Gió mùa về, ra hàng "bánh đúc mai mối" 30 năm tuổi nghe chuyện se duyên cho hàng trăm cặp đôi
Sự tồn tại của quán bánh đúc suốt 3 thập kỷ đã mang niềm vui, hạnh phúc đến cho rất nhiều cặp đôi. Họ tới ăn ở quán từ hồi học sinh, vài chục năm sau cưới vợ lấy chồng, sinh con xong vẫn dắt tay nhau quay lại quán tuần dăm ba bữa, trêu bác chủ rằng nhờ bác mới ra được "sản phẩm" chũn chĩn đáng yêu thế kia.
Gió mùa đã về thật rồi. Khắp các hàng hiên mái phố, những cơn gió se sắt luồn qua tán cây, thỉnh thoảng vặn mình xào xạc, thành cơn mưa lá rụng vàng ươm. Đêm lành lạnh, trùm chăn nghe tiếng rao đêm cô đơn trong ngõ vắng, chợt nhớ gánh bánh đúc lạc ấm nóng bán rong cách đây hơn chục năm trời. Ôi những lát bánh đúc trắng tinh mềm mại đã theo dài cả tuổi thơ tôi…
Chắc hẳn nhiều người cũng giống tôi, nhớ nôn nao hương vị bát bánh đúc truyền thống Hà Nội. Ngày nhỏ, bà ngoại tôi vẫn thường xay bột gạo để sẵn, khi nào lũ cháu mè nheo bà lại lui cui mang ra nấu. Mấy anh chị em tôi thích nhất là chạy lăng xăng quanh bếp, nhìn bà khuấy khuấy cả chiếc nồi to đùng, đến khi bột sệt lại, mùi gạo thơm bay lơ lửng trộn với mùi củi gỗ tạo thành thứ hương vị tuổi thơ khó quên. Bột còn nóng, bà đổ ra mâm, trộn sẵn với lạc luộc lốm đốm tím. Đứa nào đứa nấy thấp tha thấp thỏm, chờ bột nguội, bà sẽ xắt thành từng khúc dài thật dài, chia mỗi đứa một miếng, nhai ngấu nghiến. Vị ngọt của gạo, vị bùi của lạc, hòa trộn với nhau thật ngon lành làm sao. Thức quà giản dị gắn với ký ức ấu thơ của bao thế hệ người Hà Nội…
Bánh đúc gạo - thức quà dân dã truyền thống từ bao đời nay, được hàng triệu người Việt Nam yêu thích.
Lớn lên một chút, tôi
hay lang thang khắp phố phường để tìm và thưởng thức những món ăn đường phố,
ngõ ngách có lịch sử lâu đời. Và rồi, tôi vô tình phát hiện ra, ngoài bánh đúc
nguội quen thuộc, Hà Nội còn có bánh đúc thịt nóng hổi, cực ngon lành. Nếu hỏi
địa chỉ bánh đúc nóng nào ngon nhất, nổi tiếng nhất, chắc chắn phải kể đến hàng
bánh đúc 8B Lê Ngọc Hân.
Nằm sâu trong con ngõ
nhỏ đoạn gần đầu phố Lê Ngọc Hân giao với Trần Xuân Soạn, quán bánh đúc có tuổi
đời 30 năm ấy lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào từ 8h sáng đến 9h tối. Ai đến
lần đầu tiên thì nhớ đầu ngõ có bác trai tóc bạc ngồi trông xe, kẻo nhầm với
một hàng khác ngay đầu ngõ. Lối vào bé xíu xiu, chỉ 2 người đi lọt, nhưng rất
thoáng mát.
Nằm sâu trong ngõ nhỏ, quán bánh đúc tồn tại 3 thập kỷ của bác Phạm Thị Nội được thực khách Hà Nội lẫn nước ngoài biết tiếng từ khá lâu.
Quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông người tới ăn.
