Giải đáp thắc mắc về viêm cổ tử cung cho chị em

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, viêm lộ tuyến cổ tử cung và có khả năng biến chứng gây ung thư cổ tử cung.

Sau một thời gian sinh con, em thấy dịch âm đạo ra nhiều hơn bình thường, sau mỗi lần "gần gũi" chồng em bị đi tiểu buốt. Em đi khám thì bác sĩ chẩn đoán viêm cổ tử cung. Sau khi điều trị, em vẫn bị đi tiểu buốt. Bác sĩ cho em hỏi em đã khỏi viêm chưa? Và viêm cổ tử cung có ảnh hưởng như thế nào, có thể chữa khỏi được không? Em xin cảm ơn bác sĩ! (D. M)

Trả lời:

Bạn D. M thân mến!

Viêm cổ tử cung là một bệnh phổ biến ở phụ nữ. Nó không những gây rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em.

Cổ tử cung là đoạn ống thông âm đạo với tử cung, cũng là nơi quan trọng cho phòng tránh các mầm bệnh lây từ âm đạo vào tử cung. Phụ nữ sau khi sinh đẻ hoặc đã từng phá thai do mang thai ngoài ý muốn khiến cổ tử cung bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Trường hợp nữ giới đã quan hệ tình dục quá nhiều, quan hệ thô bạo cũng có thể khiến cổ tử cung xây xước, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cổ tử cung.

Giải đáp thắc mắc về viêm cổ tử cung cho chị em 1
Viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, viêm lộ tuyến cổ tử cung... Ảnh minh họa

Một số triệu chứng của viêm cổ tử cung bao gồm: Dịch âm đạo có màu xám hoặc vàng và ra nhiều, thậm chí có mùi khó chịu; thường xuyên đi tiểu, đi tiểu đau; đau khi "quan hệ"; chảy máu âm đạo sau khi "quan hệ"...

Muốn điều trị triệt để bệnh viêm cổ tử cung thì bệnh phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, viêm lộ tuyến cổ tử cung và có khả năng biến chứng gây ung thư cổ tử cung. Phụ nữ có thai nếu bị viêm cổ tử cung thì càng lan rộng và loét sâu nên việc điều trị càng gặp khó khăn.

Viêm cổ tử cung khiến chất nhầy cổ tử cung có thể đặc lẫn mủ làm cản trở sự thâm nhập của tinh trùng gây vô sinh thứ phát. 

Theo như mô tả của bạn thì bạn đang được bác sĩ kê thuốc điều trị viêm cổ tử cung bệnh chưa khỏi triệt để nên vẫn còn cảm giác đau buốt khi đi tiểu. Bạn nên đi khám lại để bác sĩ tiếp tục theo dõi và có phác đồ điều trị tích cực hơn. Bên cạnh đó, để đề phòng bệnh tái phát (sau khi đã khỏi), bạn nên tuân thủ những nguyên tắc phòng bệnh như: Vệ sinh âm đạo hàng ngày, lựa chọn đồ lót thích hợp và giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ; Khi sinh hoạt vợ chồng nên tránh những hành vi thô bạo gây tổn thương bộ phận sinh dục...

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!
Chia sẻ