Hà Nội: Kiểm tra hàng loạt cơ sở “phù phép thịt lợn thành thịt bò”

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Ngày 8/10, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản báo cáo nhanh kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm (ATTP) gửi UBND TP Hà Nội.

Theo đó, Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương và Sở NN& PTNT, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Phúc Thọ tiến hành kiểm tra 3 chợ gồm: chợ Minh Khai, chợ Cổ Nhuế và chợ Gạch.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại chợ Minh Khai có hơn 40 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 4 hộ kinh doanh thịt bò. Khi tiến hành kiểm tra 2 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại đây, họ đã bán hết hàng. Tuy nhiên, khi kiểm tra trên giấy tờ, 2 hộ kinh doanh này không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhưng đã được cán bộ Thú y tại chợ kiểm tra và xác nhận đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường.

Tại chợ Cổ Nhuế cho thấy có 20 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 4 hộ kinh doanh thịt bò. Riêng tại hộ kinh doanh Vũ Thị Phương (bị báo chí phản ánh), qua tiến hành kiểm tra, xác minh thì hộ kinh doanh này đã tạm dừng hoạt động.

Tại chợ Gạch có 35 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 2 hộ kinh doanh thịt bò. Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, thịt gà Nguyễn Quang Thái (địa chỉ thôn Dục, Thọ Lộc, Phúc Thọ), cơ sở không xuất trình được Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Cơ sở này báo cáo nhập thịt của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Giang tại chợ Nghệ (Sơn Tây) nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm. 

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Nguyễn Quang Thái dừng việc kinh doanh và chỉ được kinh doanh thực phẩm khi thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.

Sở Y tế đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ tiếp tục kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ vấn đề “thịt lợn phù phép thành thịt bò” có hay không trên địa bàn, đồng thời xử lý vi phạm (nếu có) đối với các hộ kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn. 

thịt lợn
Thịt lợn sề rất giống thịt bò

Trước đó, theo báo chí phản ánh, người làm giả thịt bò chỉ cần lấy nhiều mỡ bò bôi vào làm miếng thịt hơi gây mùi. Với phần thịt cổ heo nái, khi thái ra để xào sẽ thấy gân như hoa thị, giống gân, bắp bò. Màu thịt cũng biến đổi, không còn đỏ au mà trở nên nhợt nhạt thấy rõ. Thậm chí là màu nước cũng có sự thay đổi.

Cũng liên quan đến vấn đề thịt bò được “hô biến” thành thịt lợn, cách đây không lâu, tại cuộc họp báo về tháng hành động về ATTP đã đưa ra thông tin cho biết Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã giám sát chủ động 109 mẫu thực phẩm được giới thiệu là thịt bò, phở bò và một số thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò (xúc xích, giò bò). Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm thịt bò tươi, phở bò và một số thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò (xúc xích, giò bò) cho thấy, nhiều mẫu sản phẩm không có thịt bò hoặc thành phần bò không đáng kể, thậm chí thịt bò là thịt heo, thịt trâu… Các mẫu này được lấy ngẫu nhiên tại các chợ, siêu thị ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả kiểm nghiệm cũng khiến cơ quan này bất ngờ, khi tình trạng gian lận, dùng thịt lợn nhưng lại nói là thịt bò quá phổ biến. Cụ thể, trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy phân tích, có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu, 8 mẫu là thịt heo. Với 12 mẫu nạm bò, phân tích đã xác định có 10 mẫu thịt là nạm bò thật, 2/12 mẫu là thịt heo.

Trong số 10 mẫu thịt bò được lấy tại các cửa hàng bán phở bò, có hai cửa hàng bán phở bò thực chất là phở thịt heo. Đáng lưu ý, 23 mẫu xúc xích bò được lấy phân tích, có 8 mẫu không phát hiện hàm lượng thịt bò, 15 mẫu hàm lượng thịt bò rất thấp.

Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.

Các chuyên gia cho hay, để tránh mua phải thịt bò giả, chỉ cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt. Thịt bò thật có màu đỏ au hoặc hồng đậm tự nhiên, trong khi thịt bò giả có màu nhạt hơn, không đều màu, nhìn thiếu tự nhiên dù đã được tưới huyết bò lên trên. Thịt bò giả có mùi tanh, lạnh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.

Chia sẻ