Quán hơi nhỏ và cũ kỹ,
nhưng ấm cúng và hợp để ngồi thưởng thức lâu lâu. Những ngày đầu mới bán, ở đây
chỉ có mỗi món bánh đúc nóng chan thịt, về sau mới có thêm bún ốc, miến trộn,
bánh đa… cho hợp với thị hiếu khách hàng. Ngay ngoài cửa là chiếc tủ kính đựng
đủ thứ nguyên liệu ngon lành hấp dẫn được chuẩn bị sẵn từ sáng sớm, phía dưới
là ba bốn cái bếp lò đỏ lửa quanh năm, đặt mấy nồi bánh đúc, nước dùng đầy ắp,
lúc nào cũng nóng hổi chờ phục vụ các “thượng đế”.
Bác Phạm Thị Nội (59
tuổi) vừa làm đồ ăn vừa hồn hậu kể, quán này bác đứng ra mở từ cách đây hơn 30
năm. Hồi xưa nhà bác nghèo lắm, chồng thì thương binh về hưu, bác lấy nghề làm
bánh đúc được mẹ ruột truyền cho để kiếm kế sinh nhai. Cách đây nửa thế kỷ, cụ
thân sinh ra bác thường quẩy gánh bánh đúc rong đi từ mạn Ba Đình lên tận khu
Bờ Hồ, cũng có tiếng tăm, đến lúc già yếu phải nghỉ, bao nhiêu bí kíp đều
truyền hết cho con gái.
Món ăn chính làm nên tên tuổi của quán là bánh đúc nóng, thành phần quan trọng là thịt băm xào mộc nhĩ được làm sẵn vô cùng ngon lành sạch sẽ.
Khi có khách gọi món, bác gái mới bắt đầu múc từng thứ nguyên liệu ra, nóng hôi hổi.
Theo thứ tự sẽ là bánh đúc trước, đến nước chan đậm đà mặn ngọt, rồi tới lớp thịt xào.
Sau cùng là rắc thêm rau thơm, hành phi, kèm mấy miếng đậu phụ rán.
Thế là có bát bánh đúc nóng hấp dẫn thèm rớt nước miếng thế này đây!
Một bát bánh đúc ở đây
bao gồm bột gạo, với lớp nhân thịt lợn xào, mỡ hành rải đều ở trên, rắc thêm
mấy cọng rau mùi, chan thêm nước canh mặn ngọt. Đặc biệt nhất là trong bát còn
cho thêm dăm ba miếng đậu phụ rán, chẳng ở đâu giống. Bác gái cười bảo: “Bánh
đúc nóng là món ăn đặc trưng Bắc Bộ, phổ biến nhất là ở Hà Nội. Đúng điệu là
bột quấy phải thật dẻo, thơm, ăn vào thấy ngọt lưỡi, nước chan đậm đà, thịt xào
mộc nhĩ giòn dai, đượm vị. Ăn trời lạnh là ấm bụng, hợp nhất, bánh hãy còn sôi
nguyên trong nồi mà”.
Bảng giá quán bao nhiêu năm nay vẫn thế, chẳng thay đổi, món đắt nhất mới thêm vào là bún ốc cũng chỉ 30 ngàn.
Ngoài bánh đúc nóng trứ danh, còn có miến, bánh đa trộn, với đủ loại nhân được mọi người yêu thích như cá, mọc, giò, trứng cút...
Đầy đặn ngon lành như
thế, mà giá chỉ có 15 ngàn, bấy nhiêu năm không thay đổi. Những món khác trong
thực đơn như bún ốc, miến trộn… cũng rất rẻ, chỉ 25 ngàn/ bát, vừa sạch vừa
ngon, mỗi thứ lại được biến tấu một chút trong phần nguyên liệu, pha chế gia
vị, cộp mác made by “bác Nội” rất đặc trưng. Đem thắc mắc này hỏi bác chủ quán
tốt bụng, bác nháy mắt nói nhỏ: “Bác làm vì sở thích, và để phục vụ mọi
người tới đây ăn thường xuyên thôi, không phải vì lợi nhuận, nên mới không tăng
giá. Chuyện lên giá thì đơn giản lắm, khách còn bảo thêm 5 – 10 nghìn cũng chả
vấn đề gì, nhưng bác quan trọng là cái tâm của người bán hàng. Khách tới đây ăn
khen ngon, có người tuần nào cũng tới ăn hàng mấy bữa, không chỉ có người lớn
mà còn có cả các cháu học sinh, để giá bình dân thôi cho mọi người thoải mái
tới quán, không phải nghĩ ngợi tiền nong”.
