Giật mình với cây cầu "đi thẳng xuống biển" độc nhất vô nhị trên thế giới
Cây cầu trải dài trên mặt biển và bỗng nhiên "biến mất" dưới mặt nước khiến nhiều người vô cùng tò mò, thích thú muốn được thử qua.
Nếu bạn là người am hiểu địa lý thế giới, "tinh thông ngõ ngách" trên quả địa cầu hình tròn hẳn bạn sẽ biết hai quốc gia Đan Mạch và Thụy Điển bị ngăn cách bởi một dải nước hẹp, đó chính là eo biển Oresund. Tất nhiên trên bản đồ thì nó chẳng đáng kể nhưng thực tế, eo biển này rộng tới 16km.
Trước đây, người dân hai nước di chuyển qua eo biển này bằng phà nhưng khá mất thời gian. Chính vì vậy hai nước đã quyết định xây một cây cầu bắc ngang qua eo biển này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2000, một cây cầu "nửa chìm nửa nổi" vô cùng độc đáo sừng sững trên biển khiến cả thế giới phải nể phục.
Cây cầu Oresund bắc ngang qua biển.
Nhìn từ góc độ này, nhiều người lầm tưởng đây là con đường cụt, không có điểm đến.
Cây cầu Oresund nối thủ đô Copenhagen của Đan Mạch và thành phố Malmo của Thụy Điển, do kiến trúc sư George K.S. Rotne, thuộc công ty COWI của Đan Mạch thiết kế. Năm 1995 người ta bắt đầu khởi công xây dựng nó và đến ngày 1/7/2000, cầu Oresund đón những vị khách đầu tiên, tổng chi phí xây dựng khoảng hơn 5,3 tỷ USD.
Điểm thú vị của cây cầu này nằm ở chỗ, nó trải dài khoảng 8km trên mặt biển rồi bỗng nhiên "biến mất" dưới nước thêm khoảng 4km nữa. Hòn đảo Peberholm chính là cầu nối đặc biệt giữa cây cầu và đường hầm. Hòn đảo nhân tạo xinh đẹp Peberholm có hệ động thực vật phong phú, gồm hơn 500 loại cây khác nhau, đồng thời cũng là nơi sinh sản và cư trú của nhiều loài chim.
Toàn cảnh cây cầu nhìn từ trên cao.
Cầu Oresund có 4 làn xe trên đường bộ và cả đường dành riêng cho tàu hỏa. Đa số hành khách lựa chọn tàu hỏa để di chuyển vì chỉ mất có 35 phút.
Sau khi cây cầu được xây dựng xong, việc di chuyển qua lại của người dân hai nước trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Thậm chí có người còn mua nhà ở Malmo rồi hàng ngày di chuyển qua cây cầu để đến Copenhagen làm việc.
Nếu có cơ hội đặt chân đến châu Âu, bạn hãy đến cây cầu để được trải nghiệm cảm giác thú vị.
Cảnh pháo hoa lung linh trên cây cầu độc nhất vô nhị trên thế giới.
Không chỉ có người dân đi lại qua cây cầu, rất nhiều du khách khi đến Đan Mạch và Thụy Điển cũng rất muốn đến tận nơi để chiêm ngưỡng "tuyệt tác kiến trúc" do bàn tay và óc sáng tạo của con người tạo ra. Oresund còn được xem như một biểu tượng ngoại giao giữa hai nước. Hiện cây cầu thuộc quyền quản lý của hai nước, người dân đi qua đều phải đóng phí.
(Nguồn: Bright Side, Architecturendesign)