Gia đình 6 người ở Hà Nội chi tiêu 15 triệu/tháng, bí quyết là gì?
Nhờ tự trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia đình Ngọc Châu đã tiết kiệm được khá nhiều trong chi phí thực phẩm.
Chi tiêu cố định bằng lương của chồng
Gia đình Ngọc Châu (30 tuổi) có 6 thành viên bao gồm vợ chồng và 4 người con, hiện đang sống tại Phúc Thọ, Hà Nội. Được biết thu nhập của gia đình không cố định. Trong đó lương của chồng là 15 triệu/tháng, và vợ chồng cô có công việc kinh doanh nếu thuận lợi kiếm thêm 10-20 triệu/tháng, cũng có tháng không kiếm được đồng nào.
Gia đình Ngọc Châu cố định chi tiêu bằng khoản lương 15 triệu đồng của chồng cô. Nó bao gồm tiền ăn bán trú của 3 bé đầu là 2 triệu đồng, chi phí bỉm sữa cho bé út khoảng 3 triệu, tiền điện nước 2 triệu, chi phí thực phẩm của gia đình là 6 triệu đồng. Còn lại khoản 2 triệu là cho những khoản phát sinh, nếu trong trường hợp không có những rắc rối bất ngờ, vợ chồng cô sẽ dành tiền mua đồ mới cho con.
“Thông thường, chồng mình sẽ đi làm cả ngày, con đi học ăn bán trú nên cả gia đình chỉ nấu ăn chính vào bữa tối, dao động 80-120 nghìn/bữa. Buổi sáng sẽ khoảng 20-30 nghìn/bữa, mình sẽ nấu cơm tại nhà và ăn lại đồ còn thừa từ tối, tối hết đồ ăn cũ mới nấu bữa mới. Sở dĩ chi phí ăn uống thấp như vậy là bởi vì mình có trồng rau, đôi khi chăn nuôi được con gà con vịt nên cũng đỡ tiền thức ăn”.
Được biết lúc có bé đầu tiên, tài chính gia đình khó khăn nên phần lương của chồng Ngọc Châu sẽ được chia làm 3. Trong đó, một phần dùng cho con, một phần tiết kiệm, và phần chi tiêu trong gia đình vì khi đó 2 vợ chồng chưa kinh doanh thêm nên chưa có khoản thu nhập bên ngoài.
Khi có bé thứ 2, mức chi tiêu tăng gấp đôi về mặt bỉm sữa, vợ chồng cô gần như không thể tích lũy trong khoảng thời gian này. “Mình nghĩ rằng nên lập kế hoạch chi tiêu theo nhu cầu gia đình, đầu tiên phải làm sao để thu nhập vừa đủ cho chi tiêu. Sau đó, nỗ lực tăng thu nhập để có những khoản tiết kiệm hàng tháng. Cũng vì vậy mà vợ chồng mình bắt đầu kinh doanh để kiếm thêm thu nhập. Và đến giờ có 4 bé, mình thấy các khoản chỉ có tăng không có giảm, ví dụ như 3 bé đầu nhà mình không cần bỉm sữa nữa thì tiền học của 3 bé cũng nhiều, quần áo đồ dùng không phải mua 1 mà là 4. Do vậy, cách quản lý chi tiêu cũng cần phải thay đổi theo thời gian sao cho phù hợp nhất”.
Vườn cây của gia đình Ngọc Châu
Không ghi chép chi tiêu nhưng vẫn có thể kiểm soát tài chính gia đình
Ngọc Châu không có thói quen ghi lại khoản chi tiêu mà sẽ luôn cố gắng để giới hạn ngân sách trong 15 triệu đồng. “Mình nghĩ muốn tiết kiệm được trước tiên nên vạch ra các khoản tiêu rõ ràng hàng tháng. Nếu thu nhập quá thấp, hãy vạch ra mục tiêu kiếm tiền nhiều hơn số tiền muốn tiêu hàng tháng thì mới có thể tiết kiệm được”.
Bên cạnh đó, tiêu chí khi mua sắm của Ngọc Châu là vừa túi tiền, chất lượng sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra, vì trên thực tế không có món đồ nào là “ngon bổ rẻ". Ngoài ra, khi muốn mua bất kỳ món đồ nào, cô thường đặt ra mục tiêu trong khoảng thời gian bao nhiêu tháng hoặc năm nữa sẽ mua. Trong khoảng thời gian đó, Ngọc Châu sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn để không bị ảnh hưởng đến ngân sách chung.
“Khi có con, kế hoạch tài chính gia đình sẽ bị hỗn loạn 1 thời gian vì nhiều thứ phát sinh mà mình không thể lường trước được. Nếu vẫn muốn duy trì kinh tế và tiết kiệm như ban đầu, vợ chồng phải vạch ra mục tiêu kiếm thêm tiền. Hoặc bớt các khoản chi tiêu không cần thiết để bù vào phần cho con. Mình nghĩ kế hoạch chi tiêu có thay đổi theo thời gian vì đông con mức chi tiêu cho con mỗi năm sẽ mỗi khác”.
Ngọc Châu cho rằng thay vì chỉ nghĩ đến chuyện tiết kiệm, vợ chồng có thể tìm cách đa dạng thu nhập, như vậy sẽ bền vững và an toàn hơn trong khía cạnh tài chính. Mặt khác, cô cũng nhấn mạnh rằng dù vậy làm được 10 đồng không nên tiêu hết cả 10. Mọi người nên vạch ra mục tiêu cho cuộc sống để có sự tích cóp và cố gắng. Khi gặp chuyện có thể tự lo và có thể hỗ trợ cho bố mẹ khi ốm đau.