Có lẽ nhờ tấm lòng thảo thơm của bác Nội dồn cả vào nồi bánh đúc, nên khách tới quán ủng hộ ngày càng nhộn nhịp, đông cũng như hè chẳng khi nào vắng người ăn. Bác gái vừa dễ tính vừa nấu đồ ăn ngon, ai tới đây một lần cũng mê tít.
Vài năm trước, hàng bánh
đúc của bác Nội ở ngay đầu ngõ, mặt phố Lê Ngọc Hân, nhưng vì nhiều lý do nên
bác chuyển hẳn vào trong nhà. Căn nhà cổ 2 tầng gần trăm tuổi mà gia đình bác
Nội ở được dọn dẹp để bày ghế bán hàng, từ chiếc chạn gỗ cất đồ đến bát đĩa đều
nhuốm màu thời gian cũ kỹ. Trên gác hai còn lắm món đồ cổ khá hay ho trang trí
khắp các góc tường, như ấm đất nung, lọ men sứ, tranh mạ vàng, cái bể cá khảm
trai ngót nghét chục năm, 2 thanh kiếm to đùng rỉ sét treo trên tường khiến
thực khách tò mò thích thú. Biết bao nhiêu thế hệ người Hà Nội đã đến đây, vừa
ngắm quán vừa ăn, rồi “ghiền” món bánh đúc nóng đến nỗi cho rằng không có nơi
nào ở đất kinh kỳ bán thức quà dân dã này ngon hơn bác Nội làm.
Tranh thủ tan làm sớm, chị Phương Anh thường ghé quán bác Nội ăn quà chiều.
Chị Mai Anh (29 tuổi) làm ở gần đây nên thường qua 8B Lê Ngọc Hân gọi món miến trộn yêu thích. Chị biết địa chỉ này từ cách đây 6 - 7 năm, do bạn bè giới thiệu, thưởng thức một lần xong chị nhớ mãi, trở thành khách hàng "điểm danh" thường xuyên ở quán. Ngồi cùng chị là bạn Cường (24 tuổi), lần đầu tiên tới đây ăn, song hương vị của bát miến cũng đã khiến cậu xiêu lòng, dù khá kén ăn. Cường cho biết, chắc chắn sẽ quay lại đây, và đưa theo cô gái đặc biệt với mình, bởi đường tới trái tim ngắn nhất là đi qua dạ dày mà!
Chị em Trang - Huyền là những vị khách quen lâu năm đến mức tới quán chẳng cần gọi món bác Nội cũng biết họ muốn ăn gì.
Hai chị em Trang – Huyền là khách ruột của quán, đã lê la ở đây được… mười mấy năm, gần như là khách hàng gắn bó lâu nhất với bác chủ. Ngày trước, nhà chị Trang ở tận Sài Đồng, nhưng đi học ở gần Lê Ngọc Hân, chẳng nhớ sao lại biết đến quán của bác Nội, nhưng từ hồi ấy đến giờ, tuần nào chị cũng ra đây ăn, đều đặn còn hơn cơm bữa, bận mấy cũng phải mò ra bằng được, nắng mưa thế nào cũng bất chấp, chỉ vì quá yêu thích bánh đúc nhân thịt do bác Nội làm. Chị Trang chia sẻ: “30 tuổi rồi nhưng lần nào ra đây cũng vẹn nguyên cảm xúc như hồi còn học sinh. Suốt ngày rủ rê thêm cả bạn bè, “đầu độc” cô em gái, chồng con, cả bố mẹ mình cũng bị lôi ra đây thưởng thức đồ ăn. Mà giá cả ở đây cũng rẻ, bao năm bác chủ không tăng giá, thỉnh thoảng còn được bác cho phần ăn nhiều hơn bình thường, thích lắm”.
Quán ăn đặc biệt này đã từng lên báo đài khắp trong ngoài nước, mang văn hóa ẩm thực Hà Nội ra thế giới.
