô nhiễm không khí đến từ giao thông, công nghiệp hay đốt hở.

Cũng trong bản kế hoạch, chúng tôi đã đưa ra những giải pháp ưu tiên để làm sao giảm thiểu được phát thải từ hoạt động giao thông và các nguồn phát thải khác.

Hà Nội lại vào “mùa ô nhiễm không khí”, giải pháp là gì? - Ảnh 1.

Bầu trời Hà Nội mù mịt vào mỗi buổi sáng thường xuyên xuất hiện trong thời gian gần đây. Ảnh: Công Hùng/Kinh tế đô thị

Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội thời gian qua đã phối hợp với Sở GTVT và các Sở chuyên ngành của thành phố nghiên cứu, đề xuất ra các giải pháp, đặc biệt những giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và theo dõi các nguồn phát thải này.

Cụ thể, chúng tôi phối hợp với các bên kiểm kê các nguồn thải để đánh giá chính xác đâu là nguyên nhân gốc rễ của ONKK. Chúng tôi cũng đã xây dựng các quy định, xây dựng các vùng phát thải thấp. Đưa ra những phương án để làm sao quy hoạch lại hệ thống giao thông và hạ tầng để đưa ra những vùng phát thải thấp cho thành phố Hà Nội.

Câu chuyện về cảnh báo ONKK là vô cùng quan trọng vì người dân luôn muốn biết ONKK từ 3 ngày đến 1 tuần. Chúng tôi rất thận trọng trong việc đưa ra những cảnh báo mang tính khoa học. Trong thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội tập trung nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế như ở Đài Loan, Bắc Kinh, Thái Lan và các nước trong khu vực đang triển khai xây dựng hệ thống này. Hiện tại, đơn vị cũng đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng một mô hình giám sát về cảnh báo ONKK.

Chúng tôi hy vọng thời gian rất ngắn, Hà Nội sẽ có một cảnh báo ONKK có ứng dụng công nghệ cao để cho người dân có được những thông tin để chủ động ứng phó với ô nhiễm không khí trong thời gian tới.

Sở TNMT phối hợp với các chuyên gia, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào giám sát cũng như cảnh báo về ONKK. Tôi hy vọng, rất sớm thôi, Hà Nội sẽ hoàn thiện hệ thống này để giám sát và cảnh báo không khí.

PV: Bên cạnh những giải pháp dài hạn, một số ý kiến cho rằng, Hà Nội cũng cần thực hiện những giải pháp ngắn hạn để giảm thiểu ONKK. Rửa đường có nằm trong giải pháp của Hà Nội để giảm thiểu ô nhiễm không khí?

Bà Lê Thanh Thủy: Thực tế trong 5-7 năm qua, Hà Nội có mùa ô nhiễm không khí bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 2-3 sang năm. Một phần nguyên nhân là do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Chúng ta đang bắt đầu mùa ô nhiễm không khí, những giải pháp ngắn hạn mà thành phố cần nhắm đến cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Bắc Kinh (Trung Quốc), Seul (Hàn Quốc), giải pháp rửa đường cũng là một giải pháp hiệu quả có thể thực hiện nhằm hạn chế nồng bụi gia tăng trước mắt, giảm ô nhiễm cho thành phố Hà Nội.

Hiện tại, Hà Nội vẫn đang duy trì giải pháp phun nước rửa đường trên các tuyến phố chính. Thời gian phun nước chủ yếu là vào buổi tối muộn nên xét về hiệu quả về giảm ô nhiễm và nồng bộ bụi chưa đảm bảo. Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại phương án kỹ thuật để làm sao vừa vệ sinh môi trường nhưng cũng giảm được lượng bụi đang phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước mắt, chúng tôi đang đánh giá lại hiệu quả công tác phun nước rửa đường và hiệu chỉnh lại phương án kỹ thuật. Chúng ta phải tính toán để các giải pháp đưa ra đảm bảo sử dụng hiệu quả về chi phí.

Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị vệ sinh môi trường đánh giá lại, đo đạc lại là trước khi phun nước rửa đường và sau khi phun nước rửa đường, chất lượng không khí được cải thiện như thế nào. Sau đó đề xuất phương án, sớm trình UBND thành phố đưa ra phương án hiệu quả hơn cho mùa ô nhiễm không khí này.

PV: Vâng. Xin cảm ơn bà!

Chia sẻ