Giá vàng “bốc hơi” hơn 1 triệu đồng/lượng
Sau nhịp đà phục hồi hôm qua, giá vàng trong nước sáng nay (21/7) giảm mạnh theo xu hướng của giá vàng thế giới.
Ghi nhận lúc 9h20, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 63,4 - 65,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua (20/7).
Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Sau điều chỉnh, giá vàng hiện giao dịch ở mức 62,5 - 64,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp hạ giá vàng SJC về mức 63,25 - 65,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên hôm qua, giá vàng giảm 980.000 đồng một lượng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng một lượng chiều bán ra.
Theo nhận định của một số chuyên gia, giá vàng SJC biến động mạnh trong thời gian gần đây là do các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư bán ra để cơ cấu lại danh mục trong bối cảnh đồng USD tăng cao. Tuy nhiên, các điểm kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều ghi nhận lượng khách đến giao dịch rất ít.
Giá vàng thế giới lao dốc
Sau chuỗi ngày giằng co, giá vàng thế giới không giữ được mốc kháng cự 1.700 USD/ounce. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Trên thị trường quốc tế, giá vàng kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York giảm trong phiên giao dịch 20/7 do đồng USD mạnh lên. Cụ thể, giá vàng giao tháng 8/2022 giảm 10,5 USD (tương đương 0,61%), xuống 1.700,2 USD/ounce.
Trên Kitco, giá vàng giao ngay sáng nay giao dịch ở mức 1.694 USD/ounce (tương đương 47,89 triệu đồng/lượng), giảm 17 USD so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước hơn 18 triệu đồng/lượng.
Sau chuỗi ngày giằng co, giá vàng thế giới không giữ được mốc kháng cự 1.700 USD/ounce và tụt xuống mức thấp nhất trong 11 tháng trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát nóng trên toàn cầu khi các ngân hàng trung ương thắt chặt các chính sách tài chính, tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6, lên mức kỷ lục trong 40 năm khiến nền kinh tế số 1 thế giới đang phải căng mình chống chọi với lạm phát. Điều này cho thấy, lạm phát vẫn chưa "hạ nhiệt" như tuyên bố của Nhà Trắng. Chỉ số này chỉ hạ nhiệt trong tháng 7 khi giá xăng dầu, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp bắt đầu giảm.
Lạm phát "nóng" lên đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) càng có thêm động lực để thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ. Mới đây, các quan chức FED đã gợi ý mức tăng lãi suất thêm 1% vào tháng 7 và 0,75% vào tháng 9.
Ngoài ra, thị trường đang hướng tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra hôm nay. Nhiều khả năng tại cuộc họp này, ECB sẽ quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm % sau 11 năm giữ nguyên lãi suất. Thị trường tiền tệ sẽ có phản ứng nhất định, nhất là diễn biến của đồng euro và USD, tác động đến xu hướng của giá vàng trong vài ngày tới.
Theo Reuters, lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức dự đoán là 0,2%. Trong khi tháng 5, lạm phát ở khu vực này là 8,1%.