GS Đặng Hùng Võ: 'Không nhất thiết phải thu hồi, hủy sổ hồng của dân chung cư ông Thản'
Theo GS Đặng Hùng Võ, với thực tế hiện nay, không nhất thiết phải thu hồi "sổ hồng" của người dân "chung cư ông Lê Thanh Thản" mà lúc này cần xử lý mọi sai phạm của chủ đầu tư.
Nhiều hộ dân tại các tòa nhà do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes (do ông Lê Thanh Thản đứng đầu) đầu tư và hợp tác đầu tư vừa bị thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Đáng nói, theo một số các hộ dân cho hay, họ chỉ được biết tầng của mình bị thu hồi qua thông tin từ những hộ dân ở các tòa nhà khác, hay khi ra ngân hàng làm các thủ tục thế chấp, vay vốn, còn bản thân không nhận được quyết định của Sở TN-MT Hà Nội.
Sáng nay, 18/7, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.
Lúc này cần xử lý mọi sai phạm của chủ đầu tư
PV: Vừa qua, Sở TN-MT Hà Nội đã có quyết định thu hồi, hủy nhiều "sổ hồng" của các hộ dân ở "chung cư ông Thản" với lý do trong quá trình thẩm định của Sở có sai sót, không đúng quy định về pháp luật đất đai. Vậy, theo ông, việc thu hồi, hủy các "sổ hồng" này có đúng quy định của pháp luật không?
GS Đặng Hùng Võ: Pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định khi cơ quan cấp "sổ hồng" phát hiện thấy mình cấp sai, có quyền thu hồi lại.
Căn cứ vào lý do Sở TN-MT Hà Nội đưa ra về việc thu hồi "sổ hồng" là trong quá trình thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo tôi, đây là quy định rất lạc hậu của pháp luật đất đai Việt Nam hiện nay. Các nước khác không có chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân rồi lại thu hồi lại.
Do đó, đây cũng là điểm được đặt ra để sửa đổi trong quy định của Luật Đất đai.
Khu chung cư CT6 ở Kiến Hưng (Hà Đông).
Việc thu hồi, hủy "sổ hồng" theo ông nói là đúng với quy định của pháp luật, nhưng với thực tế các "chung cư ông Thản", không ít ý kiến cho rằng đây là việc làm "bất nhất", gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Giáo sư thấy sao về điều này?
GS Đặng Hùng Võ: Thực tế, tại các chung cư này người dân đều đã đến ở và giao dịch chính là việc mua căn hộ của người dân với chủ đầu tư.
Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì giao dịch mua căn hộ của người dân được coi là giao dịch ngay tình, tức là người dân không biết, đây là các căn hộ có vi phạm pháp luật.
Do đó, các giao dịch đều được pháp luật thừa nhận và người gây ra các sai phạm phải là người giải quyết vấn đề này.
Vì vậy, theo tôi không nhất thiết phải thu hồi, hủy "sổ hồng" mà lúc này cần xử lý mọi sai phạm của chủ đầu tư, tức là dù sai phạm nghiêm trọng đến đâu thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm.
Khi xử lý được sai phạm của chủ đầu tư sẽ giải quyết được vấn đề ổn thỏa từ nhiều phía. Còn không lẽ bây giờ thu hồi sổ rồi đuổi người dân đi? Đó là cách xử lý không thỏa đáng.
Trong việc cấp "sổ hồng" cho người dân rồi lại thu hồi lại như vậy, theo ông có cần xử lý trách nhiệm những người tham mưu cũng như ký quyết định cấp không?
GS Đặng Hùng Võ: Nếu lý do đưa ra của việc thu hồi sổ đỏ là bởi trước đây cấp sai thì theo quy định của pháp luật phải xử lý trách nhiệm của những người cấp sai.
Vậy ở đây, Sở TN-MT Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính trong việc này hay cơ quan nào khác, thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Theo quy định, việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân là do UBND cấp quận, huyện ra quyết định.
Còn Sở TN-MT theo hệ thống văn phòng đăng ký đất đai là người trợ giúp về tư liệu. Do đó, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, người ký quyết định cấp giấy chứng nhận cho người dân phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Từ đó, truy ra trách nhiệm của những người chuẩn bị dữ liệu, điều kiện cấp sổ có gì sai không và ở đây, đó là Văn phòng đăng ký đất đai của Hà Nội.
Người dân có khả năng được cấp lại "sổ hồng" nhưng cần thêm thời gian
Theo phản ánh người dân, họ không hề nhận được thông báo chính thức từ Sở TN-MT về việc thu hồi "sổ hồng" mà chỉ biết sau khi ra Ngân hàng làm thủ tục thế chấp, vay vốn. Vậy việc không thông báo quyết định thu hồi có đúng quy định không?
GS Đặng Hùng Võ: Theo quy định của pháp luật, khi thu hồi, hủy "sổ hồng" phải thông báo cho người dân là chủ hộ biết và yêu cầu người dân còn cầm sổ, trong thời gian nhất định phải mang sổ đến nộp.
Nếu người dân không nộp lại sổ sau số ngày theo quy định thì phải công bố công khai danh sách các sổ đã bị thu hồi mà người dân còn đang giữ.
Việc chỉ tuyên bố thu hồi mà không có quyết định chính thức gửi đến người dân là sai về trình tự, thủ tục theo quy định.
Tôi cũng muốn nói thêm, trong trường hợp, người dân đang dùng "sổ hồng" gửi trong Ngân hàng để vay tiền thì cơ quan chức năng còn phải chịu trách nhiệm nếu người dân không trả được khoản tiền vay này.
Có rất nhiều vấn đề kéo theo chứ không phải chỉ ra tuyên bố thu hồi "sổ hồng" là xong.
Từ thực tế, trước việc thu hồi "sổ hồng" đang xảy ra ở "chung cư của ông Thản", ông có lời khuyên như thế nào đối với người dân ở những căn hộ đó trong lúc này?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, sẽ không thể đuổi người dân ra khỏi chỗ ở mà người ta đã bỏ tiền ra mua.
Còn như tôi đã nói, pháp luật dân sự đã quy định đây là những giao dịch ngay tình và pháp luật sẽ phải đảm bảo lợi ích của người dân.
Do đó, người dân hãy bình tĩnh, chờ xem các cơ quan có thẩm quyền xử lý thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành. Tôi cũng muốn nói thêm, chắc chắn người dân sẽ không bị thiệt hại gì cả.
Nhưng trong trường hợp này, liệu người dân có khả năng được cấp lại "sổ hồng" sau khi bị thu hồi và hủy không?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, về nguyên tắc sau khi thu hồi, hủy, phải cấp lại "sổ hồng" cho người dân.
Bây giờ, cách xử lý cũng sẽ không đập bỏ căn hộ, chung cư được, bởi vì, chúng ta đã chấp nhận hàng nghìn trường hợp đã giao dịch ngay tình rồi.
Như vậy, trong tương lai người dân sẽ được cấp lại "sổ hồng", tuy nhiên, phải cần một khoảng thời gian để các cơ quan chức năng xử lý chủ đầu tư như thế nào.