Hà Nội: Dũng cảm ôm bình gas sắp nổ cứu cả khu phố

Theo Nguoiduatin.vn,
Chia sẻ

Thấy bình gas phụt lửa lên trần nhà, nghĩ đến thảm cảnh nếu xảy ra vụ nổ trong khu phố, ông Thảo đã quên nguy hiểm bản thân ôm bình đến chỗ an toàn.

Bình gas mới đổi bỗng dưng phát hỏa?

Tìm đến Bệnh viện Xanh Pôn (phố Chu Văn An, Đống Đa, Hà Nội), PV gặp bệnh nhân Dương Minh Thảo (SN 1963, trú tại KTT trường cấp 1-2 Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) bị bỏng nặng 30%. Các vết bỏng của ông có thể khiến nhiều người giật mình nhưng khi biết được nguyên nhân bị bỏng của ông Thảo, ai cũng phải khâm phục sự dũng cảm của người đàn ông này.

Sau gần một tháng điều trị, hiện tại ông Thảo đã qua cơn nguy kịch, có thể nói chuyện bình thường.

Kể lại nguyên nhân sự việc, ông Thảo cho biết: Sáng 11/4, ông Thảo chở bình gas đã hết đến đổi tại Nhà máy gas G.Đ (thuộc Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp), cách nhà hơn 1km.


Người đàn ông dũng cảm ôm bình gas sắp nổ để cứu cả khu phố (Ảnh: N.Nam)

Khi về nhà lắp bình gas, ông cẩn thận dùng xà phòng thử các đầu mối, thấy an toàn vì không xuất hiện bọt, sủi. Một 1h sau, ông luộc rau muống, vừa bước ra ngoài cửa bếp ba bước định đi lấy quả sấu cho vào nồi canh thì nghe thấy tiếng xì gas.

“Gas phụt mạnh lên trần nhà từ vết hở, tôi thò tay khóa van nhưng không có tác dụng vì cổ bình bị đứt. Trong khoảnh khắc, tôi ôm bình gas lôi ra ngoài bếp, đến chỗ an toàn. Trong lúc di chuyển, lửa cháy bùng bùng, tôi nhắm mắt, mặt ngoảnh đi chỗ khác nhằm hạn chế thương tích.” – ông Thảo nói.

Ông Thảo cho biết, nhà ông là nhà cấp bốn, rộng chưa đầy 20m2. Trước hiên, bên phải là bếp gia đình, bên trái là lối đi ra ngõ chung khu tập thể. Phía gần bếp, cách chưa đầy 2 mét là hai lớp tiểu học đang trong giờ học, mỗi lớp gần 40 học sinh. Bên trái bếp, cách khoảng 6 mét là chợ Ninh Hiệp đông người.

Trong nhà, vợ ông Thảo làm giáo viên đang soạn bài. Sau khi đặt bình gas ở vị trí an toàn, ông Thảo chạy lại nhà, cùng vợ phá cửa sổ thoát ra phía sau. “Khi đó tôi bỏng nặng, không phá cửa sổ được, vợ thì yếu, may có hàng xóm phía sau giúp sức phá cửa sổ, chui ra ngoài”, ông Thảo nhớ lại.

Bị bỏng vẫn nói may

Theo ông Thảo, sau đó bình ga tiếp tục cháy trong khoảng 15 phút, đến khi hết gas trong bình thì mới thôi cháy. May mà không có vụ nổ nào xảy ra.

Ông Thảo cho biết: “Lúc ôm bình gas thì lửa chưa bén tới bình. Khi đang di chuyển bình gas tôi xác định có thể sẽ bị nổ banh xác. Nhưng nghĩ đến vợ trong nhà và những người xung quanh, nhất là đám trẻ trong lớp học, tôi liều mình đưa bình gas đi chỗ khác. May bình gas không nổ, nếu không tôi cũng đã xanh cỏ rồi", ông Thảo tâm sự.

Ông kể thêm, khi phát hiện bình gas rò rỉ, nếu gọi vợ chạy ra ngoài luôn thì hai vợ chồng sẽ an toàn. “Nhưng nghĩ đến người khác, nhất là đám trẻ trong lớp học, tôi lại không nỡ làm như vậy”. Sau sự việc, nhiều hàng xóm cũng thắc mắc sao ông Thảo không nhanh chóng chạy khỏi vùng nguy hiểm mà chọn phương án nguy hiểm hơn. Khi được ông Thảo giải thích, ai cũng ngưỡng mộ, khen ông dũng cảm, sống vì người khác.


Bình gas của Nhà máy gas G.Đ - (Ảnh: N.Nam)

Ông Thảo cho hay, từ khi ông bị tai nạn, phía Công ty Gas không đến thăm hỏi. Ông cho biết, trước đây từng làm bảo vệ cho công ty này và nhiều năm nay, cứ hết gas là ông lại ra công ty đổi.

Nguyên vọng của ông Thảo mong muốn công ty gas có trách nhiệm trong vụ xì gas trên, hỗ trợ ông kinh phí điều trị tại bệnh viện.

Trong quá trình ông Thảo điều trị tại bệnh viện, gia đình gặp thêm chuyện buồn khi người vợ ra chợ bằng xe đạp điện mua đồ cho chồng thì bị một xe máy đi cùng chiều vướng vào giỏ đựng đồ, kéo đi. Hậu quả, vợ ông Thảo bị thương ở chân, xương mặt bị vỡ.

Nhắc đến ông Thảo, hàng xóm ai cũng tự hào, khen ông trước nay sống tốt, hiền lành, nhiệt tình với hàng xóm láng giềng. “Như nhiều người thấy bình gas rò rỉ, cháy đã chạy thoát thân rồi, nhưng do anh ấy sống có tâm có đức nên mới dũng cảm như vậy”, một hàng xóm nhận xét.

Theo những người có kinh nghiệm về bình gas, nếu rò rỉ do đứt cổ bình là lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, không phải lỗi chủ quan của khách hàng. Do đó, trong vụ rò rỉ và cháy bình gas trên, nhà sản xuất nên có trách nhiệm với khách hàng, nhất là với người dũng cảm vì cộng đồng như ông Thảo.

Nạn nhân tâm sự, dù bản thân có thẻ bảo hiểm nhưng kinh phí điều trị cả tháng nay tốn gần 50 triệu đồng, trong khi hai vợ chồng gặp nạn cùng một lúc nên hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Liên quan đến vụ việc, theo các bác sĩ thông tin, ông Thảo bị bỏng độ 2-3, tỷ lệ 30%. Khắp mặt, đầu, tay, chân nạn nhân được bác sĩ băng bó bằng vải trắng.

Trong quá trình điều trị, nạn nhân ăn uống rất khó khăn, phải dùng ống hút; nhiều đêm không ngủ được do đau rát. Khoảng 28 ngày sau, nạn nhân được bác sĩ tháo khăn băng bó, các vết cháy đã mất đi, vết thương mới dần lành trở lại.

Chia sẻ