Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Lạm thu ở trường học có trách nhiệm của hiệu trưởng
Ngày 10-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - xoay quanh chuyện lạm thu trong trường học trên địa bàn thời gian qua.
Họp phụ huynh ở một trường trên địa bàn TP.HCM đầu năm học - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Hiếu nói: "Có một thực tế cần nhìn nhận là hiện nay ngân sách nhà nước chi cho các đơn vị giáo dục chỉ đủ để trang bị theo nhu cầu cơ bản. Vì vậy, các trường luôn cần những khoản hỗ trợ ngoài ngân sách để xây dựng và giữ gìn môi trường học đường xanh - sạch - đẹp, hiện đại và tiện nghi.
Ví dụ ngân sách chỉ có thể cấp kinh phí để trang bị quạt máy cho các phòng học. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ở TP.HCM thường xuyên nóng nực, sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi khá cao nên học sinh có nhu cầu được học trong phòng có máy lạnh.
Muốn như thế thì không còn cách nào khác là xã hội hóa. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã có từ lâu và đã được thể hiện rõ trong các văn bản hướng dẫn từ cấp trung ương đến địa phương.
Vậy nhưng nhiều trường khi thực hiện xã hội hóa lại vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phụ huynh học sinh - nhất là thời điểm đầu năm học. Đó là vì họ đã làm sai quy định. Việc xã hội hóa phải được thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh thì một số trường bằng cách này hay cách khác ép phụ huynh phải đóng cho đủ.
Đáng lẽ việc vận động phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện, dựa trên khả năng của từng gia đình nhưng một số trường lại đưa ra mức thấp nhất phải đóng; có trường còn lấy danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền.
Chưa kể dịp đầu năm học là dịp phụ huynh rất áp lực, họ phải lo nhiều khoản phí để con em đến trường. Vậy mà có trường lại thu gộp tất cả các khoản lại thành một số tiền lớn. Những cách làm như vậy là không thể chấp nhận được".
Ông Nguyễn Văn Hiếu
Ban đại diện một số trường bị "biến tướng"
* Thưa ông, sau những lùm xùm về tình trạng lạm thu vừa qua, nhiều người đã cho rằng không nên duy trì ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường mầm non và phổ thông, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp với trường để giáo dục học sinh, giúp các em phát triển năng lực và phẩm chất. Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đã rõ vấn đề này.
Và trên thực tế, ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường, nhiều lớp đã làm rất tốt vai trò theo đúng như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Họ không chỉ hỗ trợ trường về vật lực mà còn hỗ trợ về trí lực, cầu nối vững chắc giữa phụ huynh và trường để giáo dục học sinh một cách hiệu quả.
Tôi được biết có phụ huynh là bác sĩ đã thực hiện các buổi báo cáo chuyên đề, hướng dẫn học sinh về phương pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Có phụ huynh là nhà khoa học thì đến trường nói chuyện, truyền cảm hứng cho học sinh về nghiên cứu khoa học đồng thời hỗ trợ học sinh tìm tài liệu, tìm phòng thí nghiệm, gợi ý đề tài nghiên cứu... Có phụ huynh là kỹ sư đã hỗ trợ nhà trường để tổ chức những buổi ngoại khóa cho học sinh tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy mình đang làm việc...
Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường đã và đang bị biến tướng, khiến cho các phụ huynh lầm tưởng rằng ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lập ra các khoản thu rồi đi thu tiền. Thêm vào đó, cách thu quỹ theo kiểu "cào bằng", ép buộc đã khiến cho nhiều người có suy nghĩ tiêu cực về ban đại diện cha mẹ học sinh.
* Như vậy, theo ông, tại sao lại có tình trạng trên? Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ làm gì để đưa hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh về đúng vị trí - vai trò của mình?
