Gìn giữ "cái ngàn vàng" suốt thời thanh xuân, đến lúc thành vợ chồng thì "chuyện ấy" lại trục trặc
Tôi đã rất nỗ lực để giữ gìn sự trinh trắng của mình, vậy mà bây giờ khi đã lập gia đình tôi vẫn tiếp tục phải chịu đựng cảm giác đau đớn, căng thẳng và lo lắng...
Lời tâm sự thật của người phụ nữ trên Good Housekeeping về vấn đề trinh tiết và chuyện phòng the trong cuộc sống vợ chồng khiến nhiều người phải suy nghĩ:
"Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc, từ bé tôi được dạy dỗ rằng trinh tiết là thứ quan trọng nhất của một người con gái. Trinh tiết thậm chí còn có thể cứu rỗi cuộc đời tôi. Bởi vậy, thất tiết trước hôn nhân là điều thật đáng xấu hổ. Tôi phải giữ gìn trinh tiết bằng mọi giá.
Năm 15 tuổi, tôi hạ quyết tâm sẽ chỉ quan hệ tình dục khi đã chính thức kết hôn bằng cách ký vào một bản cam kết. Năm tiếp theo đó, cha mẹ tặng tôi một chiếc nhẫn trinh tiết. Thực chất, cha mẹ tôi đã sống chung một khoảng thời gian khá dài trước khi kết hôn. Tuy nhiên tôi không hề cảm thấy mâu thuẫn khi đối chiếu sự thật đó với việc họ đang cố gắng hướng tôi hành động đúng như lời dạy của Đức Chúa. Tôi hiểu cha mẹ chỉ đang làm hết sức mình để giữ cho tôi không phạm phải sai lầm như chính họ ngày trước. Và thế là tôi bắt đầu vạch ra ranh giới với các chàng trai ở trường đại học.
Rồi một ngày, tôi cũng gặp được người đàn ông của cuộc đời mình. Chúng tôi hẹn hò khoảng một năm trước khi đính hôn và thời điểm đính hôn của chúng tôi cách đám cưới 5 tháng. Dù nhiều người không tin, nhưng sự thật là đến tận ngày cưới, tôi và chồng mới trao nhau nụ hôn đầu trước sự chứng kiến của cha xứ và các quan khách. Đã và sẽ có rất nhiều người thắc mắc sau khi biết chuyện này. "Làm sao bạn biết được mình và người đàn ông này hòa hợp trong chuyện chăn gối khi mà bạn thậm chí còn chưa từng hôn anh ta?", "Chuyện ấy chẳng phải là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà hai người yêu nhau cần tìm hiểu trước khi tuyên thệ trong lễ đường hay sao?",... - đó là hai trong số những câu hỏi mà người ta hỏi tôi nhiều nhất.
Thành thật mà nói, tôi chưa từng lo lắng về việc kết hôn với người không hòa hợp với mình trong "chuyện ấy". Đôi khi tôi cũng lăn tăn về quyết định "không hôn, không sex trước hôn nhân" của mình nhưng chồng tôi đã chia sẻ điều đó với tôi. Anh ấy đồng ý chờ đợi. Bởi vậy tôi nghĩ điều đó với chúng tôi sẽ không là vấn đề. Phải đến sau này, tôi mới biết rằng những suy nghĩ của mình hồi đó thật quá ngây thơ.
Thực chất, trong lúc yêu nhau, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi khi lúc nào cũng ở trong tư thế phòng thủ với người yêu. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa hai chúng tôi đôi khi trở nên căng thẳng. Dù vậy, cả hai vẫn thống nhất rằng sẽ tôn trọng lẫn nhau cũng tôn trọng lời dạy của Đức Chúa. Chúng tôi xoa dịu, an ủi nhau rằng sau khi kết hôn, nhất định cả hai sẽ cùng "bù đắp" quãng thời gian này.
