Hà Nội đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, trở thành thành phố toàn cầu.
Trong bài viết gửi tới Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, 70 năm kể từ ngày tiếp quản, giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã vững vàng vượt qua gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới.
“Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà Nội và được vinh danh Hà Nội là “thành phố vì hoà bình”, “thành phố sáng tạo”… Nhìn lại 70 năm phấn đấu hy sinh, xây dựng và phát triển, Hà Nội và nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu của chúng ta, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, bà Hoài khẳng định.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhìn nhận, với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà. Theo bà Hoài, xây dựng và phát triển Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Nhấn mạnh các định hướng quan trọng của T.Ư với Hà Nội trong thời kỳ mới, theo bà Hoài, thành phố hiện có nền tảng chính trị - xã hội ổn định, có nhiều lợi thế trong khai thác, phát huy các nguồn lực văn hoá, con người và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với những thành tựu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã mở ra cho Hà Nội cơ hội đẩy nhanh lộ trình dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Đây cũng là thời cơ để thành phố thúc đẩy mạnh mẽ các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, công nghiệp chế tạo thông minh và một số ngành công nghiệp mới. Thủ đô có nguồn nhân lực quy mô lớn, chất lượng tương đối cao; là nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu, cơ sở sáng tạo văn hóa nghệ thuật, trường đại học lớn… với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia trình độ cao của cả nước, cho phép Hà Nội tận dụng ưu thế, cơ hội để đi nhanh, đi xa hơn.
Cần vượt qua những thách thức
Trong bài viết, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành phố cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trong đó, có thể kể tới những vấn đề, như: tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh; mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, nhất là khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử. Đáng chú ý, sức ép về gia tăng dân số đã và đang tạo nhiều áp lực trong quá trình phát triển.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, thành phố phải tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế. Sự phát triển của Hà Nội phải có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm được đề cập, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, thành phố cần giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ. Thành phố quyết tâm xử lý nước thải, làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ để tạo cảnh quan môi trường đặc sắc của Thủ đô với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Thành phố sẽ tập trung phát triển các hành lang xanh, nêm xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô; chú trọng kiểm soát, thay thế để giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường…
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, thành phố đẩy nhanh phát triển giao thông công cộng, sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô. Hà Nội tiếp tục bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ; phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với phát triển du lịch bền vững. Cải tạo khu chung cư cũ, khu nhà ở không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. “Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.
Trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Sáng nay, 10/10, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với khoảng 3.000 đại biểu. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.