Gia cảnh bất hạnh của một cô giáo mầm non
Chồng bị sỏi thận, ba người con trai đều mắc căn bệnh máu khó đông đã đẩy gia đình cô giáo Nguyễn Thị Động ở thôn 5, xã Quảng Châu, TP Hưng Yên vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Chúng tôi tìm về trường mầm non xã Quảng Châu (TP Hưng Yên) trong một buổi trưa tháng 10, khi cô Động vẫn đang dỗ dành, cùng chơi với các cháu nhỏ. Hơn 30 năm gắn bó với mái trường này, biết bao đứa trẻ đã lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của cô. Nhìn lũ trẻ nô đùa, cười tươi, khỏe mạnh chị lại rớm nước mắt khi nghĩ đến những đứa con của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Động rơm rớm nước mắt trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi.
Ngay khi được biết chúng tôi về đây muốn hỏi chuyện gia cảnh thì những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào trên gương mặt đầy khắc khổ, già trước tuổi của người phụ nữ mới ngoài cái tuổi 40. Gạt những hàng nước mắt, cô Động nghẹn ngào: “Bình thường mình đã phải cố quên những chuyện buồn của các con đi để mà sống nhưng hễ có người hỏi đến là nước mắt lại trào ra, không sao dừng được”.
Và những giọt nước mắt đó cứ thế rơi trên khuôn mặt người mẹ đã phải chịu biết bao vất vả, gian truân vì chồng, vì con trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Bất hạnh triền miên
Lập gia đình với người chồng là con một trong gia đình nên việc sau khi về làm dâu, cô giáo mầm non trẻ sinh tới ba cậu con trai kháu khỉnh đã làm cho gia đình chồng, họ hàng hai bên vô cùng tự hào, hãnh diện. Những năm đó, trong nhà tiếng cười, nói luôn rộn vang. Thế nhưng hạnh phúc bình dị đó chẳng kéo dài được bao lâu, khi cách đây 18 năm, cậu con cả Dương Mạnh Kiên, lúc đó mới 7 tuổi, chẳng may bị ngã khiến cánh tay bị tụ máu, sưng tấy, đau nhức.
Cứ tưởng là chuyện ngã bình thường của trẻ con nên chị đưa con đi khám ở viện huyện, tỉnh nhưng nằm viện mãi mà cũng chẳng thấy thuyên giảm, đến khi đưa lên Bệnh viện Bạch Mai, sau những xét nghiệm được làm, cả nhà mới “lạnh người” khi biết rằng Kiên đã mắc phải căn bệnh quái ác máu khó đông, hay còn gọi theo tên khoa học là Hemophilia. Cú ngã tưởng chừng như bình thường ở trẻ nhỏ đó lại đã mở đầu cả một quãng thời gian “mịt mù, khó khăn, khổ aỉ” của gia đình và người mẹ này.
Phát hiện ra bệnh của người con trai cả chưa được bao lâu thì đến năm 2004, người con út tên Dương Đức Bằng, đang học lớp 5 bỗng lên cơn đau bụng nặng. Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa cần mổ gấp. Nhưng hung tin sau ca phẫu thuật đã khiến chị Động gần như “chết đứng”. Các bác sĩ đã mổ nhầm vì ruột gan Bằng vẫn bình thường. Suốt 3 tháng ròng điều trị, cả nhà đành ngậm ngùi đưa Bằng về quê kết quả là đã mắc căn bệnh như người anh cả cùng một nửa thân người bị liệt hoàn toàn.
Hai người con đều mắc phải căn bệnh quái ác nên niềm hi vọng, an ủi của cả gia đình đều đặt vào người con trai thứ hai là Dương Mạnh Quyết. Nhưng cuộc đời thật nghiệt ngã với người phụ nữ này. Khi học lớp 11, sau một lần bị ngã xe đạp và có dấu hiệu giống anh và em trai, Quyết được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Những kết quả xét nghiệm được các bác sĩ thông báo đã “chặt đứt” niềm hi vọng, an ủi cuối cùng của vợ chồng chị.
