Giáo viên bêu riếu học sinh: Phản giáo dục
Không thể viện cớ vì học sinh quá cá biệt mà đưa ra những phương án trừng phạt, ảnh hưởng đến tâm lý các em.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng có những nguyên tắc sư phạm mà giáo viên cần tuân thủ như tôn trọng học trò, mẫu mực, đồng cảm, lắng nghe. Quan trọng hơn, môi trường giao tiếp sư phạm cần giúp học trò hình thành và phát triển nhân cách. Vì vậy, không thể dùng những biện pháp như bêu riếu, đánh mắng, đuổi học… để kỷ luật khi các em phạm lỗi.
"Lêu lêu" khi trò phạm lỗi!?
Vừa qua, chị N.P (phường Linh Đông, TP Thủ Đức - TP HCM) đã phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc con mình là bé B. bị Ban Giám hiệu Trường Mầm non Ngôi nhà Hạnh phúc (TP Thủ Đức) bạo hành tinh thần, bêu riếu trước lớp, giáo viên xúi các bạn trong lớp "lêu lêu" bé, buộc chị làm giấy cam kết mới cho con tiếp tục học…
Cụ thể, ngày 4-1, bé B. đang theo học lớp lá tại trường này có đùa giỡn và đẩy ngã, làm hai bạn bị thương. Chị N.P đã yêu cầu con xin lỗi bạn. Hôm sau, nhà trường yêu cầu chị chuyển lớp cho bé B. nhưng chị chưa đồng ý. Một giờ sau, bé B. bị nhà trường chuyển lớp mà không có phụ huynh.
Ngày 6-1, khi đi học về, bé B. kể với chị N.P bị cô giáo bắt ngồi riêng ở góc tủ, ngủ ở một góc. Chị hỏi một số bạn trong lớp, các bé đều nói hai cô phụ trách lớp dặn B. đánh bạn, các bạn không chơi với B.
Tối 7-1, khi đi học về, bé B. gào thét, khóc lớn, không nói chuyện, không ăn uống. Chị N.P gặng hỏi, bé nói cô giáo lớp khác qua giữ lớp giúp đã nói với các bạn: "B. không ngoan, các bạn cùng lêu lêu B. nào".
Sau khi làm việc với nhà trường, chị N.P đã nhận được lời xin lỗi của lãnh đạo và các cô giáo "xúi" các bạn lêu lêu bé B. Nhưng chị N.P cho biết suốt những ngày sau đó, bé B. bị ảnh hưởng tâm lý, phải đi bác sĩ.
Ngày 19-1, nhà trường hẹn chị N.P lên làm việc và cho biết nhiều phụ huynh không đồng ý cho bé B. học chung con họ vì "bé bất ổn tâm lý, quấy phá, gây nguy hiểm". Vì vậy, hiệu trưởng yêu cầu chị muốn con tiếp tục theo học thì phải chấp nhận trong lớp có giáo viên cách ly trẻ, hạn chế cho trẻ chơi với các bạn. Đồng thời, chị phải viết cam kết con không được gây nguy hiểm cho trẻ khác. Chị không đồng ý cách xử lý của nhà trường nên đã rút hồ sơ cho bé B.
Theo bà Nguyễn Thị Nhàn, hiệu trưởng nhà trường, khi biết sự việc, nhà trường đã kiểm điểm giáo viên vì không xử lý khéo léo. Bên cạnh đó, bà Nhàn đã đến nhà xin lỗi gia đình chị N.P, về việc buộc phụ huynh viết cam kết là do sự hiểu lầm bởi bà truyền đạt chưa thấu đáo ý kiến của các phụ huynh khác.
Trẻ mầm non được cô giáo quan tâm, sắp xếp đi thành hàng khi tham gia hội Xuân. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Vùi dập chứ không phải giáo dục
Chị Trần Thị Nga (quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ con chị năm nay vào lớp 1, mỗi khi có bài tập về nhà thì bé đều thức đến khuya để làm cho xong, cuống cuồng và mất bình tĩnh khi chưa làm được những yêu cầu của cô giáo. Chị Nga hỏi thì bé cho biết nếu không làm xong sẽ bị cô phạt và nêu tên trước lớp.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng mỗi độ tuổi tâm lý tiếp nhận sự chỉ trích sẽ khác nhau nhưng nhìn chung, tâm lý học sinh khi bị bêu riếu trước lớp sẽ không dễ chịu, cảm thấy bị vùi dập, như vậy hình thức kỷ luật đó sẽ phản tác dụng giáo dục.
Theo ông An, bản chất của kỷ luật là mong muốn người phạm lỗi sau này có sự phát triển, thay đổi, nhận ra lỗi lầm và có hướng sửa chữa, không lặp lại điều sai. Hình thức bêu riếu, cho các bạn "lêu lêu" trước lớp sẽ làm ảnh hưởng đến cái tôi của mỗi cá nhân, không phải là hướng để học sinh phát triển.
"Đây là hình thức kỷ luật không tích cực. Giáo viên đã chỉ trích cả con người học trò chứ không chỉ đơn thuần là lên án hành vi sai trái của em đó" - ông An nói.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 5, đồng ý rằng những em ở độ tuổi mầm non và tiểu học thường năng động và nghịch ngợm nhưng trường học là nơi dạy dỗ trẻ chưa ngoan thành ngoan, không thể lấy lý do trẻ quá hư để trừng phạt. Nếu trẻ phạm lỗi nên có biện pháp tích cực khuyên bảo hoặc cùng phụ huynh có phương án dạy dỗ.
Điều lệ trường mầm non hiện nay quy định nhiệm vụ của giáo viên là thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ. Cấm giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp.
Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 cũng đã bỏ hình thức xử phạt học sinh bằng việc phê bình trước lớp, trước trường.
Kỷ luật không đúng quy định bị phạt từ 5-10 triệu đồng
Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Chính phủ vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 10-3-2021, việc kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, còn phải buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học. Người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai. Đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.
Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị buộc phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm không yêu cầu xin lỗi công khai. Trường hợp có hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.
Y.Anh