Giữa ồn ào vụ "cô giáo gọi học viên là lợn”, nhìn lại những vụ việc ầm ĩ của các trung tâm tiếng Anh
Vụ việc cô giáo tranh cãi gay gắt với học viên tại trung tâm tiếng Anh vừa qua không phải là vụ việc gây xôn xao đầu tiên, trước đó đã có những lần cư dân mạng “dậy sóng” về cách thức và hoạt động của các trung tâm tiếng Anh.
Khi mà nhu cầu về ngoại ngữ tăng lên, việc các trung tâm được mở ra rộng rãi, khiến cho việc chọn lựa của học viên càng trở nên khó khăn. Nhưng không phải học viên nào cũng may mắn lựa chọn được nơi trau dồi kiến thức phù hợp với khả năng cũng như định hướng của mình.
Những ngày gần đây, cư dân mạng đang bàn tán xôn xao về vụ việc cô giáo trung tâm tiếng Anh tranh cãi gay gắt với học viên và mắng học viên này là "con lợn" khi không thực hiện việc đóng phạt 100 nghìn đồng.
Cô giáo T. - người đang gây xôn xao với clip chửi mắng học viên.
Clip đăng tải chỉ kéo dài hơn 2 phút, nhưng có vô số từ ngữ tục tĩu phát ra từ cả hai phía nữ giáo viên và học viên. Theo chia sẻ của người đăng tải clip này, sự mâu thuẫn giữa hai bên xuất phát từ việc nữ giáo viên yêu cầu học viên nam phải nộp phạt 100 nghìn đồng vì không làm bài tập về nhà, vi phạm nhiều lần trong cam kết đã ký giữa hai bên trước khi nhập học. Nam học viên lên tiếng xin bỏ qua nhưng không nhận được sự đồng ý.
Sau một lúc cãi vã, giáo viên thay đổi cách xưng hô mày-tao và hai bên liên tục chửi mắng nhau. Càng về cuối, những mâu thuẫn vẫn không được giải quyết, cô giáo nhất quyết yêu cầu học viên đi ra khỏi lớp, nam học viên phản ứng lại bằng cách đứng dậy đáp trả nhiều câu sỗ sàng, ném sách vở lên phía bục giảng và dọa kiện trung tâm.
Dù mới được đăng tải, nhưng đoạn clip đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Hiện tại, nữ giáo viên đã khóa tài khoản facebook cá nhân, nhưng các clip đăng tải trên mạng, fanpage của trung tâm tiếp nhận rất nhiều phản hồi tiêu cực.
Đáng buồn hơn, đây không phải là ồn ào đầu tiên liên quan đến các trung tâm ngoại ngữ, mà trước đây đã có những vụ việc bất bình khiến cho cư dân mạng bao phen xôn xao.
Từ vụ việc "cô giáo cung bọ cạp"
Năm 2015, đoạn clip dài 7 phút có sự xuất hiện của cô giáo Lê Na (sinh năm 1984, từng là giảng viên của ĐH Ngoại ngữ) được đăng tải lên mạng. Theo clip, hai học viên theo học tại trung tâm cô Lê Na giảng dạy đến giải quyết việc đăng ký học lại nhưng cô giáo Lê Na thông báo đã hết hạn đăng ký và yêu cầu hai học viên muốn gia hạn phải đóng một nửa tiền học phí. Dù trung tâm đã thông báo ngày học nhưng vì nhiều lí do, học viên này không sắp xếp được thời gian. Học viên đã trực tiếp làm việc với trung tâm nhiều lần nhưng không được.
Trước đó, các tư vấn viên của trung tâm cho biết có thể học lại thoải mái không bị giới hạn nên nữ học viên này không đồng ý với cách giải quyết của cô giáo. Sau một hồi cự cãi và tranh giành giấy tờ, cô Lê Na không giữ được bình tĩnh, chuyển sang xưng hô "mày, tao" với học viên và khẳng định sẽ có những biện pháp trừng phạt như gặp hiệu trưởng, "Không bao giờ quên những gì mày đã làm với tao" hay "Mày đã xúc phạm đến danh dự của tao ngay trước mặt tất cả mọi người".
Hình ảnh trong clip tranh cãi giữa cô giáo Lê Na và học viên.
