Gia đình cô lao công xúc động trong giây phút chia tay con gái lên đường nhập học Harvard
Tối 14/8, Diệu Liên - cô gái giành học bổng 7 tỷ của Harvard đã chính thức lên đường sang Mỹ, bắt đầu cuộc sống của một tân sinh viên nơi trời Tây. Bạn bè, gia đình đều có mặt đông đủ để chào tạm biệt Liên, và không ai khóc dù biết phải chia xa.
8h tối ở căn nhà nhỏ trên đường Mai Thị Lựu, tiếng cười nói rộn ràng từ ngoài vào trong. Những chiếc vali cũ đựng đầy quần áo, sách vở của Liên được bố Trần Văn Dư đóng gói, viết tên cẩn thận và kéo ra đặt trước cửa, chờ taxi đến. Bên trong nhà, cô lao công Nguyễn Thị Lộc tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra xem con gái còn quên thứ gì chưa, đã mang đủ áo ấm trong ba lô xách tay hay chưa...
Ở giữa ngôi nhà chật chội ấy, Liên ngồi cùng 6,7 người bạn của mình thành một vòng tròn, chơi trò mà cả nhóm thuờng chơi với nhau mỗi dịp tụ họp. Liên nói: "Không biết bao lâu mới được ngồi lại cùng mọi người như thế này, nên tụi em tranh thủ lúc xe chưa đến để cùng chơi với nhau lần cuối".
Ngày cuối cùng của Diệu Liên ở Việt Nam trước khi cô gái đầy nghị lực này lên đường nhập học Harvard.
Một tháng qua, cái tên Diệu Liên vẫn được nhiều thế hệ sinh viên nhắc đến bằng sự nể phục tuyệt đối, bởi cô gái sinh năm 1997, cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong này đã xuất sắc nhận được học bổng 7 tỷ đồng của trường Đại học danh tiếng Harvard. Và tối hôm ấy, Diệu Liên - con gái của người mẹ lao công và người cha làm biển quảng cáo ở Sài Gòn đã lên đường bay đến Mỹ, bắt đầu cuộc sống của một tân sinh viên nơi trời Tây.
Bố của Liên cẩn thận kéo từng chiếc vali của con gái ra trước nhà.
Biết tin Liên lên đường vào tối 14/8, nhiều bè bạn đến chào tạm biệt cô gái này lần cuối.
Chiếc vali nhỏ, cũ kỹ, Liên mang theo chỉ để đựng áo ấm, giày leo núi, và các món quà kỷ niệm của gia đình, bè bạn.
Những ngày qua, Liên đã dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại ở Việt Nam để đến chào họ hàng, làm tiệc chia tay bạn bè. Ngày Chủ nhật, tranh thủ được nghỉ làm việc, cô Lộc cũng ở bên cạnh con gái suốt và nấu một bữa tối toàn những món Liên thích để gia đình cùng ăn với nhau.
Ngôi nhà cấp 4 chật chội này là nơi nuôi dưỡng một tài năng như Diệu Liên.
"Cô gái 7 tỷ" này đặc biệt rất thích giày. "Liên lúc nào cũng mặc đồ theo phong cách thể thao, năng động, nó đi du học mà toàn mang giày leo núi, giày chạy bộ, áo phượt, y như mấy đứa... Tây balo", cô Liên hào hứng kể về con gái.
Cả gia đình lên taxi di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất. Liên quay sang dặn dò cô em gái Như Quỳnh của mình: "Ở nhà thay hai chăm sóc bố mẹ nha, ráng học giỏi, sau này sang Harvard với hai".
Cũng như chị mình, Quỳnh là một cô bé ít nói, ít biểu lộ cảm xúc. Suốt thời gian từ lúc cả nhà ngồi cùng trên chuyến xe đưa Liên ra sân bay cho đến lúc Liên vào check-in, gương mặt của Quỳnh vẫn bình thản, vui tươi. Như khi mẹ hỏi, cô bé mới thút thít bảo... nhớ chị lắm!
