Giá thực phẩm đang… “leo thang”
Những ngày này, khi thời điểm cuối năm đang đến gần, tại Hà Nội giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã bắt đầu “leo thang”, điều đó khiến cho nhiều người dân phải gồng mình chống chọi với “cơn bão” giá…
Chị Ngọc Thủy, nhà ở ngõ Quan Thổ 1, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: bình thường đi chợ đã phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với túi tiền, bởi giá vẫn đang ở mức cao, giờ bỗng dưng ra chợ lại thấy giá cả tăng cao đột ngột. Chưa đến Tết mà đã tăng như vậy, không biết những ngày tới sẽ như thế nào? Giá cả cứ tăng loạn xạ hết cả thế này người dân biết sống sao…
Cần nhanh chóng điều tiết giá cả mặt hàng thực phẩm đang tăng cao
Khảo sát thực tế của phóng viên tại một số chợ ở Hà Nội như: Thành Công, Mơ, Nghĩa Tân, Hôm… cho thấy giá cả các mặt hàng đang tăng chóng mặt.
Các loại rau củ quả đều tăng cao so với cách đây gần một tháng. Cụ thể như: giá rau muống từ 12.000 đồng/bó đã tăng lên đến 15.000 đồng/bó; rau bí xanh tăng từ 8.000 đồng/bó lên 12.000 đồng/bó; cải thảo tăng 12.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg, cải bắp 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; đậu côve từ 12.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; su hào 5.000 đồng/củ đến 7.000 đồng/củ; cải ngọt từ 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá các loại thịt cũng đã tăng mạnh so với trước, đặc biệt là giá thịt lợn đã tăng nhanh trong mấy ngày qua. Tại các chợ, giá thịt lợn thăn tăng từ 100.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg, thịt nạc vai và chân giò dao động 95.000-105.000 đồng/kg, sườn 95.000-105.000 đồng/kg, ba chỉ 90.000-100.000 đồng/kg.
Các loại thịt khác như: thịt bò, thịt gà… cũng tăng giá đột biến, như: thịt bò thăn tăng mạnh có giá là 210.000 đồng/kg nay đã tăng lên 232.000 đồng/kg, bắp bò 210.000-220.000 đồng/kg… Thịt gà, nhất là thịt gà ta chưa giết mổ đã có giá 130.000-150.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn có giá 60.000-70.000 đồng/kg…
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc tăng giá, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng, “đến hẹn lại lên” cứ vào dịp Noel và ngày sát Tết Dương lịch, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao nên dẫn đến hàng tiêu thụ nhanh.
“Năm nay, thời tiết lạnh nên việc sản xuất cũng như vận chuyển thực phẩm khá khó khăn, qua các công đoạn đều phải trả thêm chi phí. Thậm chí, nhiều hôm, do các nhà hàng bán lẩu đông khách, cùng với việc nhiều nhà mua thực phẩm về để làm món này, món kia nên có hôm các loại rau, quả, thịt lợn, gà, thịt bò… hàng khan dẫn đến giá tăng”, chị Thành, một tiểu thương bán rau ở Ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, việc tăng giá các mặt hàng ở các chợ là có chủ ý của các tiểu thương. Đầu tiên là do thời tiết lạnh nên nhu cầu sử dụng thực phẩm nhất là rau tăng cao, lợi dụng điều đó “đội quân” vận chuyển đòi thêm chi phí. “Té nước theo mưa” cùng yếu tố tâm lý từ việc cận Tết nên hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều được các tiểu thương đua nhau tăng giá bán.
Theo như phóng viên được biết, thông tin từ các tiểu thương, các chủ kinh doanh thì từ nay đến cận Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thực phẩm sẽ còn tiếp tục tăng cao…
Thực tế, năm nào cũng vậy, xu hướng tăng giá cuối năm là điều được dự báo trước, vậy để bình ổn thị trường và đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng cần có những giải pháp gì?
Trước hết, các cơ quan quản lý cần phải nắm rõ tình hình diễn biến của thị trường, ở từng mặt hàng thiết yếu về giá cả, lượng hàng hóa cung ứng để từ đó đưa ra phương án bình ổn thị trường.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, những mặt hàng nào tăng giá trong thời điểm này cần phải nhanh chóng được điều tiết để bình ổn giá cả. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nhanh chóng thực hiện việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết một cách có hiệu quả...