Xuất hiện chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên ở Hà Nội
Trong tuần qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng 11 ca so với tuần trước đó, đặc biệt là có xuất hiện chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên ở một địa bàn tại Hà Nội.
Từ đầu năm tới nay toàn TP Hà Nội ghi nhận 86 ca mắc sốt xuất huyết lẻ tẻ ở các địa phương (giảm hơn 50% số mắc so với cùng kì năm 2013) và tuýp virus cũng như các yếu tố dịch tễ chưa có gì đột biến. Trong tuần qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng 11 ca so với tuần trước đó, đặc biệt là có xuất hiện chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên ở một địa bàn tại Hà Nội.
Theo Ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ TT Y tế dự phòng cho biết chùm ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội gồm 8 bệnh nhân xuất hiện ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Cả 8 ca này mắc gần nhau, nằm ở 4 tổ dân phố.
“Đây là chùm ca sốt xuất huyết đầu tiên của Hà Nội trong năm 2014, đây là dấu hiệu cảnh báo nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch triệt để, kịp thời thì dịch có thể sẽ bùng phát”, ông Cảm nói.
Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuôc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Ảnh minh họa
Ngay sau khi có chùm ca bệnh, TT Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Y tế dự phòng quận Cầu Giấy và Trạm y tế phường Yên Hòa xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi ngay tại 4 tổ dân số. Dự kiến 26/7 sẽ phun toàn phường Yên Hòa.
Theo ông Cảm, TT Y tế dự phòng Hà Nội sẽ triển khai đợt 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại 30 xã phường có nguy cơ cao trong tháng 8 và tháng 9 tới, ở các quận huyện như : Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Từ Liêm. Ngoại thành là Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng…
Sốt xuất huyết là bệnh thường xuất hiện từ tháng 4-11, cao điểm 7-8-9. Biện pháp phòng chống cơ bản và hiệu quả nhất là diệt bọ gậy tại gia đình. Các hóa chất diệt muỗi được sử dụng vẫn có hiệu lực diệt muỗi tốt.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Hiện bệnh này chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuôc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mội người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau đây:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn
- Cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.