Giáo viên dạy môn tích hợp thế nào ở lớp 6?
Năm học 2021-2022, chương trình, sách giáo khoa từ lớp 6 tích hợp các đơn môn thành 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, vậy giáo viên sẽ dạy thế nào?
Từ năm học 2021-2022 tới, các môn học Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Điều này khiến nhiều giáo viên lo lắng việc dạy học bị xáo trộn vì các thầy cô quen với việc dạy và được đào tạo đơn môn.
Thiết kế theo chủ đề
Làm rõ hơn về dạy tích hợp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 bộ sách Cánh Diều cho biết, trong sách giáo khoa mới bộ môn Khoa học xã hội, kiến thức 2 môn học có phần giao nhau nhưng vẫn đảm bảo từng phân môn.
Xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - đô thị trong lịch sử; đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Cửu Long; chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn.
Trong đó, chủ đề quyền biển đảo trong chương trình mới không chỉ là các kiến thức về biển đảo mà còn là mạch kiến thức về chủ quyền Việt Nam nhằm xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước.
Còn môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; vật sống; năng lượng và sự biến đổi, Trái đất, bầu trời.
Giải pháp dạy học mà các tác giả đưa ra là, mỗi giáo viên môn Địa lý được bồi dưỡng thêm 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại; bồi dưỡng đủ 20 tín chỉ sẽ đảm bảo dạy được môn tích hợp. Nếu giáo viên chưa được bồi dưỡng đủ tín chỉ thì có thể thực hiện linh hoạt tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục.
Giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Lịch sử - Địa lý thì hoàn toàn có thể dạy môn học tích hợp. Nếu không, thực tiễn Lịch sử và Địa lý là hai phân môn thì 2 giáo viên vẫn thực hiện và nhà trường có cơ chế thống nhất đánh giá môn học cho học sinh. Vì đây là một môn học, chỉ có một đầu điểm.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên bộ môn Khoa học tự nhiên của một bộ sách, nói rằng, từ khi làm chương trình, các tác giả đã chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông.
Ví dụ, nội dung chủ đề “Chất và sự biến đổi của chất” không thuần túy Hóa học, tác giả thiết kế để giáo viên dạy môn này cảm thấy thuận lợi nhất. Mạch “Vật sống” cũng không thuần túy Sinh học vì gắn kết cả kiến thức khác vào.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, thực tiễn thử nghiệm dạy tích hợp ở Việt Nam trong nhiều năm cho thấy, việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống. Ngoài ra, có thể lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình.
Về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm được giao nhiệm vụ mở mã ngành mới là đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT có 9 module tập huấn giáo viên, đang trong quá trình tập huấn đến hết module 3, bàn về nội dung và phương pháp dạy của các môn học. Tác giả, chuyên gia các bộ sách trực tiếp tập huấn cho giáo viên địa phương. Ngoài ra, Bộ cũng thiết kế chương trình bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo.
Mơ hồ dạy và kiểm tra đánh giá
Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Trường THCS Đông Hà, (Chợ Mới, Bắc Kạn) được phân công đảm nhận dạy học hai môn Toán và Lý trong năm học tới.
Cô hiểu rằng, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao, từ nguyên lý đến khái niệm; nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp để vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể tốt hơn. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai sẽ phát sinh nhiều khó khăn. Trước mắt, do chưa có giáo viên chuyên Khoa học tự nhiên nên hai hoặc ba giáo viên cùng dạy môn học này.
Là giáo viên Toán, khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Phương lúng túng vì chưa hình dung ra bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao, kiến thức bồi dưỡng tập huấn môn Vật lý không nhiều.
Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực Hoá, Lý, Sinh thì việc dạy học sẽ tốt hơn, trách nhiệm giáo viên trên lớp cao hơn thay vì kiêm nhiệm như năm học tới.
Thầy Nguyễn Quốc Ngọc cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết.
Theo đó, lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%). Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%). Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%). Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi năm học.
Thầy băn khoăn, học sinh lớp 6 sẽ học 3 phần gồm Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%); Hóa học sẽ được ở dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.
Tuy nhiên, Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt. Vậy thì có một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau, giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học? Theo thầy Ngọc, cần làm rõ khâu này để giáo viên thực hiện đúng nhiệm vụ trong quá trình giảng dạy.