Giám khảo IELTS kể chuyện thí sinh học vẹt: "12 em thi Nói thì tận 8 em kể chuyện "bà qua đời" sau khi làm tặng cháu chiếc bánh"

Thanh Hương,
Chia sẻ

Trong tổng số 12 thí sinh nhận cùng đề bài, có 8 người kể y nguyên câu chuyện về chiếc bánh cầu vồng của bà.

Bài viết được chia sẻ bởi Reme - một giám khảo IELTS có kinh nghiệm làm việc từ năm 2017:

Tôi tên là Reme, thuộc thế hệ 8X, đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã trở thành giáo viên, chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em từ nhiều quốc gia khác nhau. Năm 2016, tôi vượt qua kỳ thi tuyển chọn và chính thức trở thành giám khảo IELTS. 

Để trở thành giám khảo IELTS, ứng viên phải đáp ứng những tiêu chí vô cùng nghiêm ngặt, bao gồm: có tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, đạt 9.0 IELTS ở cả hai kỹ năng Writing và Speaking, có ít nhất 10 năm học tập tại nước ngoài, sở hữu hộ chiếu của một trong các nước thuộc khối Liên bang Anh, Mỹ hoặc Canada.

Mỗi ngày, giám khảo phải đến địa điểm do công ty chỉ định để tổ chức thi cho từng thí sinh. Toàn bộ quá trình hỏi – đáp đều diễn ra bằng tiếng Anh.

Ban đầu, giám khảo sẽ hỏi về các thói quen sinh hoạt hàng ngày, sau đó dần dần tăng mức độ khó để kiểm tra khả năng phản ứng linh hoạt của thí sinh. IELTS không chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức tiếng Anh mà còn đánh giá khả năng giao tiếp thực tế.

Giám khảo IELTS kể chuyện thí sinh học vẹt: "12 em thi Nói thì tận 8 em kể chuyện "bà qua đời" sau khi làm tặng cháu chiếc bánh" - Ảnh 1.

Giám khảo IELTS Reme

Bài thi Nói (Speaking) của IELTS gồm 3 phần: Phần 1 - Giới thiệu bản thân và các chủ đề quen thuộc; Phần 2 - Miêu tả một sự vật hoặc sự kiện; Phần 3 - Câu hỏi mang tính tư duy và lập luận. 

Đây là phần khó nhất, yêu cầu thí sinh phải có tư duy logic và khả năng diễn đạt tốt. Ví dụ, với chủ đề "Thể thao dưới nước" (Water sports), giám khảo có thể đặt câu hỏi theo mức độ tăng dần:

- "Can you tell me the most popular water sport in China?" (Môn thể thao dưới nước phổ biến nhất ở Trung Quốc là gì?) => "Can you tell me the difference between water sports in China and those abroad?" (Sự khác biệt giữa thể thao dưới nước ở Trung Quốc và nước ngoài là gì?) => "Why are oceans the least explored areas of the world?" (Tại sao đại dương là khu vực ít được khám phá nhất trên thế giới?).

Rất nhiều thí sinh bị mắc kẹt ở mức 5.5 điểm do cách diễn đạt mang nặng phong cách dịch từ tiếng mẹ đẻ, nội dung không liên quan đến câu hỏi hoặc phát âm quá khó hiểu. Để đạt 7.0 trở lên, thí sinh cần có khả năng nói tiếng Anh một cách tự nhiên, rõ ràng, sử dụng từ vựng chính xác và có tính logic.

Dở khóc dở cười với những thí sinh học vẹt

Trong quá trình làm việc, tôi phát hiện ra rất nhiều bất cập trong hệ thống đào tạo IELTS tại các trung tâm luyện thi. Nhiều nơi dạy học viên mẹo gian lận, thậm chí có cả dịch vụ thi hộ.

Trong phòng thi, tôi cũng từng gặp nhiều tình huống bất ngờ. Có thí sinh nhảy múa và rap ngay trên ghế, có người vì quá căng thẳng mà nôn mửa tại chỗ, thậm chí có người sụp đổ tinh thần, bật khóc và bỏ thi giữa chừng.

Qua quá trình quan sát, tôi nhận ra có nhiều hiểu lầm giữa giám khảo và thí sinh.

Giám khảo thường cho rằng thí sinh gian lận, vì nhiều câu trả lời giống nhau đến mức đáng ngờ. Thí sinh nghĩ giám khảo cố tình chấm điểm thấp, vì kỳ thị thí sinh Trung Quốc.

Trên thực tế, nhiều trung tâm luyện thi ở Trung Quốc có phương pháp giảng dạy sai lệch: dự đoán đề thi dựa trên các bài thi trước đó và bắt học viên học thuộc đáp án. Điều này không giúp thí sinh cải thiện khả năng nói mà còn khiến họ bị mắc kẹt ở mức 5.5 điểm, do giám khảo phát hiện họ chỉ đơn thuần "học vẹt" mà không có khả năng giao tiếp thực sự.

Có lần, tôi đến Hạ Môn làm giám khảo trong 3 ngày liên tiếp, với tổng cộng 60 thí sinh tham gia kỳ thi Nói. Trong phần thi, một đề bài yêu cầu thí sinh mô tả "Một chiếc bánh đặc biệt mà bạn đã ăn gần đây".

