Giáo sư Đại học Sư phạm Hà Nội nói: Thi vào lớp 10 chỉ Toán - Văn - Anh gây mất cân bằng, đây là chuyện quốc gia đại sự
GS Thái cảnh báo, một quốc gia 100 triệu dân không thể phát triển nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ.
Hàng chục năm qua, khi thực hiện Chương trình 2006 thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở đa phần các địa phương thường lựa chọn có 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, rất ít địa phương lựa chọn các môn thi khác.
Đến thời điểm hiện tại có thể thấy, hầu hết địa phương chọn tiếng Anh là môn thứ ba thi lớp 10, bên cạnh Toán và Văn; duy nhất Hà Giang thi Lịch sử và Địa lý, ba Tỉnh còn lại xét tuyển.
Những môn học xuất hiện thường trực trong các kỳ thi vào lớp 10 như Toán, Văn, Anh luôn được học sinh, phụ huynh coi là môn chính, đầu tư về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, điều này sẽ dẫn đến các môn học khác bị coi là phụ, lơ là, ít đầu tư, cốt sao đủ điểm lên lớp, tốt nghiệp.
Việc học sinh chỉ tập trung vào các môn thi và học đối phó, qua loa các môn còn lại không chỉ khiến trẻ học lệch, dẫn đến sự thiếu cân bằng trong tư duy mà còn để lại hậu quả nguy hiểm đến tương lai sau này. Tuy nhiên, chính phụ huynh và học sinh không nhìn ra điều này, mà chỉ quan tâm đến vấn đề điểm số và thành tích trước mắt.

Ảnh minh họa
Mới đây, trong chương trình "Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018", GS Đỗ Đức Thái, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên chương trình môn Toán phổ thông, nêu lo ngại:
Thi lớp 10 với môn Toán, Văn, Anh khiến thầy trò bỏ bê một số môn tự nhiên, gây mất cân bằng cơ cấu đào tạo đại học, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực để đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, thông tin trên VnExpress.
Theo GS Thái, việc các địa phương chủ yếu sử dụng ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để tuyển sinh lớp 10 đã tạo ra nhiều hệ lụy. Tỷ lệ chọi cao (tại Hà Nội chỉ khoảng 60% thí sinh đỗ công lập) khiến học sinh, phụ huynh và nhà trường tập trung quá mức vào ba môn này ngay từ đầu cấp THCS, dẫn đến xem nhẹ các môn quan trọng khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Hậu quả là số học sinh chọn khối Khoa học tự nhiên khi lên THPT và thi tốt nghiệp ngày càng giảm. Số liệu từ Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ khoảng 37% thí sinh tốt nghiệp THPT năm ngoái chọn bài thi Khoa học tự nhiên, thấp hơn hẳn so với Khoa học xã hội. Xu hướng này tiếp tục ở bậc đại học khi ngành Kinh doanh và Quản lý chiếm tới 25% tổng số thí sinh nhập học, trong khi các ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin chỉ đạt 9% và 12%.
GS Thái cảnh báo, một quốc gia 100 triệu dân không thể phát triển nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ. Ông nhấn mạnh đây không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục mà là chuyện quốc gia đại sự, cần được nhìn nhận nghiêm túc, tránh để vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Giải pháp được GS đề xuất là cần thay đổi căn bản phương thức thi cử, đặc biệt ở kỳ thi vào 10. Thay vì "thi gì học nấy", cần chuyển sang "học gì thi nấy" bằng cách bổ sung bài thi tổ hợp đánh giá toàn diện các môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận việc thi vào lớp 10 với ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh trong nhiều năm gây ra một số hệ lụy, như tình trạng học lệch. Điều này có thể khiến học sinh thiếu hụt kiến thức và khả năng phát triển năng lực để học lên cao hơn.
Vì vậy, từ năm nay, quy chế tuyển sinh THCS, THPT do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ ngày 14/2 quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD-ĐT lựa chọn.
Quy chế quy định môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, quy định không cố định quá 3 năm đối với môn thi thứ ba của Bộ GD-ĐT vẫn nhận nhiều băn khoăn. Ý kiến không đồng thuận cho rằng, nếu như địa phương nào chỉ muốn thi môn thứ ba là tiếng Anh mà muốn không "phạm luật" thì có thể thi 3 năm liên tiếp là tiếng Anh, đến năm thứ tư sẽ thi một môn khác (nhẹ nhàng như Giáo dục công dân) rồi sau đó lại tiếp tục thi 3 năm môn tiếng Anh rồi... chờ Bộ GD-ĐT sửa quy chế.
Tổng hợp