Hà Nội: Giữa thủ đô có một cụ bà 84 tuổi nuôi 2 con tâm thần bằng đồng lương hưu
Số tiền mà 2 người con của cụ được hưởng theo chế độ tâm thần không đủ để chi tiêu, cụ Mai đã dùng chính đồng lương hưu của mình để phụ thêm vào việc nuôi con.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Đỗ Nguyệt Mai (84 tuổi) nằm trong ngõ 135 đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), nơi cụ đang chăm sóc người con cả bị tâm thần lâu năm. Lúc này, cụ Mai đang tất bật chuẩn bị bữa ăn, dù đạm bạc, chỉ với rau và muối vừng, thế nhưng, tinh thần của cụ vẫn vui vẻ, đầy sức sống.
Cụ Mai và con trai (người làm nghề bơm xe) chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình
Chia sẻ với chúng tôi, cụ Mai cho biết, chồng của cụ là Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1933) mất cách đây gần 1 năm vì tuổi già và sau nhiều năm lâm bệnh. Hai ông bà sinh được 6 người con nhưng có 2 người bị bệnh tâm thần từ nhỏ lại rơi vào con trai cả và con trai út.
Trong đó, anh con cả Ngyễn Ngọc Tâm, sinh năm 1953 đang được "nhốt" ngay tại một căn buồng nhỏ cạnh nhà và người là con út Nguyễn Ngọc Thắng, sinh năm 1971 đang được gửi tại Trại tâm thần Châu Quỳ, Gia Lâm.
6 người con không ai thoát cảnh cơ bần
Nói về cuộc sống của mình, cụ Mai kể: "Ông chồng tôi mất sắp được tròn 1 năm, nhưng đến những năm cuối đời ông ấy cũng bệnh tật phải nằm liệt giường, một mình tôi phải chăm lo tất cả. Kể cả đến khi ông ấy đi bệnh viện, rồi cho đến khi chết cũng chỉ có tôi lo. Cả cuộc đời, khi còn trẻ thì hai vợ chồng đi làm công nhân lao động nuôi con, già rồi vẫn phải chăm và nuôi hai đứa tâm thần".
Cụ Mai ngậm ngùi kể tiếp: "Tôi có 6 người con tất cả, chẳng đứa nào trưởng thành đúng nghĩa. Anh con cả là Tâm dù làm một học sinh giỏi thời học sinh, nhưng Tâm bị bệnh tâm thần từ lúc học lớp 7, sau một lần đánh nhau với bạn ở trường học.
Tiếp đến là người con gái sinh năm 1954, đi lấy chồng có cuộc sống riêng nhưng chồng đã chết vì bệnh đái tháo đường. Con trai thứ 3 là Nguyễn Ngọc Giao, sinh năm 1958 đã có vợ nhưng vì không sinh được con nên con dâu tôi bỏ nó, hiện cũng ở cùng và hàng ngày làm nghề bơm vá xe máy ở gần nhà để phụ giúp mẹ việc vặt".
Theo cụ Mai, riêng người con trai thứ 4 sinh năm 1962 là bình thường, nhưng cuộc sống không mấy ổn định do công việc tự do. Vợ chồng và con cái anh này sinh sống cùng cụ Mai ở khu nhà dưới, sớm đi tối muộn mới về, thi thoảng hỗ trợ cho cụ được vài trăm nghìn để chu cấp cho hai người tâm thần.
"Rồi, đứa thứ 5 là con gái cũng có chồng con, nhưng vợ chồng trục trặc nên mỗi đứa một nơi, giờ nó đang thuê nhà để ở và đi bán bánh mỳ. Cuối cùng là cậu út, hồi bé rất bình thường nhưng không hiểu sao lên gần 10 tuổi thì cũng bị tâm thần", cụ bà nói.
Mỗi khi nghe tiếng gọi, cụ Mai lại đem thuốc và nước sang cho con
Chia sẻ riêng về 2 người con bị tâm thần, cụ Mai cho biết, cả hai người con của cụ đều được nhà nước hỗ trợ mỗi người khoảng 800 nghìn/tháng. Nhưng số tiền đó không đủ để cụ chu cấp và nuôi người con tâm thần đang ở trại, nên cụ phải chắt chiu tiền lương hưu (2,7 triệu đồng/tháng) để phụ thêm. Còn người con đang sống cùng cụ thì sinh hoạt có gì ăn đấy, cuối cùng thì cũng qua ngày. Từ khi chồng mất, cụ Mai có thêm một chút tiền địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo.
