Gia tăng sốt xuất huyết người lớn
Từ tháng 7-2014 đến nay, bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tại một số bệnh viện của TP.HCM bắt đầu tăng mạnh, trong đó nhiều người lớn.
Tuy nhiên, hiện không ít người dân chưa biết và chưa hiểu hết về sốt xuất huyết người lớn nên chủ quan, dẫn đến tính mạng có thể bị đe dọa.
Truyền 32 chai dịch truyền
Anh T.V.T. (25 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 11-8 trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, mệt nhiều, tổn thương gan, phải hỗ trợ thở oxy. Trước khi nhập viện, anh T. đến khám ở một bác sĩ tư và được chẩn đoán bị cảm cúm, cho truyền dịch sáng hai chai, chiều hai chai. Sau tám ngày đến bác sĩ này điều trị, tổng cộng anh T. được truyền 32 chai dịch.
Thấy anh T. quá mệt, bứt rứt, người nhà mới đưa đến bệnh viện tư điều trị. Bác sĩ bệnh viện này chẩn đoán anh T. bị sốt xuất huyết, có biến chứng tổn thương gan, quá tải tuần hoàn do bị truyền dịch quá nhiều.
Sau hai ngày, bệnh viện này đã chuyển anh T. qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - trưởng khoa nhiễm D - cho biết hiện anh T.V.T. bị tổn thương gan, men gan tăng rất cao và được theo dõi quá tải dịch truyền.
Ngày 12-8, tại khoa cấp cứu người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP còn có một bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng (rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng) phải hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Tiên lượng bệnh của bệnh nhân này rất xấu.
Trước đó, ngày 5-8 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP đã có một bệnh nhi là bé N.A.T. (4 tuổi, Long An) tử vong vì sốt xuất huyết nặng. Bé T. nhập viện ngày 3-8 trong tình trạng sốt cao, hơi đừ, trước đó bé được người nhà đưa đến bác sĩ tư khám và được chẩn đoán nhiễm siêu vi. Sau khi nhập viện, tình trạng bệnh của bé nặng dần lên, tái sốc ba lần, xuất huyết não, màng não và tử vong.
Theo bác sĩ Thanh Trường, những tháng gần đây bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tăng liên tục. Tại khoa nhiễm D, những tháng trước một ngày có trên dưới 10 bệnh nhân nhập viện thì hiện tăng gấp đôi. Bệnh bắt đầu tăng đầu tháng 8 và số trường hợp bệnh sốt xuất huyết nặng vẫn xảy ra như nói trên. Đặc biệt, bệnh nhân bị sốt xuất huyết là người lớn cũng tăng nhiều hơn trước.
Hiện số ca sốt xuất huyết người lớn nhập viện “lấn lướt” cả số ca trẻ em nên người lớn phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, không nên chủ quan.
Trong khi đó, phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết từ tháng 6-2014 bệnh nhân sốt xuất huyết bắt đầu nhích dần lên. Cụ thể, tháng 6-2014 bệnh viện tiếp nhận khám 595 trường hợp sốt xuất huyết là người cư ngụ tại TP.HCM và 222 bệnh nhân ở tỉnh khác đến, nhưng qua tháng 7-2014 bệnh nhân ở TP.HCM là 753 và ở tỉnh là 289 trường hợp.
Cùng thời gian này, số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết của TP.HCM và tỉnh đều tăng. Riêng TP.HCM, tháng 6 chỉ có 145 ca nhập viện nhưng sang tháng 7 số bệnh nhân nhập viện là 224 trường hợp. Mười ngày đầu tháng 8-2014, số bệnh nhân ở TP.HCM đến khám vì sốt xuất huyết là 287 trường hợp, nhập viện 82 trường hợp...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết - Ảnh: Hữu Khoa
Dễ chẩn đoán nhầm
Số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) bắt đầu tăng từ đầu tháng 8 đến nay. Trong tháng 7, mỗi ngày khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 40 trẻ nằm điều trị thì sang tháng 8 mỗi ngày có khoảng 60 trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước đó chỉ có hơn 10 trẻ sốt xuất huyết nằm điều trị mỗi ngày tại khoa nhiễm thì những ngày đầu tháng 8 đã có 30 trẻ nằm điều trị/ngày. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhấn mạnh những tháng trước gần như không có ca sốt xuất huyết nặng thì nay đã tiếp nhận một số ca nặng.
Ngồi bên con trai N.T.V., 10 tuổi, đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, ông N.V.M., 49 tuổi, ở Q.9, rất lo lắng về sức khỏe của con. Ông M. kể khi thấy con sốt cao đến 40OC (ngày đầu tiên của bệnh), ông đã đưa con đến bệnh viện gần nhà khám nhưng bác sĩ chỉ dặn theo dõi bệnh sốt xuất huyết.
Ngày thứ tư của bệnh con ông vẫn không hết sốt, ông đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám nhưng bác sĩ cũng không tìm ra bệnh, chỉ ghi viêm họng và ông lại đưa con về nhà. Ngày thứ sáu của bệnh (12-8) con ông có biểu hiện rất mệt mỏi, ông đưa con quay lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám mới được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết và nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến trẻ lớn. Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trong những ngày đầu khó chẩn đoán vì bệnh nhân bị sốt liên tục như nhiều bệnh khác.
Từ ngày thứ tư, thứ năm trở đi, những triệu chứng của bệnh mới xuất hiện rõ như trẻ có những chấm xuất huyết ngoài da, hoặc khám thấy da niêm xung huyết, gan to, đau bụng, mệt mỏi, lừ đừ, nôn ói, xét nghiệm máu thấy cô đặc máu và tiểu cầu giảm. Lúc đó, các bác sĩ mới chẩn đoán xác định là sốt xuất huyết.
Trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết càng dễ bị nhầm với bệnh lý khác như tay chân miệng, nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên. Khi bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác mà bệnh sốt xuất huyết trở nặng sẽ dẫn đến nguy kịch, bệnh nhân có thể bị sốc hoặc bị những biến chứng khác.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết một khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy có khoảng 30% bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết đến bệnh viện vì dấu hiệu của đường hô hấp như ho, sổ mũi, được chẩn đoán viêm mũi họng và 25-26% trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện vì có vấn đề của đường tiêu hóa như ói, tiêu chảy. Vì vậy, những bệnh nhân có biểu hiện sốt kéo dài trên ba ngày đều phải nghĩ đến sốt xuất huyết để được khám và tìm bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường cho biết dấu hiệu cảnh báo ở trẻ em và người lớn giống nhau, chỉ khác ở tần suất xuất hiện. Nếu bị sốt đã 3-5 ngày có kèm theo các dấu hiệu ói nhiều, đau bụng, người mệt mỏi, bứt rứt, chảy máu mũi, chảy máu răng, tiểu ít thì bắt buộc nhập viện. Cần lưu ý sốt xuất huyết không thể tiên đoán trước diễn tiến nặng hay không và diễn tiến nặng đến cũng rất đột ngột, nên khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân cần nhập viện ngay.
Ngoài ra, khi nghi ngờ bản thân hoặc con em bị sốt xuất huyết (biểu hiện sốt cao trong một hai ngày đầu) mà ở nơi mình sống và làm việc đã có người sốt xuất huyết trước đó thì nhiều khả năng mình hoặc con em cũng bị sốt xuất huyết, tốt nhất là nên đến bệnh viện khám.
Nếu không nhập viện điều trị thì bệnh nhân cũng không nên bỏ tái khám theo hẹn của bác sĩ vì từ ngày thứ tư đến thứ sáu của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn nguy hiểm, có thể xuất hiện biến chứng nặng.