Giá trái cây miền Tây tăng gấp đôi
Một số loại trái cây chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long như sầu riêng, chuối, xoài... giá xuất khẩu tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước khiến nông dân phấn khởi.
Sầu riêng ở Tiền Giang đang được thu mua tại vườn với giá trên dưới 80.000 đồng/kg - Ảnh: M.TRƯỜNG
Sau khi Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc, ông Nguyễn Lợi Đức (69 tuổi, ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) vui vẻ cho biết tình hình xuất khẩu chuối chính ngạch sang thị trường này thuận lợi hơn rất nhiều.
Nhiều loại trái cây có tin vui
Ông Đức là chủ nhân 50ha chuối công nghệ cao, chuẩn VietGap tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn.
"Hiện chuối của tôi đang vào vụ thu hoạch rộ, cứ ba ngày xuất đi hai container, với 80 tấn chuối. Năm vừa rồi giá chuối xuất khẩu chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, trừ hết chi phí không có lời.
Năm nay giá tăng lên từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, sống rất khỏe", ông Đức khoe và cho hay ở thời điểm dịch bệnh, chi phí xuất khẩu một container hơn 190 triệu đồng, năm nay chỉ hơn 40 triệu đồng.
Diện tích trồng chuối tại Đồng bằng sông Cửu Long là gần 35.300ha, với sản lượng 478.877 tấn. Nhưng ông Đức cho biết thêm nhu cầu chuối trên thị trường còn rất lớn, sản lượng chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như hiện nay là còn quá ít, tiềm năng còn rất lớn.
Tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Hùng - giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa, huyện Châu Thành - cho biết hiện giá nhãn nằm ở mức trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, đầu ra ổn định.
"Thời gian tới, chúng tôi đưa vào sấy khô nguyên trái để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bước đầu thử nghiệm trước 10.000 tấn, nếu thuận lợi sẽ xuất đi khoảng 100.000 tấn/năm", ông Hùng nói.
Ông Trần Thanh Tâm - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp - cho biết ước giá trị sản xuất ngành cây lâu năm chín tháng đầu năm đạt 3.825 tỉ đồng, riêng ngành hàng xoài đạt 1.883 tỉ đồng.
"Bình quân trái xoài có giá bán dao động từ 20.000 - 80.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng gần 381 triệu đồng/ha.
Giá thành sản xuất nhãn Châu Thành là 9.452 đồng/kg, giá bán là 22.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 176 triệu đồng/ha. Các loại cây ăn trái khác giá từ 7.500 - 35.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 19 - 530 triệu đồng/ha", ông Tâm thông tin.
Lãi hơn nửa tỉ đồng/ha
Tại tỉnh Tiền Giang hiện cũng đang bắt đầu thu hoạch sầu riêng vụ nghịch với niềm vui trúng mùa, được giá. Tỉnh hiện có khoảng 8.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch trong vụ này.
Trong vụ nghịch năm nay, nhà vườn đã tập trung thâm canh, chăm sóc nên đạt năng suất cao, bình quân đạt 25 - 30 tấn/ha.
Hiện nay thương lái đang đến tận vườn thu mua sầu riêng với giá trên dưới 80.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha và giá bán như hiện nay, người dân thu lãi ròng từ 600 - 800 triệu đồng/ha, cao nhất so với các loại cây ăn trái đặc sản khác ở Tiền Giang.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, sầu riêng Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giá sầu riêng tăng mạnh thời gian gần đây.
Còn theo bà Võ Phương Thủy - phó giám đốc Sở Công Thương, giá cả một số loại trái cây chủ lực của tỉnh cũng tăng mạnh trong tuần qua như xoài, giá bán từ 36.000 - 90.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg; nhãn idor 25.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước.
"Trái xoài, nhãn là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đã xuất khẩu đi Mỹ, EU. Riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn, sắp tới tỉnh đang cấp mã số vùng trồng chuẩn bị xuất khẩu trái sầu riêng", bà Thủy nói.
Xuất khẩu cà phê đạt 3,9 tỉ USD, cao nhất trước nay
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2021 - 2022 đã kết thúc, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,68 triệu tấn cà phê, đạt 3,9 tỉ USD. Đây là niên vụ có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong bốn năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT tính chung 10 tháng năm 2022, điều đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh, tăng 33,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Có kim ngạch dẫn đầu trong các năm qua bởi trong năm nay, nước ta đã có mùa vụ cà phê được mùa, được giá. Mức giá trung bình của cà phê trong niên vụ vừa qua là hơn 2.200 USD/tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỉ USD. Còn cà phê chế biến sâu, xuất khẩu tỉ trọng thấp nhưng đã tăng so với các năm trước. Hiện xuất khẩu cà phê nhân sống chủ yếu tiến hành bởi các doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 33%), còn lại là xuất khẩu bởi các doanh nghiệp trong nước. Về thị trường, thị trường số 1 là Đức với 216.000 tấn; sau đó là Ý, Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản. Theo chia sẻ của nhiều nông dân trồng cà phê, thời điểm này họ đang có một niên vụ thuận lợi, cà phê chín sớm hơn, năng suất ổn định hơn và kỳ vọng sẽ được giá hơn mùa trước.
THẢO THƯƠNG