- Đó là do ban giám hiệu nhà trường mà vai trò quyết định chính là người hiệu trưởng. Hiệu trưởng không thể đứng ngoài hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh mà phải định hướng và chịu trách nhiệm liên đới. Trong đó có cả việc lập kế hoạch hoạt động cũng như thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Người đứng đầu và có trách nhiệm cao nhất ở các đơn vị trường học là hiệu trưởng. Ban đại diện cha mẹ học sinh cần trao đổi và thống nhất với hiệu trưởng về kế hoạch hoạt động chứ trường không thể để cho ban đại diện cha mẹ học sinh muốn làm gì thì làm.
Vì vậy, nếu để xảy ra lạm thu, dù là ban đại diện cha mẹ học sinh thu thì hiệu trưởng nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm. Như đã nói ở trên, năm nay, Sở GD-ĐT TP sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm thu.
Rà soát tình hình thu chi ở các trường
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Sở GD-ĐT TP.HCM đang tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thu - chi ở các trường trên địa bàn TP chứ không chỉ ở các trường bị nêu tên trên báo. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm những sai phạm trong thu - chi, tạo niềm tin của phụ huynh đối với ngành GD-ĐT TP.HCM.
Trách nhiệm của hiệu trưởng
* Đã có hiệu trưởng nào bị kỷ luật vì lạm thu chưa, thưa ông?
- Việc kỷ luật phải xử lý theo đúng quy trình về quản lý cán bộ - công chức - viên chức chứ không thể làm một cách cảm tính. Hiện sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn về thu - chi, ngay cả hoạt động thu tài trợ cũng đã có hướng dẫn rõ ràng.
Việc để xảy ra tình trạng lạm thu là trách nhiệm của hiệu trưởng, có thể vì buông lỏng quản lý nên không kiểm soát hết, cũng có thể vì muốn thu cho đủ, thu cho bằng được.
Thời gian vừa qua, khi dư luận bức xúc về cách thu các khoản phí đầu năm của một trường THPT, Sở GD-ĐT TP đã ra văn bản nghiêm khắc phê bình hiệu trưởng trường này vì chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính và hướng dẫn thu chi đầu năm học 2022-2023.
Việc phê bình này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân hiệu trưởng nhà trường mà cả cấp ủy chi bộ, công đoàn... cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc đánh giá quý và xếp loại thi đua cuối năm.
* Có ý kiến cho rằng thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Theo tôi thì nên sửa thông tư 55 theo hướng thoáng hơn, tạo điều kiện để phụ huynh chăm lo tốt hơn cho con em mình.
Ví dụ thông tư 55 yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của gia đình người học để bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Tôi cho rằng những khoản này nên cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ nhà trường vì tất cả là nhằm phục vụ cho học sinh.
Cần hiểu đúng và đủ về xã hội hóa giáo dục
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết lâu nay nhiều cán bộ quản lý vẫn còn lầm tưởng rằng xã hội hóa giáo dục tức là vận động phụ huynh đóng góp tiền bạc để trang bị, mua sắm, tu bổ cơ sở vật chất cho nhà trường.
Như vậy là chưa đủ, xã hội hóa giáo dục còn là huy động nhân lực, trí lực từ các lực lượng để nhà trường giáo dục học sinh hiệu quả hơn, để tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh phát huy tốt nhất năng lực và phẩm chất...
Phụ huynh đóng các khoản tiền đầu năm học cho con - Ảnh: TỰ TRUNG
Xã hội hóa không chỉ là vận động phụ huynh mua sách tặng thư viện nhà trường mà có thể nhờ phụ huynh là kiến trúc sư thiết kế lại thư viện sao cho bắt mắt, thoáng đãng, thu hút học sinh vào đọc sách; là nhờ phụ huynh thuộc các ngành nghề khác nhau đến nói chuyện với học sinh để hướng nghiệp...
Ngoài ra, nhiều trường vẫn chỉ thực hiện xã hội hóa từ một đối tượng duy nhất: phụ huynh học sinh. Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng giỏi họ còn tìm được nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp...