Giáp Tết còn "thông gia đại chiến" chỉ vì câu nói "làng chơi vớ được con trai tôi là may mắn", nhà gái họp gia đình hủy hôn gấp
Đến khi rượu đã hết nửa can, ông bố chồng hụt lại vui miệng bảo chị mình là: "Xăm trổ làng chơi vớ được con trai tôi là may lắm, coi như 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã'".
Cưới xin là chuyện cả đời, bởi thế những gì liên quan đến đám cưới đều được chuẩn bị kĩ lưỡng và lo liệu chu toàn hết cả. Hai gia đình, hai dòng họ luôn tìm đủ mọi cách làm thế nào những người con, người cháu của họ được êm đềm đến với nhau. Cái cốt yếu nhất của một mối hôn nhân chính là đôi trẻ sống hạnh phúc lâu dài.
Những chuyện bàn tính hay chuẩn bị trước đám cưới đều chỉ là công cuộc chuẩn bị mà thôi. Ấy vậy nhưng, một cô gái lại gặp phải biến cố lớn ngay trong công cuộc chuẩn bị đó. Câu chuyện được một nam thanh niên kể trong group đông thành viên.
"Chưa Tết mà đã 'giông' rồi đây. Bà chị hàng xóm bằng tuổi mình, hai bên gia đình chốt cưới xin hết cả rồi, còn có mấy hôm nữa là ăn hỏi rồi cưới mà loanh quanh thế nào nhà gái lại hủy hôn.
Theo như lời bà ấy kể thì 'ông chồng hụt' này ăn chơi các kiểu ghê lắm. Ông ấy cầu hôn lúc đang say say nên bà chị chẳng biết thật hay đùa. Vì tuổi tác đã cao, cũng là chỗ quen biết lâu năm nên bà chị đành nhắm mắt chọn bừa cho kịp ăn cái Tết.
Và rồi cho tới ngày hôm qua, bố mẹ và 'anh chồng hụt' lên nhà bà chị ăn cơm, cốt là để nói chuyện chốt lại lần cuối giữa hai bên. Ban đầu, hai bên gia đình ăn uống trong sự vui vẻ, đầm ấm.
Nhưng cho đến khi rượu đã hết nửa can, ông bố chồng hụt lại vui miệng bảo chị mình là: 'Xăm trổ làng chơi vớ được con trai tôi là may lắm, coi như 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã'.
Bố đẻ chị này cay lắm, xỉa xói lại bảo rằng con ông thì hơn con tôi đấy mà còn đòi cành cao đi chê con nhà người khác.
Thế rồi, hai ông bố to tiếng lôi nhau ra sân thi đấu tay đôi. May mà hàng xóm sang can ngăn không thì đánh nhau to thật rồi. Sáng hôm sau, họ hàng nhà bà chị họp gấp, quyết định hủy hôn. Nhìn bộ ảnh cưới mà cứ thương cho bà ấy. Đúng cái số phải cô đơn thật rồi".
Thật đúng là câu chuyện dễ khiến người khác phải thương cảm ngay những ngày giáp Tết thế này. Bình thường, cưới xin là chuyện trọng đại, chuyện vui nhưng ở đây chỉ vì chuyện cưới mà hai bên gia đình suýt đánh nhau to.
Thiệt thòi nhất trong câu chuyện này chính là đôi trẻ. Có lẽ khi quyết định đến với nhau, họ cũng háo hức mong chờ xem cuộc sống gia đình sẽ khác biệt thế nào nhưng vì hành động xốc nổi của hai ông bố mà mọi thứ tan tành hết cả rồi.
Trong dòng tin nhắn đính kèm, cô dâu hụt còn tâm sự rằng bố mẹ mình không cho cưới nữa, chán quá. Nhà chồng thì: 'Chả thấy nói năng gì. Có mẹ ông kia sáng nay gọi điện nhưng chị không nghe máy'.
Sự việc đã xảy ra rồi mà gia đình ấy còn chẳng xin lỗi hay nhận sai về mình.
Một vụ hủy hôn, 'cưới hụt' khiến người ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc gặp mặt đó mà người ta thấy được rằng bố chồng chẳng hề xem trọng cô. Dù chưa xác minh được tính chính xác của câu chuyện nhưng đã là tình yêu thì không phân biệt thân phận, quá khứ hay hoàn cảnh.
Đặc biệt là khi cặp đôi đã cảm thấy tình cảm đủ chín muồi và đi đến quyết định kết hôn thì có nghĩa họ đã xác định đồng hành với nhau trên một quãng đường dài sau này. Phụ huynh cũng là người có tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc sống hôn nhân của đôi lứa. Thế nên họ lại càng cần chuẩn mực để con cái nể phục. Đôi khi cần dẹp bỏ những sĩ diện cá nhân để nghĩ cho lợi ích của con cái, của cả hai gia đình.
Lấy chồng không sợ muộn, chỉ sợ lấy nhầm chồng. Nếu vì nghĩ bản thân "quá lứa" mà liều mình "nhắm mắt đưa chân" thì sai rồi. Nếu lấy hãy chọn người mình yêu còn không, hãy cứ độc thân vui tính thôi nhé các chị em!