Gia đình em bé bị bạo hành không yêu cầu xử lý bảo mẫu, có khởi tố vụ án không?

MINH TUỆ/VTC News,
Chia sẻ

Nếu cháu bé 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành có thương tích, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ của cháu bé có yêu cầu hay không.

Ngày 1/6, Công an phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đang tạm giữ bảo mẫu Vũ Khánh Chi để điều tra xác minh hành vi bạo hành cháu bé 1 tháng tuổi.

Tại cơ quan công an, anh Nguyễn Văn B. (SN 1992, trú tại HH2C Linh Đàm, Hoàng Liệt) cho biết sức khoẻ cháu bé đã ổn định, không có thương tích. Anh B. không yêu cầu xử lý đối với Chi. Anh B. chỉ răn đe để Chi không tái phạm và nhận thức việc làm trên là sai.

Tuy nhiên, phân tích về vụ việc này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, dù cha của cháu bé không đề nghị xử lý, việc đăng thông tin chỉ là để cảnh báo thì cơ quan điều tra vẫn tiếp tục vào cuộc xem xét làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả đã gây ra đối với trẻ em để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu cháu bé có thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ của cháu bé có yêu cầu hay không.

Gia đình em bé bị bạo hành không yêu cầu xử lý bảo mẫu, có khởi tố vụ án không? - Ảnh 1.

Hình ảnh bảo mẫu rung lắc mạnh bé sơ sinh 1 tháng tuổi. (Ảnh cắt từ clip).

"Qua clip cho thấy hành vi của người phụ nữ chăm sóc cháu bé 1 tháng tuổi như vậy rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cháu bé nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời", luật sư Cường lưu ý.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, ở 1 tháng tuổi, cơ thể trẻ em còn quá non nớt, việc chăm sóc cần phải rất thận trọng, phải nhẹ nhàng và thực hiện các kỹ năng chăm sóc trẻ theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, ở thời điểm này não trẻ em chưa ổn định và xương sọ chưa hoàn thiện, chỉ cần những rung lắc nhẹ nhưng thường xuyên là có thể gây tổn thương đến não bộ. Hành vi rung lắc mạnh kèm theo những hành vi bạo hành, tác động vật lý vào cơ thể của trẻ em rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em.

"Có thể thấy rằng hành vi rung lắc đối với trẻ sơ sinh, dù là không có chủ đích gây tổn thương, không phải là hành vi hành hạ thì cũng rất nguy hiểm. Nếu là hành vi rung lắc có chủ đích, cố ý rung lắc mạnh như người phụ nữ thực hiện trong clip thì hoàn toàn có thể gây tổn thương đến não bộ của trẻ em.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần thăm khám, điều trị và xác định hậu quả của hành vi này để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý", ông Cường nhấn mạnh.

Gia đình em bé bị bạo hành không yêu cầu xử lý bảo mẫu, có khởi tố vụ án không? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng đây là hành vi bạo hành trẻ em. Hành vi này có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của trẻ em và đây là hành vi vi phạm pháp luật nên việc xem xét xử lý đối với người phụ nữ này là cần thiết.

Hành vi của bảo mẫu hoàn toàn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cháu bé, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy bảo mẫu nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng do bực tức mà nhẫn tâm thực hiện hành hạ cháu bé, hậu quả cháu bé tổn thương nghiêm trọng về não thì có thể xử lý về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy nạn nhân không có động cơ mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Những tội danh này không phụ thuộc vào đơn thư yêu cầu của người bị hại, bởi vậy trường hợp cha của cháu bé có rút đơn, không đề nghị xử lý nhưng cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ thì vẫn xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong mọi tội danh nên sẽ không phụ thuộc vào việc người bị hại hoặc đại diện của người bị hại có yêu cầu hay không.

Bên cạnh đó, theo luật sư nhận định, lời khai là mình bị trầm cảm chỉ là lời khai chối tội của bảo mẫu này. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ bảo mẫu có bị trầm cảm hay không, nếu bị trầm cảm thì có thể trưng cầu giám định tâm thần xem tại thời điểm thực hiện hành vi, người này có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