Sau khi đoạn clip được đăng tải, có hai luồng ý kiến được nêu ra. Bên cạnh những bình luận chỉ trích lời nói và hành động của cô giáo, các học viên cũ của trung tâm lại bênh vực cô giáo Lê Na và cho rằng đó là những lời nói bộc phát khi cô tức giận. Điều đáng nói ở vụ việc này, trung tâm tiếng Anh cô Lê Na đang giảng dạy không tiến hành đính chính hay xin lỗi mà coi sự việc này như bàn đạp của việc marketing cho trung tâm.
Ngay giữa tâm điểm vụ việc, fanpage của trung tâm đăng tải khá nhiều các bài viết đề cập đến vụ việc trên. Tuy nhiên sau đó những bài viết này được gỡ bỏ, chỉ còn dòng status: "Mình cảm ơn các bạn chửi chỉ trong 1 ngày mà lượng tiếp cận Facebook tăng đột biến và hàng nghìn người biết đến LeNa. Marketing cách này hiệu quả thật".
Nhìn lại vụ việc, cô Lê Na cho rằng mình nhận được nhiều bài học. "Qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ đến học sinh trong clip: Tôi và em nên bình tĩnh lại và nếu em thực sự thương yêu gia đình và hiểu giá trị của lao động, hãy tiếp tục học tập", cô Lê Na chia sẻ.
Vụ việc cô giáo "cung bọ cạp" có thể nói là "sóng gió" đầu tiên và có ảnh hưởng lớn đến cư dân mạng liên quan đến trung tâm ngoại ngữ. Thậm chí, có rất nhiều ảnh chế, clip chế xuất hiện liên tục và lâu dài để đả kích, phê phán cô giáo.
Đến giáo viên trung tâm ngoại ngữ khóc lóc khi "livestream"
Năm 2017, số lượng trung tâm ngoại ngữ mở ra ngày càng nhiều, các trung tâm này đều lựa chọn hình thức marketing thông qua các clip đăng tải trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra khi trên mạng xuất hiện một clip được chia sẻ rộng rãi với nội dung xoay quanh việc phát âm tiếng Anh sai của người Việt. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong phần lớn thời lượng của clip trên, những đoạn trích hầu như bắt nguồn từ các clip giảng dạy của trung tâm ngoại ngữ E.
Ngay khi đoạn clip đăng tải, làn sóng phản đối diễn ra mạnh mẽ khi họ cho rằng những người thực hiện việc giảng dạy tiếng Anh lại có những lỗi sai cơ bản trong việc phát âm. Trước những phản ứng tiêu cực đó, đội ngũ giáo viên của trung tâm E. đã gửi lời xin lỗi tới các học viên thông qua một đoạn clip. Trong đoạn clip, cô giáo trần tình về hoàn cảnh sống, cuộc đời tự thân phấn đấu và xin lỗi học viên vì mình không phải là người hoàn hảo như mong muốn của các học viên.
Giáo viên trung tâm ngoại ngữ E. khóc khi trần tình về vụ việc.
Dù nhanh chóng thực hiện việc xin lỗi kể trên, nhưng hành động của trung tâm E. lại không nhận được nhiều ủng hộ của cư dân mạng mà lại làm nổ ra một cuộc tranh cãi khác. Rất nhiều người cho rằng trong khi họ cần một lời xin lỗi chân thành và lời hứa sẽ cải thiện, tiếp thu các ý kiến góp ý ngắn gọn thì các giáo viên lại sa đà vào việc kể khổ và bao biện. Chưa kể nhìn phần trình bày của hai nữ giáo viên, nhiều người đánh giá là không thuyết phục và hơi "diễn".
Sau này khi những ồn ào qua đi, trung tâm tiếng Anh E. không còn chịu nhiều chỉ trích, nhưng ấn tượng của học viên khi nghe tới trung tâm vẫn có ít nhiều sự thiếu tinh tế trong cách giải quyết sự cố truyền thông.
Thiết nghĩ, khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển và có ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của các trung tâm ngoại ngữ, các học viên cũng có sự tìm hiểu kĩ càng trước khi tiến hành việc tìm địa chỉ theo học; thì các trung tâm ngoại ngữ càng phải có ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh của mình hơn nữa để tránh ra những sự việc ồn ào không mong muốn.