"Hai chị em nó chơi thân với nhau từ nhỏ, ngủ cùng giường ở trên căn gác ọp ẹp, học cùng một cái bàn. Nên giờ cô chị đi rồi, cô em không buồn mới lạ!", cô Lộc cười, chia sẻ "Quỳnh bảo sau này mấy bài toán khó không biết hỏi ai, đi ngủ không ai nằm cạnh tâm sự, nó nói với cô là thôi nó giữ một cái áo mà chị hai hay mặc, để khi nào nhớ chị không ngủ được thì ôm cái áo đó mà ngủ".
Liên sẽ quá cảnh ở Dubai sau đó mới bay tiếp đến Mỹ.
Ngoài bố mẹ và em gái, đến đưa tiễn Liên còn có bà ngoại và cậu út cùng rất nhiều bạn bè, học viên của Liên.
Bố của Liên chuẩn bị sẵn trà nóng để con gái uống ở sân bay trong lúc chờ lên máy bay.
Cô em gái Như Quỳnh xúc động nói lời tạm biệt chị hai.
Liên luôn kể rằng mình có những người bạn rất tuyệt vời - những người luôn cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vì thành công của Liên. "Họ là những người trẻ tài năng, cũng từng đi du học, có người đang trong thời gian về nước thăm gia đình. Bạn bè là những người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất".
Mẹ và bà ngoại - Hai người phụ nữ mà Liên yêu quý nhất trong cuộc đời này.
Diệu Liên cùng những người bạn của mình.
Ánh mắt cô Lộc không hề rời con gái trong suốt thời gian ở sân bay.
Cô Lộc nói, để Liên yên lòng ra đi mà không vương vấn gì, gia đình tự hứa với nhau sẽ không khóc. "Liên đi rồi sẽ về mà, biết lòng mình cũng nhớ nó lắm nhưng thôi, có khóc cũng về nhà mới khóc, lúc tiễn con thì cả nhà phải hứng khởi hết cỡ!", cô Lộc cười.
20 năm tảo tần nuôi con bằng nghề lao công ở các trường đại học, ký túc xá, cuối cùng, công sức của cô Lộc cũng được đền đáp xứng đáng. Nhìn con gái ôm hành lý vào cổng vào để check-in lấy vé, cô vừa lo, vừa cảm thấy niềm tự hào len lỏi.
"Nhà cô không khá giả gì, quần áo mua cho con mang đi Mỹ cũng không nhiều, nhìn con cái gia đình khác đi du học mà được mua sắm đủ đồ mới, áo mới, vali mới... nhiều lúc cũng chạnh lòng. Nhưng giờ gia đình phải tiết kiệm vì Liên chỉ được tài trợ học bổng, còn nhiều chi phí phát sinh, sinh hoạt hàng ngày. Cô tính rồi, cô sẽ tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ để có tiền gửi sang cho con, không để nó sống vất vả bên xứ người được", người mẹ lao công bộc bạch.
"Mẹ ở lại mạnh giỏi, giữ gìn sức khỏe. Con cảm ơn mẹ nhiều..."
Bà ngoại của Liên không giấu được giọt nước mắt hạnh phúc khi vẫy tay chào tạm biệt cô cháu gái.
Chú Dư và cô Lộc đều cho biết, sau 4 năm học tại Harvard, Liên có thể đưa ra quyết định ở lại hay về Việt Nam. Cô chú đều không can thiệp vào quyết định này. "Tôi tin là con gái luôn biết điều gì là tốt nhất cho bản thân nó", chú Dư nói.
Ai cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô gái nghị lực này. Chắc chắn rằng, 4 năm ở Harvard, Liên sẽ còn đem đến nhiều điều bất ngờ hơn cho chúng ta. Cứ tin là như thế!