Giới trẻ Trung Quốc đua nhau tập bài khí công 800 tuổi của người già
Bài khí công 800 tuổi có tên "bát đoạn cẩm" mà người già hay tập luyện bỗng trở thành xu hướng của giới trẻ Trung Quốc, khi tình trạng mệt mỏi vì công việc gia tăng.
Lo ngại về tình hình sức khỏe giảm sút, gần đây, nhiều người lao động trẻ luôn phải vật lộn với khối lượng công việc lớn ở Trung Quốc đua nhau áp dụng các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống. Trong đó, bài tập khí công "baduanjin" (bát đoạn cẩm) mà người già thường tập luyện đang đặc biệt thu hút giới trẻ khi nhu cầu sống chậm tăng cao.
Các video về bài tập này thu hút tới 182 triệu lượt xem, có những thời điểm hàng nghìn người xem cùng lúc trên Bilibili.com - một nền tảng giống YouTube được giới trẻ ưa chuộng.
Hồi tháng 8/2023, Pamela Reif (người Đức), một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực thể hình, đăng video cô đang tập baduanjin và nhận được hơn 1,2 triệu lượt xem. Hashtag “Pamela tập baduanjin" lọt top chủ đề thịnh hành trên các nền tảng mạng xã hội như X, Weibo, thu hút hơn 160 triệu lượt xem.
Kể từ đó, ngày càng nhiều người trẻ tập theo và baduanjin được đánh giá là rất phù hợp thói quen của người Trung Quốc.
Baduanjin có lịch sử hơn 800 năm, xuất hiện từ triều đại nhà Tống của Trung Quốc (960-1279) và là một trong những bài tập rèn luyện sức khỏe lâu đời nhất của nước này.
Baduanjin - bát đoạn cẩm - được ví như 8 đoạn vải gấm, là sự kết hợp của tám thế tập luyện cách điệu bao gồm các chuyển động chậm rãi, trôi chảy. Đây là một hình thức khí công cổ xưa, kết hợp các bài tập thở, thiền, giãn cơ nhẹ nhàng, tập trung vào việc điều chỉnh năng lượng, khí và lưu lượng máu.
Bài tập này sử dụng cột sống làm trục, kết hợp các chuyển động đối xứng trái, phải và sự phối hợp trước, sau. Theo quan điểm khí công, bệnh tật phát sinh do tắc nghẽn dòng khí; việc tập luyện sẽ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và khí.
So với các hoạt động đòi hỏi thể chất như tập gym, baduanjin có nhịp độ chậm, đi kèm với âm nhạc êm dịu, không cần thiết bị và có thể tập trong cả không gian chật.
“Ở trong nhà kéo dài sẽ làm tinh thần suy kiệt”, kinh nghiệm cổ xưa này của người Trung Quốc đang được chia sẻ rộng rãi như một lời cảnh báo cho những người lao động ngồi một chỗ trong thời gian dài. Các nghiên cứu cho thấy việc luyện tập baduanjin có thể làm giảm các triệu chứng như lo lắng, đau cơ, mệt mỏi, đặc biệt phù hợp với nhân viên văn phòng.
"Đối với những người bị đau cổ, hiệu quả thực sự đáng chú ý. Thêm vào đó, chất lượng giấc ngủ của tôi đã được cải thiện đáng kể và mỗi sáng tôi thức dậy rất sảng khoái", một người đã tập baduanjin 6 tháng cho biết.
Theo Hiệp hội Giáo dục và Xúc tiến Y tế Trung Quốc, với thời gian làm việc trung bình một tuần vượt quá 48,9 giờ, tỷ lệ mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính ở các thành phố hạng nhất như Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu là từ 10 đến 25%.
Không chỉ tập baduanjin, giới trẻ Trung Quốc còn kết hợp dùng trà sữa thảo dược, loại đồ uống đang phổ biến trên nền tảng Xiaohongshu. Ngoài sữa, trà và đường, thức uống này còn có vỏ quýt, quế, rễ xương cựa và cao da lừa, những thành phần được cho là có thể giải quyết vấn đề về tiêu hóa, bổ sung khí huyết và lưu thông máu.