Hà Nội đóng cửa 52 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm và 1.317 cơ sở bị nhắc nhở
Đó là thông tin được lãnh đạo Hà Nội cho biết tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 và triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm diễn ra sáng ngày 12/6.
Với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, qua kiểm tra 18.989 cơ sở, có 15.501 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 81,6%), 2.853 cơ sở vi phạm, 1.251 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 133 cơ sở với 71 loại sản phẩm bị tiêu hủy, 52 cơ sở bị đóng cửa, 1.317 cơ sở bị nhắc nhở...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Văn Chung đánh giá, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh, kiểm tra trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về bảo đảm sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã có chuyển biến nhưng chưa kiên quyết, đa số chỉ dừng ở mức nhắc nhở...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được tăng cường và phát huy hiệu quả, việc xử phạt đã nghiêm hơn. Tuy nhiên, ở tuyến xã, phường vẫn nặng tư tưởng "tình làng nghĩa xóm" nên việc xử phạt còn nghiêng về nhắc nhở, do đó, cần sớm khắc phục.
Công tác thanh, kiểm tra không chỉ được tăng cường trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà cần được thực hiện thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối năm, nhất là trong bối cảnh nắng nóng như hiện nay và tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần có những giải pháp đồng bộ và sâu hơn, trong đó, tập trung hạn chế tối đa thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các chất bảo quản, chất tạo màu độc hại… lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát bệnh Dịch tả lợn châu Phi chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ, vận chuyển lợn nhiễm bệnh trên thị trường.