Nhưng nỗi bất hạnh với người phụ nữ này đâu đã dừng lại ở đó. Sau khi ba người con lần lượt bị phát hiện căn bệnh về máu quái ác, thì chồng chị, anh Dương Đức Cường lại phát hiện ra bị sỏi thận. Sau hai lần mổ sỏi thận, lại thêm chuyện thường xuyên làm việc nặng nhọc để lo cho con, sức khỏe của anh dần yếu đi và đến nay không còn khả năng lao động.
Niềm tin ở các con là nguồn sống của mẹ
Ba con mắc cùng một căn bệnh quái ác, chồng lại đau yếu luôn nên những gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ này. Đã không biết bao nhiêu lần chị ngồi một mình khóc và tự dằn vặt bản thân. “Thực sự những lúc ngồi một mình, tôi chỉ biết khóc và nhiều khi tôi đã có những suy nghĩ bi quan nhưng rồi nhìn thấy các con nằm đó, chồng nằm đó tôi lại tự nhủ mình phải cố lên để làm chỗ dựa cho con”, chị Động kể.
"Tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể làm việc và làm chỗ dựa cho các con...".
Với những người mắc bệnh Hemophilia, sự sống chỉ trông chờ vào máu của người khác. Chính vì thế mà cuộc sống của các con chị gần như gắn chặt với bệnh viện. Nên thật khó để có thể diễn tả lên hết được sự vất vả, khó khăn mà người phụ nữ này đã phải trải qua trong gần 20 năm qua.
Cứ cấp cứu cho con lớn vừa xong thì lại đến con nhỏ, rồi cả chồng. Trong câu chuyện của mình, chị vẫn còn nhớ như in dịp 1/6/2006, khi cả bốn bố con đều nằm viện, chị đã phải chạy “long xòng xọc” để lo chăm sóc, vay mượn tiền bạc cứu chồng, cứu con. Vất vả, cực nhọc, kể cả phải chịu những lời cay độc của người khác nhưng trông thấy các con, chồng đỡ được hơn một chút là chị lại vui vẻ vượt qua. Và chị càng được tiếp thêm sức mạnh khi một người phụ nữ dù biết bệnh tật của người con trai cả nhưng vẫn dành tình cảm, vượt hàng nghìn km, từ Đồng Tháp ra tình nguyện lấy, chăm sóc anh. Hiện vợ chồng anh Kiên, chị Phương cũng đã sinh được một cháu gái.
Từ tháng 9/2005 nhờ sự quan tâm của địa phương, bốn bố con đã được hưởng bảo hiểm y tế và từ tháng 1/2008 được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức hơn 300.000 đồng. Nhưng do ba người con hàng tháng đều phải lên viện truyền máu nên số tiền 5% mà gia đình phải tự chi trả cho bệnh viện ngoài số 95% được bảo hiểm thanh toán vẫn là một gánh nặng .
“Cộng tất cả tiền lương 1,5 triệu của tôi, trợ cấp của 4 người trong nhà và cả tiền làm may “bữa đực, bữa cái” của cô con dâu cả, một tháng cũng chỉ đủ trả 5% tiền bảo hiểm và ăn uống cho một người đi viện, mà đây lại có những ba người và tháng nào cũng phải đi viện để truyền máu điều trị nên bây giờ, ai nặn quá thì mới thì mới đi, nhẹ thì phải cố chịu vậy”, chị Động tâm sự trong những giọt nước mắt.
Nói như vậy, nhưng mỗi lần thấy con đau là chị lại tất tả ngược xuôi cố vay mượn để đưa con lên viện. Vốn liếng bao nhiêu đã dồn hết cho các con, căn nhà cũ nát đã không còn ở được nên anh chị phải sống nhờ trong căn nhà của người anh họ. Khi chúng tôi đến, người con cả đã lên viện điều trị được gần 3 tuần và để có tiền cho con, chị đã phải bán nốt con chó cuối cùng của nhà được 1 triệu đồng.