Lúc nào trong nhà cụ Mai cũng có 2 nồi cơm
Cụ bảo, bữa cơm của gia đình chỉ gồm rau và muối vừng, cứ cách 2 – 3 ngày mới có được bữa thịt. Trong nhà lúc nào cũng có hai nồi cơm hoạt động. Nồi để nấu chín cơm, nồi đựng cơm nguội để khi có tiếng gọi "Mẹ ơi" của người con bị tâm thần đang "nhốt" ở căn phòng bên cạnh sẽ mang sang.
Nói rồi, cụ dẫn chúng tôi đi vòng ra phía sau đến căn phòng rộng chừng 4 mét vuông, nơi anh Tâm đang được "nhốt" ở đây.
Bữa cơm cho gia đình của cụ Mai chủ yếu có rau
Kể về anh Tâm, cụ Mai không giấu nổi niềm tự hào ẩn sau đôi mắt buồn: "Nó học giỏi lắm, ngày còn đi học được học sinh giỏi đấy. Nhưng đã có lần nó phát bệnh mà bỏ đi tới tận cánh đồng ở Hà Đông, vợ chồng tôi phải nhờ cả công tìm giúp mãi mới thấy. Cánh cửa phòng nó cứ phải khóa trái suốt, mở ra tôi sợ nó lại đi đâu mất, thân già này một mình không tìm được con.
Tôi chẳng có đêm nào được ngủ ngon giấc vì sợ khi con gọi "Mẹ ơi" mà tôi không dậy mang thức ăn, nước uống cho con thì con lại đói, lại khát. Nó không ăn ra bữa cụ thể nên nhiều khi cứ phải như thế. Có lúc hàng xóm thấy tôi đêm khuya, mưa gió cũng lọ mọ ra ngoài mang thức ăn cho con, sợ tôi cảm, tôi ốm nhưng biết sao được. Cuộc sống là vậy mà".
Anh Tâm được "nhốt" trong một căn phòng chừng 4 mét vuông
Lúc này, tiếng gọi "Mẹ ơi" của người tâm thần phát từ trong căn phòng nhỏ đó, cụ Mai đáp lại một tiếng duy nhất "Ơi", rồi quay lại phòng bên cạnh lấy nước và thuốc lá cho con.
Cụ Mai bảo: "Nó cứ gọi là biết cần gì rồi, ngoài bữa ăn chính ra chỉ có thế này đấy thôi. Vài cái bánh, thuốc lá cho nó hút và nước chè loãng cũng được. Nếu nó đòi mà không kịp là nó quấy lắm".
Công việc hàng ngày của cụ Mai chăm người con bị tâm thần
Để tìm hiểu thêm về trường hợp của cụ Mai, chúng tôi tìm đến UBND phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Tại đây, chính quyền địa phương đã xác nhận hoàn cảnh gia đình cụ Đỗ Thị Mai.
Một số cán bộ phụ trách cho biết, phía UBND phường cũng có những chính sách hỗ trợ cho gia đình cụ Mai.
"Bà Mai có 2 người con bị tâm thần đều được hỗ trợ theo chế độ và bà Mai còn được hưởng thêm khoảng hơn 300 nghìn tiền trả công cho người chăm sóc. Ngoài ra mỗi khi gia đình có yêu cầu hỗ trợ đột xuất thì địa phương đều đáp ứng. Tuy vậy, bà cũng rất cá tính, có người tốt bụng giúp mẹ con mỗi tháng 10kg gạo nhưng giờ bà không nhận".
Cũng theo cán bộ UBND phường Ngọc Hà, ngôi nhà cụ Mai cùng các con đang ở trước đây đã được chính quyền hỗ trợ sửa sang để có chỗ ở sạch sẽ và an toàn.
Ngôi nhà cụ Mai từng được chính quyền hỗ trợ sửa sang nâng cấp
Một người hàng xóm của cụ Mai chia sẻ: "Bản thân tôi cũng là mẹ, tôi biết bà từ nhiều năm nay. Với những gì hàng ngày đang diễn ra, tôi cảm nhận bà là một người quá là kiên cường, phi thường. Lúc nào cũng vui vẻ, chịu đựng và vô cùng chịu khó. Hàng xóm muốn cho bà cái gì là không dễ và phải nói khéo bà mới nhận…".