Hà Nội: "Đột nhập" ngôi nhà "xanh" làm từ 8.800 vỏ chai nhựa
Với mong muốn bảo vệ thiên nhiên, hạn chế xả rác thải ra môi trường, một ngôi nhà làm từ gần 1 vạn chai nhựa bỏ đi đã được dựng lên dùng làm thư viện đọc sách cho trẻ nhỏ.
Cách trung tâm Hà Nội chừng 10km, ngôi nhà "ve chai" được dựng lên gần 2 năm nay nằm lẩn khuất trong 1 trang trại dưới đê sông Hồng thuộc địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) khiến bất cứ ai từng đặt chân đến phải mê mẩn. Không đơn thuần là 1 ngôi nhà, nó còn là sự tâm huyết, là thông điệp mang nhiều ý nghĩa mà những người thực hiện muốn gửi gắm.
Chị Nguyễn Thanh Phương (quận Long Biên, Hà Nội) - người lên ý tưởng cho ngôi nhà cho biết: "Chúng ta chỉ mất từ 3 đến 5 phút để uống một chai nước nhưng trái đất lại mất hàng nghìn năm để phân hủy nó. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải thay đổi nhận thức rằng, mỗi chai nước thế này đều là tài nguyên mà mình có thể tận dụng".
Ngôi nhà có diện tích tổng thể khoảng 10m2, được hoàn thành vào năm 2015 dưới ý tưởng của chị Phương, kiến trúc sư Vũ Đức Duy và nhóm thiện nguyện Bút sen xanh.
Không gian của ngôi nhà đầy nắng, ánh sáng và gió. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng chai nhựa, nén cát và dùng chất kết gắn bằng xi măng, tổng số lượng chai nhựa lên đến 8.800 chai.
Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Vũ Đức Duy cho biết: "Nếu một chiếc chai nhựa để nguyên thì chúng ta chỉ cần bóp nhẹ là chai nhựa sẽ biến dạng, tuy nhiên khi được đổ đầy cát và nắp lại thì chai rất bền chịu lực tốt nên đây là vật liệu làm tường tuyệt vời".
Ngôi nhà càng ý nghĩa hơn khi nằm giữa vườn sinh thái đầy cây xanh, bóng mát, khí hậu trong lành và được sử dụng làm thư viện để thu hút trẻ nhỏ trong vùng.
Những góc trang trí xinh xắn, dễ thương có thể đốn tim bất cứ ai khi tới thăm và nghỉ ngơi tại ngôi nhà này.
Có hàng trăm cuốn sách, hàng trăm cuốn truyện hay và ý nghĩa được trưng bày tại các giá hay tủ sách có trong ngôi nhà.
Một họa tiết trang trí và sử dụng vật liệu tái chế mang đến cho bất cứ ai đến tham quan ngôi nhà cũng thấy thích thú.
Để hạn chế sử dụng điện để chiếu sáng chị Phương cùng phối hợp với kiến trúc sư, tình nguyện viên đã nghiên cứu phương án đổ nước vào những chai nhựa và nắp chặt giúp ánh sáng lọt qua.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Phương Thảo - trưởng nhóm thiện nguyện Bút sen xanh cho biết: "Chúng tôi huy động các tình nguyện viên đi đến các nhà hàng, quán ăn để xin những vỏ chai nước suối hoặc kêu gọi trên facebook một thời gian dài thì mới đủ số lượng. Sau khi ngôi nhà được hoàn thiện, tất cả nhóm tôi và mọi người đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc".
Cũng theo chị Phương Thảo, thông qua việc làm này nhóm muốn gửi đi thông điệp, vỏ chai nhựa nếu để tự nhiên phân hủy thì phải mất hàng trăm năm, nhưng mọi việc sẽ khác nếu người dân thay đổi thói quen sử dụng chai nhựa bằng cách sử dụng bình đựng nước.
Phần đáy chai nhô ra ngoài tạo nên một kiến trúc vừa lạ mắt, vừa độc đáo lại vô cùng sáng tạo.
Duy nhất quanh ngôi nhà chỉ có 4 trụ là được làm bằng gạch để giữ kiên cố ngôi nhà.
Để tạo cảnh quan đồng thời hướng ngôi nhà đến thiên nhiên, những người thực hiện đã đưa nước, cá và hoa súng cùng bèo vây quanh.
Bé Ánh Dương (11 tuổi) đang viết cảm nhận khi đến đọc sách và thăm ngôi nhà khá độc đáo này. Bé cho biết: "Cháu thấy ngôi nhà rất độc đáo. Sau khi thăm ngôi nhà làm từ vỏ chai, cháu sẽ không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi nilon cùng vỏ chai để bảo vệ môi trường".
Niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa của những vị khách khi đến thăm ngôi nhà độc đáo này. Nhiều người cho rằng, đây không chỉ là món quà vô cùng ý nghĩa mà chị Phương, anh Duy, chị Thảo cùng hàng chục tình nguyện viên dành cho người dân mà còn chất chứa đầy ý nghĩa về việc thay đổi thói quen đối với môi trường sống quanh ta.