Không chỉ có chị em Trang – Huyền, còn rất nhiều vị khách đặc biệt khác nữa, gắn bó với quán bởi nhiều lý do rất hay ho. Hàng nghìn đôi tình nhân chọn hàng bánh đúc bác Nội làm nơi hẹn hò, nắm tay nhau tới ăn sáng trưa chiều tối, ríu rít bên nhau khiến bá gái cũng vui lây, cảm thấy tâm hồn trẻ trung theo những đôi uyên ương ấy. Thú vị nhất là du khách nước ngoài tìm đến quán bánh đúc 30 năm tuổi này, họ xem trên mạng thấy dân tình review rất nhiều về quán, bánh đúc nóng cũng là một trong số các món ẩm thực đặc trưng Việt Nam, kéo nhau đến ăn thử xong, họ chạy ra bắt tay bác Nội rất niềm nở, khen luôn bằng tiếng Việt rằng “Ngon tuyệt!”.
Rồi có cả khách Việt kiều, lúc nhỏ thường hay ăn ở quán, khi xa quê hương vẫn đau đáu nhớ hương vị bánh đúc nhân thịt trong con ngõ cũ xưa, có dịp về Việt Nam, xuống sân bay Nội Bài là vội vàng bắt taxi tới quán bác Nội đầu tiên, chỉ để thưởng thức một bát bánh đúc nóng hổi. Vừa ăn họ vừa khóc, khiến bà chủ quán cũng khóc theo. Nước mắt hòa lẫn với nụ cười, đời người có mấy chuyện mừng tủi giống thế chứ? Người phụ nữ Hà thành xúc động vì tấm chân tình cách nửa vòng Trái Đất ấy, có lẽ không gì đáng trân trọng bằng sự hài lòng của thực khách, cùng với kỉ niệm họ gửi lại nơi đây. Còn nhiều, nhiều mẩu chuyện thú vị khác cơ, nếu tò mò muốn nghe thêm, thì hãy ghé quán trò chuyện với bác Nội nhé, bác đều nhớ hết đấy!
Bác chủ quán đã chứng kiến cả nghìn mối lương duyên được se từ những bát bánh đúc, nhiều người sinh con đẻ cái vẫn tiếp tục quay lại đây.
Có rất nhiều chuyện thú
vị ở hàng bánh đúc này mà nếu chỉ vội vàng ghé qua bạn sẽ không thể cảm nhận
được. Sự tồn tại của quán bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân suốt 30 năm qua đã mang
niềm vui, hạnh phúc đến cho rất nhiều cặp đôi. Bác Nội chứng kiến không biết
bao nhiêu đôi vợ chồng quen nhau từ quán của bác, họ đến ăn từ hồi còn
là học sinh cấp 2 cấp 3, thậm chí có chàng trai tỏ tình ngay tại quán khiến bác
và khách khứa ngạc nhiên, nhớ mãi. Trông theo một cặp vợ chồng trẻ bế theo cậu
bé con kháu khỉnh vừa rời khỏi quán, bác bảo: "Đấy, hai cô cậu đấy
yêu nhau từ hồi còn đi học, cưới xong đẻ con dắt tay ra quán trêu bác là nhờ
bát bánh đúc mai mối nên giờ mới ra "sản phẩm" chũn chĩn bé xíu thế
kia (cười). Cứ đến ngày kỉ niệm quen nhau, tỏ tình hay là dịp lễ tết, họ đều
tới chỗ bác ăn, còn rủ cả bạn bè người thân theo nữa". Vì những
câu chuyện dễ thương đó mà mọi người đặt biệt danh cho quán là hàng "bánh
đúc mai mối".
Trời nhá nhem tối, mưa cũng lất phất trên mái hiên. Bác Nội tiễn khách ra đến tận đầu ngõ, giọng nói hiền hòa ấm áp của bác khiến mọi người quyến luyến không muốn về. Có mấy ai bán hàng lâu năm tận tình như bác, bác nấu ăn ngon “níu giữ” dạ dày của bao thế hệ người dân Hà Nội, song, điều quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là mọi người quay lại đây hết lần này lần khác bởi tấm chân tình của gia đình bác, ai cũng phục vụ hết lòng, gần gũi như người thân, xởi lởi chuyện trò dù bận mấy cũng không bao giờ khó chịu với khách. Chẳng thế mà đi xa cứ nhớ mãi bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân…