Thêm địa phương ban hành lệnh cấm dạy thêm
Thanh Hóa, An Giang là những địa phương vừa ban hành lệnh cấm dạy thêm.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.
Sở này cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Trước đó, Phú Thọ ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Sở GD&ĐT tỉnh này cũng yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Nam Định cũng quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định. Trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh.
Riêng với lớp cuối cấp 9, 12, giáo viên dạy không quá 5 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 4 tiết học, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.
"Lãnh đạo các trường giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu có vi phạm về dạy thêm, học thêm thì lãnh đạo các trường chịu trách nhiệm", Sở GD&ĐT Nam Định nêu.
Mới vào đầu năm học, nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm nở rộ. Giáo viên thẳng thắn yêu cầu cha mẹ học sinh đăng ký cho con học bồi dưỡng sau giờ học tại nhà cô. Mức học phí cho những buổi học thêm này không nhỏ, dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/buổi/học sinh.
Dù trước đó, Bộ GD&ĐT, các địa phương nhiều lần yêu cầu các giáo viên không được dạy chính học sinh của mình nhưng gần như nhiều thầy cô vẫn bấp cháp quy định để tổ chức dạy thêm.
Cô Lê Khánh Phương, giáo viên một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội cho rằng, viêc dạy thêm hiện nay đang trở thành vấn nạn, không chỉ giáo viên khối 1 mà hầu hết các khối lớp khác ở bậc tiểu học đều tổ chức dạy thêm. Nội dung giảng dạy chủ yếu kèm cặp, ôn tập lại kiến thức trên lớp cho học sinh - phần học đáng ra được dạy trong giờ chính khóa.
Trong các tiết dạy thêm, giáo viên cũng ra thêm bài tập để các em làm tại lớp của mình như viết chính tả, làm bài tập toán, tập đọc… “Tuy nhiên, nếu giáo viên có trách nhiệm, dạy hết nội dung chương trình ở trên lớp thì học sinh không cần phải học thêm chỉ tội các em thêm áp lực, căng thẳng sau khi đã học cả ngày ở trường, nhồi nhét thêm 1 - 2 tiếng chẳng giúp các em học khá hơn. Phần học thêm chẳng qua giúp các em rèn luyện thêm các kỹ năng, trừ những em học yếu mới cần phụ đạo”, cô Khánh nói.
Cũng là giáo viên, cô Khánh thấu hiểu những vất vả, khó khăn nghề giáo đang phải đối diện, khi vật giá leo thang, lương không đủ sống nên các thầy cô buộc lòng phải "tăng gia sản xuất" dạy thêm ngoài giờ để kiếm sống. Tuy nhiên việc ưu ái học sinh đi học thêm hơn những em khác trong lớp là điều không đúng, đáng lên án. Việc này đang làm xấu đi hình ảnh nhà giáo, tạo tâm lý xấu không đi học thêm nhà cô, trò sẽ không giỏi, không được điểm cao, nữ giáo viên thẳng thắn đánh giá.
Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".