Giới siêu giàu bóp nghẹt sự sống Trái đất khi ăn nhiều thịt và đi xe sang: Có quá nhiều tiền cũng là cái tội?
Có một sự thật nghiệt ngã là những người giàu nhất thế giới đang góp phần thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu thông qua lối sống phát thải nhiều ô nhiễm của họ.
Đây là ý tưởng nền tảng cho chính trị khí hậu toàn cầu. Các quốc gia giàu lên qua việc thải khí nhà kính sẽ có trách nhiệm cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn và bỏ tiền để giúp các quốc gia nghèo hơn thích nghi.
Điều này có ý nghĩa trong thời kỳ đầu của ngoại giao khí hậu. Trở lại thập niên 1990, gần 2/3 sự chênh lệch khí thải có thể được lý giải bằng cách xếp hạng ô nhiễm quốc gia. Nhưng sau 3 thập kỷ gia tăng bất bình đẳng thu nhập trên thế giới, điều gì sẽ xảy ra nếu khoảng cách giữa các quốc gia không còn là cách tốt nhất để giải thích vấn đề?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự chênh lệch phát thải giữa người giàu và người nghèo trong các nước lấn át cả sự chênh lệch giữa các quốc gia. Nói cách khác, những người phát thải nhiều có thể ở bất cứ đâu, không nhất thiết là quốc gia giàu hay nghèo.
Các nhà phân tích từ phòng nghiên cứu bất bình đẳng thế giới (WIL) dẫn đầu bởi Trường Kinh tế Paris và Đại học California tại Berkeley gần đây đưa ra cách đánh giá thay thế. Phương pháp thay thế này tập trung hơn vào các thước đo khác nhau về thu nhập của người tiêu dùng thay vì GDP.
Hoá ra, sự giàu có của cá nhân có thể lý giải cho nguồn phát thải nhiều hơn là sự giàu có của cả một quốc gia. Do đó, tiến bộ khí hậu có nghĩa là hạn chế lượng phát thải carbon của những người giàu trước tiên.
Sự chênh lệch ở các quốc gia tiếp tục gia tăng.
Các nhà nghiên cứu tại WIL đã thu thập một loạt dữ liệu, từ chế độ ăn uống đến sở hữu ô tô, đầu tư vào thị trường chứng khoán và thương mại toàn cầu để ước tính lượng carbon thải ra của từng cá nhân.
Theo Oxfam, 10% những người gây ô nhiễm hàng đầu, tương đương khoảng 770 triệu người, gần bằng dân số châu Âu, là những người giàu có nhất thế giới. Họ là những người kiếm được hơn 38.000 USD mỗi năm.
Xu hướng này rất rõ ràng. Sự phát thải thường tăng cùng với sự giàu có. 1% người giàu nhất thế giới, tương đương 60 triệu người trên thế giới, kiếm được 109.000 USD mỗi năm. Cho đến nay, họ cũng chính là nguồn phát thải nhanh nhất. Những người này sống ở khắp nơi trên thế giới, với khoảng 37% ở Mỹ và hơn 4,5% ở Brazil và Trung Quốc.
Người giàu với người nghèo gây ô nhiễm khác nhau
Khi con người giàu có hơn, chế độ ăn của họ có xu hướng đa dạng hoá và tăng tiêu thụ thịt. Thế giới sẽ cần đến một Trái đất thứ hai nếu tất cả mọi người có chế độ ăn giống người Australia và người Anh.
Theo USDA năm 2019, một người Mỹ trung bình ăn khoảng 24kg thịt bò, loại thịt phát thải nhiều carbon nhất. Theo một trang web trong ngành, các gia đình ở Argentina và Uruguay còn tiêu thụ nhiều hơn thế và đây là nơi có nhiều gia súc được nuôi. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu gia tăng ở các nước như Trung Quốc hay Nam Phi cũng đang ăn nhiều thịt hơn bao giờ hết.
Phân phối thu nhập càng cao, lượng khí thải sẽ tăng theo cấp số nhân. Tài sản gây ô nhiễm nhiều nhất là du thuyền đã có doanh số bán hàng tăng vọt 77% trong năm 2021.
Theo WIL, một chuyến bay dài 11 phút lên vũ trụ giống như chuyến bay của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos thải ra nhiều carbon hơn so với lượng khí thải mà một người nghèo nhất thế giới thải ra cả đời.
1/10 tổng số chuyến bay khởi hành từ Pháp năm 2019 là những chiếc máy bay tư nhân. Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, những chiếc máy bay tư nhân này tạo ra lượng carbon dioxide tương đương với một người bình thường ở châu Âu thải ra cả năm. Theo phân tích thị trường của Boeing, 4/5 số người trên thế giới cả đời chưa bao giờ đặt chân lên máy bay.
Trong khi đó, việc sở hữu một chiếc ô tô là một trong những cách nhanh nhất làm tăng lượng khí thải carbon của một cá nhân. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), những chiếc SUV là nhân tố góp phần lớn nhất vào sự gia tăng khí thải carbon toàn cầu từ năm 2010-2018.
Ở Mỹ, cứ 100 người thì có khoảng 84 xe ô tô lưu thông trên đường. Trong khi đó ở Ấn Độ, con số đó là 24 xe. Song ở trong một quốc gia cũng có những chia rẽ sâu sắc. Ở São Paulo, hơn 2/3 nam giới trong nhóm 10% nghèo nhất sẽ đi bộ hoặc đạp xe để đi làm và họ không thải ra carbon. Theo một nghiên cứu năm 2016, lối sống không xe hơi đó chỉ đúng với khoảng 10% trong số 10% người giàu nhất ở thành phố Brazil.
Khi nhắc đến tiêu thụ năng lượng, sự khác biệt có thể còn rõ nét hơn. Trung bình một người ở Nigeria sử dụng khoảng một nửa lượng điện trong một năm so với một chiếc tivi độ phân giải cao ở Mỹ.
Các chuyến bay tư nhân thải ra lượng carbon dioxide khổng lồ.
Người giàu nắm giữ vai trò quan trọng tác động đến khí hậu
Khoảng cách lớn giữa các nguồn phát thải cao và thấp cho thấy các cách tiếp cận lấy quốc gia làm trọng tâm để cắt giảm carbon hiện nay cần phải xem xét lại.
Lucas Chancel, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Paris, chỉ ra thuế carbon là một ví dụ. Chính sách đó được triển khai ở nhiều nơi như một biện pháp thoái thác. Nghĩa là người nghèo phải trả nhiều hơn theo tỷ lệ thu nhập của họ.
Khi ngày càng có nhiều người nghèo có đủ khả năng mua ô tô, đi máy bay, ăn nhiều thịt hơn và trải nghiệm lối sống phát thải carbon cao, những trở ngại chính đối với việc cắt giảm khí thải sẽ tăng lên.
Chancel nói: "Có một cánh cửa cơ hội trong vài năm trước khi mọi thứ trở nên mất kiểm soát. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này, mọi thứ về mặt xã hội sẽ phức tạp hơn. Chính sách carbon sẽ không còn tập trung vào nhóm tinh hoa nữa. Nó sẽ phổ biến và tác động đến toàn bộ người dân".
Với tư cách là người tiêu dùng và nhà đầu tư, lựa chọn của những người giàu có thể tạo ra tác động lớn, đặc biệt là đối với giao thông và nhà ở. Chỉ 1% dân số thế giới chịu trách nhiệm cho một nửa lượng khí thải hàng không. Ô tô là nguồn phát thải bình quân đầu người lớn nhất ở Mỹ và lớn thứ hai ở châu Âu.
Để thay đổi điều đó và nhiều điều khác đòi hỏi các chuẩn mực xã hội phải thay đổi. Nhưng việc tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm phát thải thấp như xe điện và máy bơm nhiệt có thể giúp tạo ra một con đường không carbon cho những người khác trên thế giới khi bước vào tầng lớp trung lưu.
Cũng giống như những công ty từ chối hành động để thúc đẩy các chính phủ thực hiện mạnh mẽ hơn về khí hậu, người giàu cũng không sử dụng toàn bộ sức ảnh hưởng của họ, với tư cách là những giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị.
Kimberly Nicholas, giáo sư khoa học bền vững tại Đại học Lund và là tác giả của tờ Nature Energy cho biết: "Nếu bạn nằm trong nhóm 10% người giàu có nhất thì bạn có nhiều quyền lực và khả năng nhất để giúp thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống đó".
Dữ liệu của WIL cho thấy nhóm 0,001% giàu nhất thế giới có trách nhiệm lớn đến mức các quyết định của họ có thể tác động đến khí hậu tương tự như các chính sách can thiệp trên toàn quốc.
Cùng với nhau, nhóm 10% những người phát thải nhiều nhất thế giới tạo ra lượng carbon nhiều hơn gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu. Họ vẫn là nguồn phát thải đáng kể cho sự ấm lên toàn cầu, mặc dù nhiều người trong số họ đã có sự giảm thải đáng kể từ năm 1990-2019.
Trong khi đó, 65% những người ít gây ô nhiễm nhất đã có thu nhập ổn định, do đó lượng khí thải tăng lên. Nhưng họ vẫn chỉ đóng một phần tương đối nhỏ vào sự nóng lên toàn cầu. Một nghiên cứu hồi tháng 2 cho thấy việc đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo cùng cực sẽ chỉ khiến lượng khí thải toàn cầu tăng chưa đến 1%.
Các tác giả của một bài báo trên tạp chí Nature Communications năm 2020 đã viết rằng nhiều người không coi bản thân là một phần vấn đề mà dựa vào chính phủ, công nghệ hoặc các doanh nghiệp. Song các tác giả kết luận rằng chính mỗi người là yếu tố then chốt giải quyết vấn đề, vì chính phủ hay công ty cũng do con người lập nên. Nếu mọi người không thay đổi, tổ chức cũng sẽ không thay đổi.
Nguồn Bloomberg