Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nêu thực trạng đáng lo ngại cận Tết

Ngô Tùng,
Chia sẻ

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, ngành an toàn thực phẩm bảo đảm thực phẩm sạch đối với những hệ thống hợp pháp (siêu thị, chợ truyền thống) xuyên suốt trong năm, tuy nhiên hiện đang tồn tại việc buôn bán bất hợp pháp vỉa hè, lòng lề đường dẫn đến những nguy cơ lớn.

Sáng 28/1, Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”.

Trao đổi những vấn đề cử tri, bà con nhân dân quan tâm về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán , bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết: Từ lúc còn là Ban Quản lý An toàn thực phẩm , đơn vị đã có kế hoạch kiểm tra trước Tết, tập trung vào các kho bãi, các cơ sở sản xuất.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nêu thực trạng đáng lo ngại cận Tết - Ảnh 1.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan trao đổi tại chương trình.

Sau khi chính thức thành lập, Sở An toàn thực phẩm đã lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành và phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành của quận huyện tập trung vào những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, cũng như chuẩn bị ứng phó với những vấn đề có thể xảy ra ở các lễ hội để người dân được an toàn khi sử dụng thực phẩm trong dịp tết.

Theo bà Phong Lan, có một thực trạng hết sức lo ngại hiện nay. Theo đó, ngành an toàn thực phẩm bảo đảm đối với những hệ thống hợp pháp (siêu thị, chợ truyền thống) xuyên suốt cả năm, gắn với việc “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, hiện tại việc buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng lề đường dẫn đến những nguy cơ lớn.

“Thực trạng này đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, tận gốc. Cho nên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có ý thức và đồng thuận của người dân để ủng hộ cho những sản phẩm hợp pháp, bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ sức khỏe cho chính mình”, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nêu thực trạng đáng lo ngại cận Tết - Ảnh 2.

Ngành chức năng thành phố kiểm tra thịt heo (lợn) nhập chợ đầu mối trước khi cung ứng đến người tiêu dùng. Ảnh: Ngô Tùng

Bà Lan cũng kêu gọi người dân nếu gặp phải sự cố về mất an toàn thực phẩm thì có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm (028.39.301.714) để phản ánh. Đường dây này có người túc trực xuyên tết để giải quyết kịp thời tất cả các trường hợp.

Nhìn nhận nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho rằng, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến hết sức phức tạp.

Do đó, ngay từ giữa tháng 11/2023, Cục QLTT TPHCM đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, hàng gian hàng giả những tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán, trong đó tập trung vào những mặt hàng cấm, mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn, trật tự xã hội, những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân (quần áo, giày dép, bia rượu, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, sản phẩm làm quà tặng).

Bên cạnh đó, cục cũng chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đặc biệt là những địa bàn trọng tâm trọng điểm, những địa bàn nổi cộm, các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà sản xuất, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Cam kết ổn định giá hàng hóa một tháng trước và sau tết

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết dịp tết năm nay, nguồn hàng phục vụ có những thuận lợi về thời tiết nên sản lượng hàng hóa sản xuất rất cao.

Mặt khác, năm nay có đến 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá. Đây là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nêu thực trạng đáng lo ngại cận Tết - Ảnh 3.

Trước Tết Nguyên đán, HĐND TPHCM tổ chức nhiều tổ công tác khảo sát công tác chuẩn bị hàng hóa, các hoạt động chuẩn bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân tại các đơn vị. Ảnh: Ngô Tùng

Cũng theo ông Phương, lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị tới nay có tổng giá trị lên đến 22.000 tỷ đồng, trong đó riêng hàng bình ổn thị trường là 8.000 tỷ đồng…

“Các doanh nghiệp cũng cam kết giữ ổn định giá một tháng trước và sau tết”, ông Phương nói và cho hay sức mua hiện chưa tăng cao, nhưng sẽ tăng dần đến thời điểm cận tết.

Chia sẻ