Thế nhưng khi đã kết hôn, vì không ai trong hai chúng tôi từng có kinh nghiệm trong "chuyện ấy", vì chưa từng trò chuyện với bạn bè hay cha mẹ về những vấn đề này, vì chưa bao giờ tham gia vào những lớp học giới tính trong trường, nên cả hai vợ chồng đều lúng túng, không biết phải làm sao để bắt đầu và kết thúc "chuyện ấy". Khi tôi mở miệng hỏi những người mà tôi có thể như bạn bè, gia đình, thậm chí là bác sĩ thì chỉ nhận được những câu trả lời như: "Mọi thứ sẽ tự... đi vào quỹ đạo", "Đừng lo, đến lúc đó hai bạn sẽ biết phải làm thế nào", "Cứ yên tâm là chuyện đó sẽ rất tuyệt vời",... Họ nói vậy, nhưng mọi thứ đã không diễn ra đúng như kế hoạch...
Ảnh minh họa
Tôi được chẩn đoán bị chứng co thắt âm đạo ngay sau khi trở về từ tuần trăng mật. Đó là một tuần đầy nước mắt lẫn đau đớn và thất vọng của cả hai chúng tôi. Cơ bắp vùng chậu của tôi không chịu nghe lời, khiến tôi phải chịu đau đớn mỗi khi gần gũi chồng và thậm chí là không thể quan hệ. Tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi thấy mình thất bại trong vai trò một người phụ nữ, một người vợ. Tôi bắt đầu nổi giận, cáu gắt với tất cả mọi người, từ chồng tôi, gia đình, bạn bè cho đến cả... đức Chúa. Tôi cho rằng mình đang phải chịu đựng sự bất công. Tôi đã rất nỗ lực để giữ gìn sự trinh trắng của mình, vậy mà bây giờ khi đã lập gia đình tôi vẫn tiếp tục phải chịu đựng cảm giác đau đớn, căng thẳng và lo lắng.
Sau khi nói chuyện với các bác sĩ và chuyên viên trị liệu, tôi từ một người có quan niệm rằng tình dục là một điều gì đó rất xấu xa bỗng có cách nhìn nhận khác đi. Tôi dần có thiện cảm với chuyện đó. Tôi hiểu rằng cơ thể mình không biết phải làm gì và không chịu nghe lời mỗi khi tôi gần gũi chồng bởi nó đã phải kiềm chế sự phấn khích với người khác giới trong một khoảng thời gian dài. Trên thực tế, một trong số nguyên nhân gây ra chứng co thắt âm đạo chính là do cách dạy dỗ của cha mẹ quá cứng nhắc, giáo lý tôn giáo không cân bằng (cho rằng quan hệ tình dục là xấu) và giáo dục giới tính không đến nơi đến chốn.
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình rộng rãi hơn và nhận ra rằng vấn đề này không chỉ là của riêng tôi mà khá phổ biến trong cộng đồng những người theo đạo. Người ta đã dành rất nhiều thời gian để dạy thanh thiếu niên phải hạn chế những tương tác thân mật trước khi kết hôn. Thậm chí với nhiều đạo, việc quan hệ tình dục còn bị cấm đoán nghiêm ngặt.
Đương nhiên tôi không nói rằng các mục sư cần phải rao giảng về những chuyện này. Tuy nhiên tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể ngồi lại nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn về tình dục, về cách nó diễn ra, về niềm vui nó mang lại, về những "lần đầu" vụng về hay những tác động của tình dục lên não bộ?
Nếu được chọn lại, tôi vẫn giữ cho mình sự trinh trắng cho tới đêm tân hôn. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi vẫn không hối tiếc khi được lớn lên trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc, vẫn không thôi tin tưởng vào những giáo lý mà tôi được truyền thụ từ nhỏ. Tuy nhiên tôi khuyến khích, và thậm chí là yêu cầu, mọi người hãy tỏ ra cởi mở hơn về những khía cạnh của quan hệ tình dục thay vì né tránh, cách ly thanh thiếu niên với điều mà chúng chắc chắn phải đối mặt khi trưởng thành".
Theo Good Housekeeping