Thí sinh đầu tiên kể rằng người bà thân yêu đã làm một chiếc bánh gato cầu vồng cho cậu, nhưng sau đó bà qua đời, khiến cậu vô cùng đau buồn. Nghe câu chuyện cảm động này, tôi đã cộng thêm 0.5 điểm, giúp cậu ấy đạt 6.0 điểm

Thí sinh thứ hai nhận được cùng đề bài, và tôi ngỡ ngàng khi cậu ấy kể câu chuyện giống hệt thí sinh trước đó. 

Trong tổng số 12 thí sinh nhận cùng đề bàicó 8 người kể y nguyên câu chuyện về chiếc bánh cầu vồng của bà.

Rõ ràng, đây là câu trả lời do trung tâm luyện thi dạy học viên học thuộc. Do đó, tôi chỉ có thể chấm những thí sinh này 5.0 đến 5.5 điểm, vì họ không thể hiện khả năng giao tiếp thực sự.

Giám khảo IELTS kể chuyện thí sinh học vẹt: "12 em thi Nói thì tận 8 em kể chuyện "bà qua đời" sau khi làm tặng cháu chiếc bánh" - Ảnh 3.

Reme có nhiều năm kinh nghiệm làm giám khảo IELTS

Tình trạng gian lận trong các kỳ thi quốc tế

Không chỉ IELTS, nhiều kỳ thi quốc tế khác như TOEFL và PTE cũng có những lỗ hổng tạo cơ hội cho gian lận.

TOEFL: Hệ thống chấm thi của TOEFL chủ yếu do máy tính đánh giá, chỉ quan tâm đến ngữ pháp và cấu trúc câu, không đánh giá được tư duy logic. Có người từng làm một thí nghiệm, viết một bài luận TOEFL không có chút logic nào, nhưng ngữ pháp hoàn hảo. Kết quả, bài thi vẫn đạt 29/30 điểm. 

PTE: Một lỗ hổng kỳ lạ của kỳ thi này là điểm số phụ thuộc vào âm lượng giọng nói. Nếu giọng quá nhỏ, điểm sẽ thấp. Nếu giọng lớn và rõ ràng, điểm sẽ cao hơn.

Đối với IELTS, ban đầu một số thí sinh cố tình thi hộ bằng cách hóa trang để giống người dự thi, nhưng cách gian lận này rất dễ bị phát hiện và bị cấm thi vĩnh viễn.

Sau đó, nhiều thí sinh Trung Quốc đến một số nước Đông Nam Á khác để thi IELTS, vì họ tin rằng giám khảo nước ngoài chấm dễ hơn. Họ học thuộc câu trả lời từ trước, sau đó vào phòng thi chỉ cố tình trả lời sai một vài câu để tránh bị nghi ngờ.

IELTS phát hiện ra điều này và bắt đầu cử giám khảo từ Trung Quốc sang để giám sát kỳ thi, giúp hạn chế gian lận.

Kỳ thi IELTS chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến

Sau đó, IELTS thay đổi hình thức thi từ trực tiếp sang trực tuyến, với phần thi Nói diễn ra qua video call. Điều này có 3 tác động lớn:

Thí sinh Trung Quốc không còn bị giới hạn bởi giám khảo trong nước – họ có thể gặp giám khảo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, hoặc thậm chí là giám khảo Anh, Mỹ. 

Giám khảo Trung Quốc cũng được phân công chấm thi cho thí sinh nước ngoài, giúp xóa bỏ định kiến về việc "giám khảo Trung Quốc chấm điểm thấp hơn giám khảo nước ngoài". 

Gian lận trở nên khó hơn, vì hệ thống giám sát chặt chẽ hơn, giúp đảm bảo tính công bằng tuyệt đối.

Kết quả, những thí sinh đạt điểm cao đều là những người thực sự có khả năng, còn những người điểm thấp cũng không thể đổ lỗi cho giám khảo mà cần tự trau dồi thêm kỹ năng.

Lời khuyên hữu ích cho thí sinh IELTS

Sau nhiều năm làm giám khảo, tôi rút ra một số kinh nghiệm có thể giúp các bạn đạt điểm cao hơn:

Luyện Speaking & Writing cùng lúc: Phần Writing Task 2 và Speaking Part 3 có nội dung khá giống nhau. Nếu bạn chuẩn bị tốt Writing Task 2, bạn cũng sẽ dễ dàng xử lý câu hỏi Speaking Part 3.

Cách xử lý nếu không nghe rõ giám khảo: Nếu không nghe rõ câu hỏi, đừng nói"Pardon?" hay "Can you say that again?" Thay vào đó, hãy nói: "Can you increase the volume a bit?" (Bạn có thể nói lớn hơn một chút không?) Điều này giúp giám khảo hiểu rằng bạn không gặp vấn đề về khả năng nghe, mà chỉ là âm lượng nhỏ.

Không nên nói bạn là giáo viên tiếng Anh, phiên dịch viên hoặc chuyên ngành tiếng Anh: Nếu bạn nói mình làm việc trong lĩnh vực ngôn ngữ, giám khảo sẽ kỳ vọng cao hơn và đề thi có thể trở nên khó hơn.

Không làm những hành động thừa thãi khi thi viết: Khi giám thị nói "Stop writing", hãy dừng ngay lập tức. Nếu bạn tiếp tục viết, giám thị có thể nghĩ rằng bạn đang đánh dấu bí mật trên bài thi, khiến bài thi bị kiểm tra lại trong 1-2 tháng, thậm chí bị hủy.

Giữ thái độ chuyên nghiệp khi thi Nói: Đừng cố cười nhiều hay nịnh giám khảo, điều này có thể khiến họ nghĩ bạn đang cố gắng thao túng điểm số.

Chia sẻ