Rất nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc thôn Tựu Liệt (Tam Hiệp - Thanh Trì) phải sống khổ sở với nguồn nước sạch do 1 xí nghiệp địa phương cung cấp.
Thôn Tựu Liệt (Tam Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội) có hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu sinh sống. Toàn bộ nguồn nước của người dân được cung cấp bởi trạm cấp nước sạch Tựu Liệt với giá 5 nghìn đồng/mét khối nhiều năm nay. Tuy nhiên theo người dân phản ánh là chưa khi nào được sử dụng nước sạch theo đúng nghĩa bởi chất lạ, bùn đất, giun... luôn xuất hiện trong nguồn nước.
Có mặt tại gia đình ông Lưu Văn Tăng (73 tuổi) cho biết: "Từ rất lâu rồi chúng tôi phải sử dụng nước nhiễm bẩn đến đáng lo sợ. Để đối phó với vấn đề này thì tất cả các hộ dân trong thôn đều phải trang bị nhiều thiết bị lọc nước, trữ nước mong sẽ lọc bớt cặn bẩn, bớt giun sán, loăng quăng".
Một chậu nước do ông Tăng tháo xuống từ chiếc bể inox trên nóc nhà cho thấy lượng cặn bẩn, tạp chất làm chậu nước vàng khè.
Trao đổi về điều này, ông Tăng cho biết thêm: "Cặn bẩn làm đen kịt chậu nước, không chỉ thế nhiều khi vặn vòi ra còn phát hiện cả giun còn ngoe nguẩy nữa. Chúng tôi bao năm sống ở đây nhưng chưa bao giờ nước được sạch sẽ cả".
Chị Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1990) cho hay: "Em trọ ở đây mới được 3 tháng thôi nhưng nước bẩn lắm, bẩn đến mức khó tin anh ạ".
Do nước sạch luôn chứa tạp chất nên gia đình ông phải xây dựng một chiếc bể ngầm hàng chục mét khối với mục đích để cặn bẩn lắng xuống đáy. Tuy nhiên, cặn bẩn không chỉ lắng xuống đáy bể một lớp dày dặn mà còn bám lên thành bể tạo nên chất bầy nhầy như thế này.
Chất bầy nhầy này theo ông Tăng thì có mùi hăng hăng, chính vì vậy tất cả mọi người trong thôn đều cảm thấy sợ hãi khi nhắc đến nguồn nước tại đây. Cũng theo nhiều người cho dân cho biết, trong thôn Tựu Liệt có rất nhiều người chết vì ung thư nhưng chưa rõ nguyên nhân và trước việc nguồn nước bẩn như thế này họ có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi về sự nguy hiểm của nước tại nơi này.
Gia đình chị Lưu Thị Duyên (ngõ 280) mở nắp bể nước ngầm trong nhà và chúng tôi vô cùng bàng hoàng khi cặn bẩn đóng thành mảng quanh thành bể, riêng chiếc phao bơm cặn bẩn bám đen đến mức khó tưởng, ngay cả bề mặt nước ở bể cũng sóng sánh, bầy nhầy.
Ngay cả bình chứa nước bồn cầu dù được sử dụng liên tục nhưng cũng trở nên đen kịt đến như thế này.
Tất cả các gia đình trong thôn Lựu Liệt đều bỏ hàng chục triệu đồng để thiết kế hệ thống như bể ngầm, bể trên cao, máy lọc nước. Tuy nhiên tất cả đều "chào thua" với tình trạng nước quá bẩn. Ngay cả chiếc lõi lọc nước của gia đình chị Duyên thì chỉ mới dùng chưa đến 1 tuần nhưng đã chuyển màu đen kịt đến như thế này.
Bể nước đặt trên cao là lắng cặn lần thứ 2 được dùng để tắm giặt, nấu nướng tuy nhiên nhiều người cho biết khi sử dụng vẫn còn tanh tanh, có cặn bẩn và có hiện tượng nhơn nhớt nếu thò tay vào.
Bà Phạm Thị Thảo (74 tuổi) bức xúc: "Bao nhiêu năm nay chúng tôi khốn khổ rồi, kêu mãi, kiến nghị lên xã, chính quyền mãi rồi nhưng chỉ có mỗi việc giải quyết cho bà con dùng nước sạch mà vẫn không xong".
Theo người dân thì sở dĩ có việc nước sạch chứa cặn bẩn, giun sán, chất lạ là do sự quản lý lỏng lẻo, nguồn cung nước không được xử lý, đường ống được đặt chung với cống nước thải gây nên sự khổ cực đối với hàng trăm hộ gia đình tại đây.
Chứng kiến cảnh đường ống dẫn nước sạch nằm chung với cống nước thải chúng tôi khá bàng hoảng bởi theo quy định đường ống dẫn nước sạch phải được đi riêng.
Bởi nếu có xảy ra sự cố thì nhiều hộ dân phải gánh chịu cảnh nước rác bẩn thỉu chui vào cống rồi chảy đến các hộ gia đình.
Nhiều gia đình đã phải xây thêm bể chứa nước mưa hoặc tự khoan giếng để sử dụng. Tuy nhiên, nước giếng khoan thì không đảm bảo, nước mưa thì phập phù tháng có tháng không.