Hà Nội chia 3 vùng chống dịch, người dân mua hàng hoá thế nào?

THÚY AN,
Chia sẻ

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Thành phố sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn.

Ngay sau khi Thành phố Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng từ 6 - 21/9, Sở Công Thương đã công bố kế hoạch đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hoá.

Theo Sở Công Thương, Hà Nội có mạng lưới phân phối gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị; Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm: 52 đơn vị; 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu… sẵn sàng cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân.

Cùng với đó là các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.

“Nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn gồm sản xuất trên địa bàn Thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đối với nguồn cung từ các tỉnh, thành phố gồm 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội”, Sở Công Thương cho biết.

Phương án điều phối, cung ứng hàng hóa cho các vùng:

Phân vùng 1

Theo Sở Công Thương, về nhu cầu hàng hoá, Thành phố sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ).

Lượng hàng hoá trên sẽ được phân phối thông qua 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

 - Ảnh 1.

Với người dân tại vùng 1 sẽ được phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán

"Để mua hàng, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán", Sở Công Thương cho biết.

Nếu mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Trong trường hợp người dân mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn, UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm

Phân vùng 2 và Phân vùng 3

Thành phố sẽ đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 05 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Hàng sẽ được phân phối đến người dân từ các: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng lưu động… Cụ thể:

- Phân vùng 2 gồm: 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu.

- Phân vùng 3: 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

"Thành phố Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn Thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng”, Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh trong việc cung ứng hàng hoá cho người dân tại cả 3 vùng trong thời gian từ 6 - 21/9.

 - Ảnh 3.

Sở Công Thương nhấn mạnh người dân chỉ nên mua đủ dùng không cần tích trữ nhiều hàng hoá

Tối 3/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 phân vùng.

Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

sodo01

Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 6/9 đến ngày 21/9.

Vùng 2 (phía Bắc, Đông sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính "độc lập" cao. Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt.

Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy.

Chia sẻ