Cô giáo đăng một bức ảnh lên trang cá nhân, phụ huynh bình luận: "Cô dạy ở đâu để tôi còn né", cư dân mạng tranh cãi dữ dội
Nhiều người cho rằng ở vai trò một giáo viên, hành động của cô giáo là không thể chấp nhận được.
Nhà giáo thường gắn với hình ảnh chỉn chu, mẫu mực bởi nhiệm vụ cao cả của các thầy cô giáo chính là "trồng người", dìu dắt những thế hệ mầm non của đất nước trên hành trình chinh phục cả kiến thức và định hình nhân cách. Giáo viên vì thế, luôn phải để ý từng ly từng tí đến việc giao tiếp đúng chuẩn mực sư phạm, có những biểu cảm, lời nói phù hợp... để làm gương cho học sinh của mình.
Tuy nhiên đó là chuyện trong trường học, còn với cuộc sống ngoài đời, hay trên trang cá nhân của mạng xã hội thì sao? Liệu phụ huynh có nên "soi" quá mức những chia sẻ riêng tư hay quan điểm cá nhân của người thầy người cô khi họ ở phía sau bục giảng? Câu hỏi này đang trở thành tâm điểm bàn luận khi một giáo viên đăng bài chúc mừng ngày 20/10 nhưng đính kèm bức ảnh được cho là nhạy cảm.
Theo đó, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, cô giáo mầm non ở Hà Nội đăng trên trang cá nhân lời chúc: "Hôm nay 20/10, chúc chị em mình ngoài lúc buồn ra thì luôn luôn vui vẻ nhé". Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói nếu bức ảnh cô đính kèm có nội dung "Đàn bà ai chẳng có lúc buồn" không gây cảm giác "lập lờ đánh lận con đen". Ba chữ cái trong bức ảnh được viết in hoa, phóng to và tô đậm hết mức, thoạt nhìn chỉ có thể nghĩ tới nội dung nhạy cảm, nếu không chú ý kĩ dòng chữ nhỏ xíu phía dưới. Nhiều người cho rằng, là một cô giáo mầm non, việc đăng tải hình ảnh thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội là điều không thể chấp nhận được.
Một số phụ huynh gay gắt cho rằng, mình nhất định không tin tưởng gửi con cho một giáo viên thiếu chuẩn mực sư phạm thế này: "Cá nhân mình sẽ xem xét cô dạy trường nào để né. Có cái có thể đùa nhưng với môi trường sư phạm luôn cần nghiêm túc cả trong dạy và cuộc sống"; "Cô giáo mà up thế này thì em tránh vội không dám gửi con. Không hiểu giỏi hay dạy con hay thế nào, ăn nói với người thân bạn bè thế nào cũng được, nhưng facebook như chỗ công cộng, làm giáo viên mà không để ý lời nói cũng xin ạ"...
Tuy nhiên, luồng ý kiến phản biện cho rằng giáo viên cũng là con người có cuộc sống riêng. Ở trường họ nghiêm túc, làm đúng chức trách phận sự, dạy con những điều hay lẽ phải là được, còn tự do ngôn luận là quyền của tất cả mọi người, giáo viên không là ngoại lệ:
"Cô không dạy con bạn nói tục là được còn hết giờ làm, không tương tác cùng trẻ thì quyền đùa cợt là của người ta. Giờ còn bận tâm đến ngôn từ ở nhà, ngoài đường hay ở chợ của cô nữa sao? Xã hội nào rồi còn mặc định nghề này thì được thế này, nghề kia không được thế kia chứ?", một giáo viên khác phản biện.
Thực tế không ít mâu thuẫn, căng thẳng hay nhiều tố cáo giữa giáo viên với nhau, với cấp trên, với phụ huynh, thậm chí với học sinh... cũng xuất phát từ những phát ngôn, thông tin trên facebook. Mạng xã hội được gọi là thế giới ảo nhưng không hề ảo. Những lời ăn tiếng nói, những phát ngôn trên đó có thể thể hiện con người thật, phông văn hóa thật của mỗi người. Tài khoản cá nhân không chỉ là cá nhân mà còn mang tính cộng đồng nếu để ở chế độ công khai. Giáo viên sử dụng mạng xã hội vì thế phải cẩn trọng với lời ăn tiếng nói gấp nhiều lần người khác vì hình ảnh, bình luận có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phụ huynh và học sinh.