Gia tộc đứng sau đế chế Paris Baguette thua lỗ hàng trăm triệu USD
Nỗ lực mở rộng ra toàn cầu nhưng chưa thành công, gia tộc sở hữu chuỗi Paris Baguette thua lỗ hàng trăm triệu USD.
Những cửa hàng của Paris Baguette nằm rải rác ở khắp Manhattan, Singapore và Thượng Hải với tấm biển neon màu xanh khiến nhiều người liên tưởng đến nước Pháp: Chữ Paris Baguette được tách riêng ra bởi biểu tượng tháp Eiffel ở giữa.
Tuy nhiên, đứng sau chuỗi cửa hàng bánh này lại là một gia tộc ở Hàn Quốc. Họ đã đặt cược một lượng lớn tài sản vào chuỗi này với niềm tin rằng các khách hàng trên khắp thế giới sẽ thích thú với những món đồ ăn của họ.
Trong những năm vừa qua, SPC Group đã mở rộng ra 6.000 địa điểm toàn cầu dù mục tiêu dẫn đầu vẫn là ở Paris. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng đây là một cú đặt cược đắt đỏ.
Chủ tịch Hur Young-in và gia đình ông – với khối tài sản 3,6 tỷ USD từ 5 năm trước hiện đã chứng kiến mức giảm 770 triệu USD theo thống kê của Bloomberg.
Thu nhập ròng của SPC Group đã giảm 77% kể từ đỉnh năm 2016, một phần là bởi thua lỗ từ những khoản đầu tư nước ngoài. Trong nước, chi nhánh SPC Samlip của tập đoàn cũng đã chứng kiến cổ phiếu giảm tới 84% từ mức cao nhất trong năm 2015.
"Điều này không gây ra nhiều lo ngại trong ngắn hạn", theo Han Yu-jung – một chuyên gia phân tích tại Daishin Securities.
"Đối với các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống, sẽ không có vấn đề gì khi thua lỗ trong giai đoạn đầu mở rộng ra nước ngoài. Những thương hiệu của họ sẽ có mức độ nhận diện cao hơn ở thị trường địa phương nhưng khả năng có thể thành công hay không lại khác nhau".
Một người phát ngôn của SPC Group từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Hiện tại, khi dịch Covid-19 đã gây tổn hại mạnh tới ngành công nghiệp đồ ăn khiến nhiều công ty buộc phải đóng cửa và sa thải, SPC Group vẫn không bị khuất phục. Tháng trước, họ nói rằng sẽ mở đến Canada và Hur lên kế hoạch tăng số lượng những cửa hàng của họ trên toàn thế giới lên 20.000 vào năm 2030.
Cửa hàng bánh nhỏ
SPC Group khởi đầu từ một tiệm bánh nhỏ được thành lập bởi cha của Hur vào năm 1945 tại một thị trấn nhỏ ở Hàn Quốc. 3 năm sau đó, cha của Hur đã chuyển hoạt động kinh doanh tới Seoul và trở nên thịnh vượng từ đó.
Hur tới Kansas để học kỹ thuật làm bánh từ Học viện bánh Mỹ. Sau khi về nhà, ông đã tiếp quản một trong những thương hiệu của gia đình vào năm 1983 trong khi người anh trai dẫn dắt mảng chính.
Năm 1986, Hur cho ra đời Paris Croissant – một tiệm bánh phong cách Pháp và Paris Baguette ra đời 2 năm sau đó. Hoạt động kinh doanh của người anh đã bị phá sản năm 1997 sau khi nỗ lực mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài đồ uống và bánh. Hur đã mua lại công ty này vào năm 2002 và hợp nhất thành SPC Group vào năm 2004.
Để lớn mạnh hơn, Hur phải vươn xa ra khỏi Hàn Quốc. Họ bắt đầu mở rộng ra toàn cầu vào năm 2004 khi SPC mở một cửa hàng Paris Baguette ở Thượng Hải. Sau đó lần lượt là những địa điểm gồm Los Angelese vào năm 2005 và New York 8 năm sau đó.
Cũng có một động lực khác đằng sau quyết định này: Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố vào năm 2013 rằng sẽ giới hạn số lượng những công ty bánh lớn có thể mở, có nghĩa là việc mở rộng ra nước ngoài là cách phù hợp để phát triển.
"Rất khó để mở rộng mạnh mẽ mảng kinh doanh nhượng quyền ở thị trường nội địa. Mở rộng ra nước ngoài là cần thiết để tạo động lực tăng trưởng".
Hiện tại, có 300 cửa hàng Paris Baguette ở Trung Quốc và hơn 80 cửa hàng ở Mỹ, bán 300 sản phẩm bánh.
Văn hóa làm bánh
"Paris Baguette đã giới thiệu người Hàn đến với văn hóa làm bánh châu Âu", theo Young Choi – Phó chủ tịch và chủ tịch mảng kinh doanh hỗ trợ toàn cầu tại SPC Group.
"Dựa trên kỹ năng làm bánh và chiến lược marketing, chúng tôi đã mở rộng sang những quốc gia khác gồm cả Pháp, được biết đến là quê hương của bánh mì và đang nỗ lực quảng bá văn hóa đồ ăn mới".
SPC Group cũng đã mang nhiều thương hiệu vào Hàn Quốc gồm cả Baskin-Robbins và Dunkin’ Donuts và đã mở rộng sang lĩnh vực nhập khẩu rượu. Sau khi ra đời Shake Shack tại quê nhà vào năm 2016, họ đã giành quyền mở rộng chuỗi burger của Mỹ tại Singapore – nơi họ nhắm tới mở hơn 10 cửa hàng vào năm 2024.
Hur và gia đình ông sở hữu Paris Croissant Co – một chi nhánh của SPC Group. Khoảng 1/5 doanh thu tới từ các cửa hàng trên toàn cầu của Paris Baguette. Gia đình cũng sở hữu 74% công ty đã niêm yết SPC Samlop – đơn vị hoạt động tập trung hơn vào nhượng quyền ở thị trường nội địa và phân phối nguyên liệu nấu ăn.
SPC Group có lợi nhuận ròng đạt 19,2 tỷ won (16 triệu USD) vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2018 nhưng chậm hơn so với mức kỷ lục 85,2 tỷ won vào năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của SPC Samlip cũng chậm lại còn khoảng 10% so với mức 36% của năm 2016. Dịch Covid-19 cũng đã gây ảnh hưởng mạnh: Công ty báo cáo doanh thu giảm 16% trong 3 tháng vừa qua so với quý trước đó.
"Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi bắt đầu mở rộng ra nước ngoài. Một vài cửa hàng tại Mỹ và Trung Quốc chỉ được mở ít hơn 4 giờ. Hiện tại, mọi thứ đang dần trở lại bình thường".
Hơn nữa, tập đoàn này đang nỗ lực để tránh bị sa thải và đóng cửa hàng mặc dù các cửa hàng vẫn phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng để giữ doanh số ổn định trong đại dịch. Tại Mỹ, một nghiên cứu vào tháng 5 cho thấy 2/3 các nhà hàng giao dịch công khai đều có nguy cơ phá sản.
Dẫu vậy, tham vọng mở rộng ra toàn cầu của Hur vẫn không thay đổi.
"Bánh mì được yêu thích nhiều hơn bởi những người ở bên ngoài Hàn Quốc. Thị trường nước ngoài lớn hơn và nhiều cơ hội hơn sẽ tới".