Giáo viên tìm cách lách luật dạy thêm, thu nhập gấp 5 lần lương chính
Đầu năm học nào cũng ký vào tờ cam kết không dạy thêm, nhưng giáo viên vẫn có cách lách luật để kiếm thêm thu nhập ngoài giờ vì lương quá thấp.
Theo cô Lù Ngọc Linh (35 tuổi, giáo viên tiểu học tại Sơn La), trước khi bước vào năm học mới, giáo viên toàn trường sẽ phải ký vào tờ cam kết cấm dạy thêm. Tuy nhiên, dường như, quy định cấm chỉ có hiệu lực trên giấy tờ. Thực tế, giáo viên muốn dạy thêm sẽ có nhiều cách để "lách".
Cấm dạy thêm chỉ có hiệu lực trên giấy tờ?
Hơn 10 năm trong ngành giáo dục là chừng ấy thời gian cô Ngọc Linh mở lớp dạy thêm. Từ khi có quy định giáo viên cấm dạy thêm học sinh của mình, giáo viên này vẫn tìm được cách để tiếp tục công việc này.
5 năm qua, cô Linh đều dạy thêm Toán, Tiếng Việt theo hình thức liên kết với một trung tâm gần nhà.
"Trung tâm có giấy phép được thuê giáo viên dạy thêm. Đợt nghỉ hè tôi chủ yếu dạy ở đây, còn khi vào năm học, mỗi tuần tôi đứng lớp 2 buổi", cô Linh nói và cho biết chỉ nhận 70% mức thù lao để những ngày dạy ở nhà không phải trả tiền 'giấy liên kết' cho trung tâm.
Như vậy, về lý thuyết, cô là giáo viên làm ngoài giờ ở trung tâm, còn thực tế, học sinh vẫn đến lớp học tại nhà cô từ 19h30 - 21h30. Suốt hơn 10 năm qua, lớp học thêm rộng chừng 25m2 của cô lúc nào cũng kín học sinh.
Theo cô Linh, mỗi lớp thường dao động từ 15 học sinh, học trong vòng 2 tiếng. Học phí mỗi buổi là 50.000 đồng/em. Cô thừa nhận bản thân đang làm trái quy định khi trong lớp học thêm có cả học sinh của chính mình. Tuy nhiên, cô cho rằng, giáo viên muốn yên tâm cống hiến cho nghề thì phải vượt qua nỗi lo cơm áo gạo tiền.
"Khi đã lựa chọn làm giáo viên thì ai cũng yêu nghề, yêu học trò của mình. Nhưng nếu chỉ dựa trên đam mê thì không đủ để sống, chúng tôi cũng cần nuôi gia đình và cho con cái học hành ", cô bộc bạch.
21h30 sau khi phụ huynh đón con tan học thêm ca tối, cô Linh mới bắt đầu lúi húi dọn dẹp lại lớp học, chuẩn bị bài giảng, giáo án cho ngày mai. Khi xong xuôi mọi việc, chồng con đã say giấc từ bao giờ.
Dạy thêm nhiều, không có thời gian bên cạnh hai con gái nhưng cô đành cắn răng chấp nhận vì lương giáo viên bèo bọt, nhà giáo đành "chân trong chân ngoài" mới mong có đủ tiền nuôi con ăn học, đảm bảo cuộc sống gia đình. Cô Linh kể, nhiều năm qua, cô không tăng giá học thêm vì sợ thành gánh nặng với phụ huynh.
"Thực tế phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm để củng cố nâng cao kiến thức. Nhiều người đến nhà nhờ tôi dạy con họ buổi tối" , cô lý giải.
Dù biết sai quy định, nhưng cô Linh và đồng nghiệp sẵn sàng chấp nhận vì "không dạy thêm lấy gì mà sống". Bản thân cô là người có thâm niên trong ngành nhưng mỗi tháng lương thực lĩnh chỉ nhỉnh 6,5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí học hành của hai con tiêu tốn hơn 10 triệu đồng.
"Mỗi tháng tôi chi khoảng 10 triệu tiền học chính khóa và học thêm cho hai con. Chị gái lớp 3 học thêm Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, còn em gái 4 tuổi học múa, vẽ, kỹ năng sống", cô nói.
Chồng cô là công chức, thu nhập không cao, nếu không nhờ công việc dạy thêm của cô thì chi phí sinh hoạt gia đình không biết xoay sở thế nào. Cô tiết lộ công việc dạy thêm ngoài giờ mang đến mức thu nhập gấp 4-5 lần lương chính, tùy từng thời điểm.
Nữ giáo viên cũng mong mỏi, các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán để có phương án hợp lý cho giáo viên được dạy thêm, dựa theo nhu cầu của học sinh.
"Nhu cầu lớn, giáo viên dễ gì bỏ dạy thêm"
Cô Đặng Thanh Thủy (27 tuổi, giáo viên THCS tại Hà Nội) cho rằng, việc thầy cô dạy thêm ngoài giờ một phần cũng xuất phát từ nhu cầu của học sinh. Cô khẳng định, nhu cầu lớn, giáo viên dễ gì bỏ dạy thêm.
"Ở trên lớp, thầy cô không có nhiều thời gian để kèm cặp sát sao từng cá nhân được", cô nói và nêu ví dụ, một lớp 40 em, tiết học 45 phút thì giáo viên dành cho mỗi em một phút đã hết giờ. Có thể vì thế nhiều gia đình có nhu cầu cho con đi học thêm để ôn luyện kỹ càng hơn.
Việc học thêm hay không là do phụ huynh tự cân nhắc. Học thêm có ích nếu không bị biến tướng thành chuyện giáo viên tìm mọi cách ép buộc phụ huynh phải chi tiền cho con học tại nhà thầy cô vào buổi tối.
"Nếu có tình trạng học sinh bị trù dập chỉ vì không đi học thêm, phụ huynh, học sinh nên trao đổi thẳng thắn với giáo viên, đồng thời báo cáo cho nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục để giải quyết vấn đề ", cô Thủy nêu quan điểm.
Nữ giáo viên cũng nhìn nhận, nhu cầu học thêm ngày càng nở rộ, nên sẽ khó để thực thi lệnh cấm theo quy định. Ngoài giờ học chính, nhiều phụ huynh có nguyện vọng tìm kiếm thầy giỏi, chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học, trau dồi, củng cố kiến thức.
Theo cô, quan trọng hơn hết cần có cơ chế để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đạt hiệu quả, tránh biến tướng gây ra dư luận xấu trong xã hội.
"Giáo viên dù biết dạy thêm là không đúng quy định, nhưng vẫn đánh cược vì học sinh có nhu cầu, phụ huynh sẵn sàng chi khoản này ", cô Thủy đánh giá.
Tháng 3/2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 17 quy định hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Thứ hai, học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Thứ ba, tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Thứ tư, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Đồng thời giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của nhà trường. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.