Giáo sư ĐH Harvard khẳng định: Nghèo khó không khiến con nỗ lực phấn đấu, chỉ bố mẹ giàu có mới giúp con thành đạt
Chúng ta thường nghĩ rằng khi khó khăn, con người sẽ có động lực vươn lên nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi chính là bức tường cản trở các cơ hội trong cuộc sống.
"Con phải cố lên, đời này bố mẹ nhờ cậy hết ở con" – Đây có lẽ là câu nói quen thuộc nhất mà các bậc phụ huynh thường nói với con từ nhỏ. Câu này giúp con có thêm động lực phấn đấu, nhưng đồng thời cũng tạo ra một gánh nặng, một áp lực vô hình lên đôi vai những đứa trẻ.
Năm 1948, một phụ nữ tên Vương Thư Trân ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cùng chồng đưa 13 đứa con tới Đài Loan. Bà Vương vốn là tiểu thư con nhà trí thức, chồng cũng là doanh nhân giàu có. Nhưng không may một năm sau đó, chồng bà khi trở về quê nhà lo việc làm ăn đã gặp tai nạn qua đời.
Cái chết của chồng khiến cả gia đình bà lao đao. Trước giờ không phải làm bất cứ việc gì nhưng lúc đó bà Vương phải làm việc cả ngày lẫn đêm để cho các con có thể ăn học nên người.
Ngay cả khi tài chính cạn kiệt, bà vẫn kiên định để các con tiếp tục đến trường dù khi đó gia đình đã chuyển đến vùng ngoại ô, phải đi bộ vài kilomet.
Cuối cùng, 13 người con của bà đều thành Tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực như: Khoa học, Kinh doanh, Nghệ thuật, Luật, Công nghệ, Tài chính,… Ba người trong số đó còn đoạt giải "10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất tại Mỹ". Bản thân bà Vương được cựu Tổng thống Mỹ Bush viết thư khen ngợi là "Người mẹ vĩ đại" và cựu Tổng thống Clinton chúc mừng sinh nhật lần thứ 100.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vực dậy từ khó khăn gian khổ giống như các con của bà Vương. Không phải gia đình nhà nghèo nào cũng cho con đi học bằng mọi giá thay vì nghỉ ở nhà kiếm tiền.
Vào ngày 22/8/2017, một nam thanh niên 23 tuổi ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc đã tự tử vì muốn đi học nhưng không được bố mẹ đồng ý.
Vì nhà nghèo nên anh này phải nghỉ học từ cấp 2 để đi làm. Sau đó, khi kinh tế gia đình khá hơn, anh muốn đi học lại thì bị cha mẹ phản đối. Bị xã hội coi thường anh cảm thấy bất lực và lựa chọn giải pháp tiêu cực.
Chúng ta thường nghĩ rằng khi khó khăn, con người sẽ có động lực vươn lên nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi chính là bức tường cản trở các cơ hội trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tầm nhìn, hiểu biết, giá trị và quan niệm về cuộc sống của bố mẹ và các thành viên gia đình cũng ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ sau.
Các gia đình giàu có không chỉ cho con cái tiền bạc mà còn truyền cho con sự hiểu biết, niềm tin, văn hóa,…
Năm 2016, Đại học Harvard công bố một kết quả nghiên cứu kéo dài 30 năm với 107 người ở Mỹ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, từ lao động đến thượng lưu. Theo đó, ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng, không chỉ về tiền bạc mà còn cả hôn nhân, khả năng cảm thông, mạng lưới xã hội.
Bố mẹ giàu có, con cái mới dễ dàng thành đạt
Trong nghiên cứu 30 năm nói trên, các giáo sư Đại học Harvard đã phân tích ảnh hưởng của gia đình tới cuộc đời trẻ ở các khía cạnh: Trình độ giáo dục của cha mẹ, tình trạng hôn nhân, khu vực sinh sống,…
Kết quả là điều kiện gia đình ảnh hưởng lớn tới khả năng tốt nghiệp đại học của một người. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình có thu nhập cực thấp thì dù bạn có đạt điểm tốt khi học cấp 2, cơ hội tốt nghiệp đại học vẫn ít hẳn so với những người có điểm số thấp nhưng sống trong gia đình thu nhập cao.
Bố mẹ có trình độ giáo dục cao thường khích lệ con cái học cao hơn. Giống như trường hợp của bà Vương.
Bên cạnh đó, mối quan hệ xã hội của bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trên con đường sự nghiệp của trẻ sau này. "Mây tầng nào gặp mây tầng ấy" – Bố mẹ có nhiều mối quan hệ xã hội tốt sẽ giúp đỡ con dễ dàng hơn khi tìm việc, chuẩn bị hồ sơ đi học hay lúc bệnh tật, đau yếu.
Còn những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bình dân thường không thiếu sự nỗ lực, nhưng cái họ thiếu là phương hướng, các mối quan hệ xã hội, sự trợ giúp từ bên ngoài.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa chính là kinh tế. Cha mẹ ở các gia đình tầng lớp cao có thể tiếp xúc với nhiều phương pháp dạy con mới, hay cho con học tập trong môi trường tốt nhất. So với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì con cái họ thường vượt trội hơn hẳn. Sự bất bình đẳng cứ thể tăng dần theo thời gian.
Thế mới thấy, tư tưởng "Đời này bố mẹ trông cậy hết vào con" là sai lầm. Muốn tốt cho con, bố mẹ hãy không ngừng nỗ lực và đừng đặt hết kỳ vọng vào thế hệ sau hay phàn nàn rằng thế hệ trước đã không để lại bước đệm cho mình. Thay vào đó, chính bố mẹ hãy trở thành điểm tựa tốt hơn cho con cháu sau này.