Giật mình với “hàng xách tay” Châu Âu xuất xứ từ… Mỹ Đức!
Hàng nghìn chai, lọ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mang nhãn hiệu Úc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đức...; hàng loạt máy lọc nước Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng thực chất có xuất xứ tại các vùng ngoại thành Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý từ đầu năm đến nay.
Hơn 500 sản phẩm dưỡng tóc các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: PV
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Chi Cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cơ sở sản xuất tại xã huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ (Hà Nội), thu giữ nhiều máy lọc nước và tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.
Những chiếc máy lọc nước này được quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản, có thể loại bỏ hoàn toàn nhiều chất gây hại trong nước, nhưng trên thực tế, được sản xuất tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có rất nhiều tem mác nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn và cả tem chống hàng giả, hàng nhập khẩu nguyên chiếc.
Ngày 10.7, Đội QLTT số 26 phối hợp với Phòng Bảo vệ chính trị (PA65), Công an TP.Hà Nội và Công an quận Hà Đông phát hiện và thu giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc tại một cơ sở mỹ phẩm trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội).
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều thùng hàng chứa các loại sữa tắm trắng da, muối tắm trắng da, mang nhãn hiệu Clarins nổi tiếng nhập khẩu của Pháp với tổng số khoảng trên 13.000 lọ. Toàn bộ số hàng trên đều có gắn mác và tem chống hàng giả, nhưng số tem, mác này nghi là... tem giả.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên. Đại diện cơ sở mỹ phẩm là Nguyễn Thị Vân (SN 1991 trú tại xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) khai nhận: Các sản phẩm này được quảng cáo và bán trên trang mạng xã hội facebook với tên Spa Venus có công dụng làm trắng da giữ ẩm, trị tàn nhang, mụn, sẹo...
Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phối hợp với Chi cục QLTT TP.Hà Nội vừa bắt quả tang cơ sở chuyên SX, phân phối thực phẩm chức năng giả số lượng lớn. Kiểm tra tại hai cơ sở sản xuất thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 600 hộp thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu nổi tiếng Glucosamine của Mỹ vừa đóng gói, chuẩn bị mang đi tiêu thụ cùng một lượng lớn tem, nhãn giả tại hiện trường.
Hai cơ sở trên do Đỗ Đình Quân (SN 1982, hộ khẩu thường trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) thuê lại để làm nơi sản xuất hàng giả. Đối tượng khai nhận đã thu mua thực phẩm chức năng dạng viên trôi nổi trên thị trường, sau đó đặt in tem, nhãn giả các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, trà trộn vào sản phẩm của các Cty phân phối chính hãng để tiêu thụ.
Từ hàng chục nghìn vụ vi phạm về lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gian lận thương mại…, lực lượng chức năng đã thu giữ và nộp ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, khởi tố hình sự hàng trăm đối tượng vi phạm.