Hà Nội ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết
Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc trị và vắc xin nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi truyền bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 115 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 47,2% so với cùng kỳ năm 2013, bệnh nhân phân bố tại 76/584 xã, phường, thị trấn của 18/30 quận, huyện, thị xã. Tính đến ngày 23/7/2014, Hà Nội nghi nhận 8 ổ dịch SXH tại 8 xã, phường của 7 quận, huyện, giảm 17 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2013. Đến nay, 7 ổ dịch đã được khống chế, riêng ổ dịch tại phường Yên Hoà - Cầu Giấy có số ca mắc nhiều nhất (9 ca).
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo TTYT Dự phòng Hà Nội, TTYT quận Cầu Giấy phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phun hóa chất khử trùng, giám sát bệnh nhân để tránh dịch bệnh lây lan nên từ ngày 17/7 đến nay không có bệnh nhân SXH mới tại phường Yên Hòa.
Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc trị và vắc xin nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi truyền bệnh. Ảnh Minh Tuyết
Theo ông Hoàng Đức Hạnh Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhận định, dịch bệnh trên địa bàn vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, tháng 8, tháng 9 là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH). Do bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc trị và vắc xin nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH. Muốn vậy, người dân, các tổ chức đoàn thể cần phối hợp với ngành y tế thu gom phế thải, diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, chủ động nằm màn tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị. Cũng theo đại diện Sở Y tế, công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn hiện còn nhiều khó khăn do việc phòng bệnh hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của cả cộng đồng. Thời gian qua, khi cơ quan chức năng tiến hành phun hóa chất phòng SXH chỉ có 70% gia đình phối hợp tốt…
Về một số dịch bệnh khác hiện nay trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 21 trường hợp viêm não Nhật Bản phân bố tại 20 xã, phường của 14 quận huyện. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc giảm mạnh, chỉ còn 1 ca/tuần.
Số trường hợp mắc tay chân miệng là 623, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2013; số trường hợp bị bệnh đại là 3.
Đặc biệt, dịch sởi đã được dập tắt trên địa bàn thành phố từ tháng 6, đến nay không có bệnh nhân sởi mắc mới và chưa ghi nhận trường hợp nào mắc tả, thương hàn…