Giãn cách xã hội: “Xiềng xích” trong căn nhà lạnh hay hạnh phúc trong tổ ấm ngập thương yêu, bạn chọn điều gì?
Còn thời điểm nào thích hợp hơn để chúng ta thực hiện triệt để điều mà chúng ta vẫn luôn nói, thời còn tung tẩy đi làm, đi chơi mỗi ngày: Gia đình là quan trọng nhất?
Gieo tích cực, gặt niềm vui
Những ngày tháng tư đã trôi qua quá nửa. Những ngày trẻ con nghỉ học ở nhà tránh dịch đã ngót ba tháng. Những mùa hoa đã trôi từ đào, quất sang hoa sưa, hoa gạo, loa kèn cho đến mùa phượng sắp nở. Chúng ta đã bước vào năm 2020 với nhiều hứa hẹn, chúng ta đã mong đợi những điều tốt đẹp và những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc sẽ đến trong một năm mà tên của nó vang lên như lời reo hồi xuân “hai mươi hai mươi”.
Nhưng rồi Covid-19 đổ ập vào tất thảy, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của chúng ta, từ công việc đến nhu cầu giải trí. Nó khiến nhiều nơi trên thế giới lao đao, có những thành phố đã bị phong tỏa, có những nơi áp dụng cách ly toàn xã hội.
Cách ly xã hội là một trong những phương thức hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu tốc độ lây lan của dịch Covid-19. Dù có ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, chúng ta không thể không tuân theo. Trong khi nhiều người còn được an toàn ở nhà, có những người căng mình lên chống dịch, 2 triệu người khác trên thế giới đã nhiễm bệnh, có cả những người đã tử vong. Cũng có những người khác bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, không phải về sức khỏe, mà là suy giảm kinh tế, mất việc và thiếu ăn.
Tuy nhiên, như một đồng xu, một tờ giấy, cuộc sống luôn có hai mặt. Như lời thơ Lưu Quang Vũ viết:
“Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?”
Ngay cả trong “bóng tối” của cơn đại dịch đang nhăm nhe làm suy sụp cuộc sống loài người, những nụ cười vẫn được vang lên. Rồi cùng với thảm họa, lòng tốt, sự hào hiệp cũng có ở khắp mọi nơi.
Người có chút điều kiện thì tổ chức phát khẩu trang, thức ăn miễn phí, quyên tặng tiền chung tay chống dịch, ATM gạo cho người nghèo. Những người chẳng lấy gì làm dư dả cũng đi hàng chục cây số tặng cây nhà lá vườn cho những trung tâm cách ly. Ngay cả những người nước ngoài tại Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình… Đó là những sự đẹp đẽ, từ bi đến khó tin.
Với những người đang dần chán nản, uể oải vì phải ngồi ở nhà quá lâu, đặc biệt là vào những ngày thời tiết đẹp trời hay những dịp quan trọng như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới... người ta đã “cứu” tinh thần nhau bằng những điều xinh đẹp khác.
Những diễn đàn mới toanh được lập ra như trăm hoa đua nở. Nào là những hội nhóm Yêu bếp, Nghiện nhà, Nghiện vợ với những hình mẫu chồng/vợ nhà người ta… đáng ngưỡng mộ. Người ta khoe những món ăn, thức uống nhà làm xịn chẳng kém món ở khách sạn 5 sao, những góc decor tại gia mà đẹp như homestay… làm tăng hương vị gia đình sum vầy, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho những ngày phòng chống dịch tại gia.
Rồi cũng có những không gian trần thế đúng nghĩa như Ghét bếp, không nghiện nhà, nơi những món ăn kém bắt mắt, những tình huống thất bại trong hành trình chinh phục việc nhà lại được phô bày theo một cách không thể hài hước hơn. Chẳng ai tự ti hay sầu não, mà chỉ có những tiếng cười hài hước và sự cổ vũ chân tình để có thêm động lực ở nhà cách ly.
Để rồi, đằng sau tiếng cười dí dỏm cho người trong cuộc lẫn những “đồng âm” chưa bao giờ giáp mặt trên mạng xã hội, người ta nhận ra dù bừa bộn hay vụng về, ai cũng nghiện nhà mình và không ghét bếp đến thế. Người ta nhận ra, bếp nhà ấm hay nguội chẳng phải bởi phụ nữ có chăm nổi lửa hay không, mà do họ có tìm được niềm vui, động lực để vào bếp với tình yêu không thôi.
Hạnh phúc đến từ việc… ở nhà
Dù “bên ngoài” đầy những niềm vui, việc những ngày cách ly xã hội có ổn hay không thực ra phụ thuộc vào chính bạn. Nếu con người xã hội giục chúng ta sốt sắng, cuồng chân vì không được ra đường, thì con người nội tâm sẽ dạy ta cách thích nghi với việc… ở nhà. Nhất là khi trong dịch Covid-19, ở nhà không chỉ vì bản thân bạn mà còn vì cả xã hội, vì các bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch với thông điệp nhắn gửi rất rõ ràng “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng tôi”.
Đã từng có rất nhiều dịch bệnh trong lịch sử nhân loại và con người đã vượt qua bằng cách này hay cách khác. Gạt bỏ những tác hại đầy đau thương, dịch bệnh lần này có thể xem là cơ hội gắn kết chúng ta gần với nhau hơn.
Nhìn trên bình diện quốc tế, đó là khi các quốc gia hỗ trợ, nương dựa, chia sẻ lẫn nhau về kiến thức, nhân lực, vật chất để cùng vượt qua Covid-19. Nhìn sâu vào mỗi gia đình, đó là khi người ta “bị buộc phải” dành nhiều thời gian cho người thân yêu. Và với mỗi cá nhân, những ngày cách ly xã hội nhắc nhở rằng, chúng ta ai cũng dễ tổn thương như nhau dù địa vị xã hội, tiền bạc như thế nào.
Trước đây, những gánh nặng cơm áo gạo tiền đã cuốn hầu hết chúng ta vào guồng quay của công việc, để rồi không biết rằng cha mẹ mình đã già đi như thế nào hay con cái đã trải qua tuổi dậy thì ra sao. Ta giao phó cha mẹ già, con nhỏ cho người giúp việc, cho nhà trường để có thời gian kiếm tiền, giao thiệp xã hội. Và bây giờ, chúng ta có nhiều thời gian dành cho họ hơn.
Ở một ngôi nhà nọ, một chị vợ đã thổ lộ, sau 2 tuần cách ly bỗng dưng... yêu chồng hơn. Ngày thường, một mình chị xoay xở với cả đàn con, vừa đi làm vừa đưa đón con học chính học thêm, tắm táp cơm nước bù đầu; còn chồng đi làm tới tối mịt mới về, có những cuối tuần anh còn đi tennis, nhậu nhẹt với đối tác. Nghĩ đến là thấy ghét, tình yêu nhạt toẹt, tình cảm bố con cũng mờ mờ nhân ảnh.
Nay thì anh ở nhà suốt, ngoài lúc giải quyết công việc thì vợ chồng có thời gian thủ thỉ chuyện trò, chị uống trà anh nhấm nháp cafe. Chiều chiều bố con cùng tập patin, tập võ trong nhà. Tối tối, sau khi học online, lũ trẻ đã mệt nhoài vì chơi với bố, xới đất tưới cây, trồng hoa và ríu rít kể chuyện cả ngày đi ngủ sớm, còn anh chị ôm nhau cùng xem phim.
Và thế là chị bỗng yêu những ngày ở nhà cách ly, yêu gian bếp nhỏ, yêu hơn người đàn ông thường ngày "khô khan", chỉ biết đến công việc. Và chị bất giác đẹp hơn, vui vẻ hơn, đến mức đồng nghiệp nhìn qua tấm ảnh, đọc dăm ba câu chat đã phát hiện ra.
Không hẳn chỉ vì giảm tải được xuôi ngược ngày dăm bảy bận đón con chợ búa, không hẳn vì chăm chỉ lùa chồng con cùng tập yoga, đốt mỡ mỗi chiều, không hẳn vì lũ con đã biết tự giác dọn nhà, lau cửa mà chẳng phải quát quàng quạc như mọi ngày… mà vì thấy đủ. Hóa ra, khi được no đủ yêu thương, phụ nữ tự khắc hạnh phúc, tự khắc tràn đầy năng lượng để chăm sóc gia đình.
Ở một mái nhà khác, người đàn ông trung niên chợt nhận ra đôi mắt đục của bà mẹ ngoài 70 đã lẫn của mình bỗng ánh lên nét hạnh phúc bởi chứng kiến con cháu tề tựu đông đủ. Những bữa cơm thay vì chỉ có mình cụ và người giúp việc, vì cụ cứ cà kê lẩm bẩm mãi những câu chuyện cũ mà chẳng ai có thời gian nghe, nay rôm rả tiếng cười nói, bàn xem “ngày mai ăn gì” thay vì mua sẵn như thường lệ.
Người đàn ông ấy chợt hiểu, những lần kết tội vợ "chỉ ở nhà cơm nước, chăm mẹ mà cũng vẽ vời thuê giúp việc" lạnh lùng nhường nào, khi quán hàng đóng cửa, ông và con trai "bị bắt" giúp đỡ việc nhà. Ông cũng nhận ra, vợ mình đã vất vả nhường nào để giữ bà cụ không còn tự chủ việc cá nhân được khỏe mạnh và sạch sẽ, có được nụ cười móm mém sau những nhớ nhớ quên quên. Hóa ra, người phụ nữ có "năng lực thần kỳ" và vai trò quan trọng nhường ấy trong kết nối gia đình.
Với nhiều người còn trẻ khác, khi mà ở nhà, công việc không phải yếu tố duy nhất cần phải “take away”, ngoài việc dành thời gian chăm chút người khác, người ta cũng có thời gian hơn cho các sở thích cá nhân.
Có người đã đọc thêm được vài cuốn sách mua từ lâu, bụi đóng trên kệ mà cứ tự hứa “sẽ sờ đến khi rảnh”. Hoặc thậm chí, chỉ cầm ngủ những giấc thật ngon mà không sầu muộn, không kiệt sức sau khi dành thời gian quá nhiều bên bàn phím đã đủ hạnh phúc rồi.
Vậy đó, tiêu phí thời gian vào than thở, buồn bã hay tạo cớ cho não bộ vận động, suy nghĩ, tạo ra những giá trị mới và hạnh phúc mới, đó là lựa chọn của bạn. Dù bạn không làm gì hay làm rất nhiều trong một phút thì cũng có sáu mươi giây đã trôi qua vĩnh viễn.
Thời gian sẽ chẳng bao giờ chờ đợi chúng ta trưởng thành để hiểu được nó quan trọng đến cỡ nào. Vì vậy, đừng để nó trôi đi một cách vô ích như bao nhiêu năm nó đã đi qua như vậy. Hết dịch rồi, chúng ta lại trở về với guồng quay cũ, trẻ con đi học, người lớn đi làm, người già gặm nhấm ký ức. Nhưng gia đình thì sẽ khác, là tổ ấm hay tổ lạnh là do cách mà ta và những người phụ nữ quanh ta ứng xử trong những ngày này đó.
Hơn cả, những ngôi nhà ngập tràn niềm vui hay những “doanh trại hạnh phúc” thế này còn là hậu phương vững chắc nhất và cách thiết thực nhất để mỗi gia đình, mỗi cá nhân góp sức cùng đất nước, cùng các bác sĩ đẩy lùi dịch bệnh. Gia đình hạnh phúc, dịch bệnh bị đẩy lùi, đó chẳng phải là điều tuyệt vời mà phụ nữ có thể làm được hay sao?!
Trong chuỗi ngày đầy biến động này, aFamily khởi động chiến dịch “Doanh trại hạnh phúc” nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ các gia đình. Chúng tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng, nơi phụ nữ có thể cùng chia sẻ hỗ trợ cho nhau, đồng thời cũng là hỗ trợ cho Tổ Quốc cùng chống lại đại dịch Covid-19.
Nếu coi khoảng thời gian này chính là một trận chiến chống lại giặc Covid-19 thì mỗi chúng ta, ai cũng là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một “doanh trại tại gia”. Hành trang trong tay là ý thức vì cộng đồng, vũ khí của chúng ta là sự đoàn kết. Nếu các bác sĩ, những đội ngũ y tế là lực lượng tiền tuyến thì chúng ta chắc chắn sẽ là những chiến sĩ hậu cần.
“Doanh Trại Hạnh Phúc" là một chuỗi các thử thách để đánh giá các doanh trại có thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 hay không. Các thử thách được chia thành 4 nhóm chủ đề:
Tập huấn Khỏe tại gia: Những phút giây gia đình tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
Tập huấn Bếp chúng mình: Những hoạt động xoay quanh các bữa ăn hàng ngày của gia đình như đi chợ, lên thực đơn dinh dưỡng, chế biến món ăn,...
Tập huấn Nhà yêu dấu: Các chiến sĩ cùng nhau làm việc nhà: dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, …
Tập huấn Vui tuyệt đỉnh: Những hoạt động giải trí, trải nghiệm khác của gia đình như trồng cây, làm đồ chơi từ những vật dụng cũ,...
Các doanh trại được chọn bất cứ thử thách nào để tham gia cuộc thi. Không giới hạn số lượt gửi bài dự thi, càng tham gia nhiều thử thách cơ hội trúng giải càng cao. Doanh trại chia sẻ hình ảnh/video quá trình thực hiện thử thách kèm 1 đoạn mô tả tối thiểu 100 chữ về câu chuyện cách ly tại gia của gia đình mình. Nội dung hợp lệ là cần đảm bảo yếu tố an toàn trong mùa dịch.
Các bài dự thi sẽ được đăng tải trên website của cuộc thi và được bình chọn để trao giải thưởng.
Vừa chung tay đẩy lùi "giặc" Covid-19, lại vừa nhận về những phần quà giá trị, các doanh trại còn chờ gì mà không tham gia ngay thôi! Thông tin chi tiết về chiến dịch độc giả xem tại: dthp.vn