Hà Nội có nguy cơ ngập lụt vì bão Kalmaegi
19h30, gió giật mạnh tại Đồ Sơn. Đường xung quanh khu du lịch nổi tiếng không một bóng người.
Ông Hoàng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay, tới thời điểm 19h ngày 16/9 tại cảng Cái Rồng mưa rất lớn, gió giật cấp 6-7 và rít theo từng đợt. Theo thông báo mới nhất từ lực lượng biên phòng, cứu hộ thì tại đảo Cô Tô (cách cảng Cái Rồng 80 km), gió giật cấp 10 kèm mưa rất lớn.
Theo như kế hoạch đối phó với cơn bão số 3, lực lượng công an, cảnh sát giao thông phối hợp với đồn biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát biển đã đưa 1650 tàu cá về bến neo đậu an toàn, trong đó có 55 tàu cá xa bờ (02 tài cá của Đông Xá, 01 tàu cá Hạ Long trú bão tại đảo Cô Tô và 01 tàu cá trú tại đảo Ba Mùn).
Nhiều nhà dân, cửa hàng ở Đồ Sơn được chằng chống rất kiên cố vài giờ trước khi bão Chim Mòng biển đổ bộ.
Nhiều nhà dân, cửa hàng ở Đồ Sơn được chằng chống rất kiên cố vài giờ trước khi bão đổ bộ. Ảnh: ZingTrước đó, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc; 109,8 độ kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8 - 9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.
Thành phố Hạ Long cũng đã di dời hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Ảnh:báo Quảng Ninh.
Tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. Đến 01 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Từ chiều tối nay ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, tiếp tục đi sâu vào đất và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Ở các tỉnh Bắc Bộ (bao gồm cả Tây Bắc) tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tàu, thuyền vào vùng trú bão an toàn tại Cô Tô.
Người dân xã Hiệp Hòa triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3.
Quảng Ninh: Tất cả tàu đánh cá xa bờ đã về nơi neo đậu an toàn
Theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến 9 giờ sáng 16/9, các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi được 249/249 tàu đánh cá xa bờ về nơi neo đậu an toàn.
Bão Kalmaegi, cơn bão thứ 3 trong năm, sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
Các tàu đã liên lạc được phần lớn đang đỗ ở bến cảng, bến cá của các địa phương. Đối với tàu đánh cá gần bờ, hiện có 8.482 chiếc, theo lệnh cấm tàu, hiện nay các tàu này đang thực hiện neo đậu.
Hiện, hơn 6.000 tàu đã neo đậu an toàn. Đến trưa 16/9, toàn bộ tàu đánh cá ven bờ phải về các nơi trú tránh an toàn.
Toàn tỉnh có khoảng 7.600 lồng bè nuôi thủy sản ở hầu hết các địa phương ven biển, tập trung nhiều nhất ở huyện Vân Đồn (4.500 lồng), hiện nay các lồng bè đang được chằng chống và di chuyển người dân lên bờ. Trong ngày 16/9, sẽ sơ tán số dân này lên bờ hoặc lên các hang động trên vịnh gần khu nuôi trồng.
Hà Nội có nguy cơ ngập úng
Trong đêm nay, từ 19h các tỉnh ven biển sẽ có mưa, càng về đêm mưa càng lớn. Mưa dồn dập từ 1-7h sáng. Vùng mưa lớn nhất là dọc theo đường đi của cơn bão, đó là khu vực Đông bắc, Việt Bắc với lượng mưa 100-300 mm, nhiều khu vực còn cao hơn.
Các tỉnh vùng núi phía bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang sẽ là nơi tập trung mưa lớn với tổng lượng mưa được dự báo từ 250-300 mm, có nơi trên 400 mm; ở các tỉnh phía tây bắc bộ lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Từ đêm về sáng, mưa chuyển sang phía tây bắc như Lai Châu, Sơn La với lượng mưa ít hơn với từ 100-150 mm. Đồng bằng Bắc Bộ sẽ mưa to vào đêm nay, đặc biệt là tại Vĩnh Yên, phía bắc Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn; Hải Dương và một phần của Hưng Yên.
Cũng theo ông Cường, Hà Nội sẽ có gió cấp 8,9. "Mưa sẽ diễn ra cấp tập trong đêm nay cho tới 7-8h sáng mới ngớt, tập trung chủ yếu từ 2h sáng trở đi với lượng từ 150 mm-200 mm. Mưa trong thời gian khá ngắn nên nguy cơ gây ngập úng cho Hà Nội là rất cao", ông Cường nói.
Cũng trong sáng 16/9, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước HN, triển khai phương án phòng chống úng, ngập cho khu vực nội thành. Theo đó, yêu cầu Công ty Thoát nước bơm tiêu nước đệm trong hồ, hạ thấp mực nước trong các hồ ở nội thành và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để bơm tiêu úng, xử lý kịp thời các sự cố và các điểm úng ngập.