“Bán con chó được 1 triệu, thì đứa con mới 5 tháng đã phải cai sữa mẹ nên vợ nó phải mua thêm mấy hộp sữa ngoài cho con mất 300.000 đồng rồi còn lại có 700.000 đồng mang lên với chồng. Hôm qua nó vừa điện về bảo bệnh viện yêu cầu phải đóng thêm hơn 2 triệu mà tiền còn lại thì không đủ nên giờ tôi đang phải cố đi vay mượn thêm để gửi lên. Đấy là chưa kể thằng út mấy ngày hôm nay cũng đang bắt đầu kêu đau ở các khớp tay”, chị Động bày tỏ.
Sự sống của con chỉ trông chờ vào máu của người khác nên "Nhiều lúc trông con nhà người ta khôn lớn, khỏe mạnh tôi lại ứa nước mắt. Người ta cố gắng vì niềm hạnh phúc còn tôi cố gắng để mong kéo dài cuộc sống cho các con, vì đứa cháu gái mới mấy tháng tuổi của tôi. Giờ mong ước lớn nhất của tôi chỉ là có sức khỏe để có thể tiếp tục cố gắng làm việc có thu nhập để lo cho chồng, cho con..." chị Động bùi ngùi bảo.
Hoàn cảnh của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Động hiện nay vẫn rất khó khăn, rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn đọc.
Cô giáo Nguyễn Thị Động rơm rớm nước mắt trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi.
Ngay khi được biết chúng tôi về đây muốn hỏi chuyện gia cảnh thì những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào trên gương mặt đầy khắc khổ, già trước tuổi của người phụ nữ mới ngoài cái tuổi 40. Gạt những hàng nước mắt, cô Động nghẹn ngào: “Bình thường mình đã phải cố quên những chuyện buồn của các con đi để mà sống nhưng hễ có người hỏi đến là nước mắt lại trào ra, không sao dừng được”.
Và những giọt nước mắt đó cứ thế rơi trên khuôn mặt người mẹ đã phải chịu biết bao vất vả, gian truân vì chồng, vì con trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Bất hạnh triền miên
Lập gia đình với người chồng là con một trong gia đình nên việc sau khi về làm dâu, cô giáo mầm non trẻ sinh tới ba cậu con trai kháu khỉnh đã làm cho gia đình chồng, họ hàng hai bên vô cùng tự hào, hãnh diện. Những năm đó, trong nhà tiếng cười, nói luôn rộn vang. Thế nhưng hạnh phúc bình dị đó chẳng kéo dài được bao lâu, khi cách đây 18 năm, cậu con cả Dương Mạnh Kiên, lúc đó mới 7 tuổi, chẳng may bị ngã khiến cánh tay bị tụ máu, sưng tấy, đau nhức.
Cứ tưởng là chuyện ngã bình thường của trẻ con nên chị đưa con đi khám ở viện huyện, tỉnh nhưng nằm viện mãi mà cũng chẳng thấy thuyên giảm, đến khi đưa lên Bệnh viện Bạch Mai, sau những xét nghiệm được làm, cả nhà mới “lạnh người” khi biết rằng Kiên đã mắc phải căn bệnh quái ác máu khó đông, hay còn gọi theo tên khoa học là Hemophilia. Cú ngã tưởng chừng như bình thường ở trẻ nhỏ đó lại đã mở đầu cả một quãng thời gian “mịt mù, khó khăn, khổ aỉ” của gia đình và người mẹ này.
Phát hiện ra bệnh của người con trai cả chưa được bao lâu thì đến năm 2004, người con út tên Dương Đức Bằng, đang học lớp 5 bỗng lên cơn đau bụng nặng. Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa cần mổ gấp. Nhưng hung tin sau ca phẫu thuật đã khiến chị Động gần như “chết đứng”. Các bác sĩ đã mổ nhầm vì ruột gan Bằng vẫn bình thường. Suốt 3 tháng ròng điều trị, cả nhà đành ngậm ngùi đưa Bằng về quê kết quả là đã mắc căn bệnh như người anh cả cùng một nửa thân người bị liệt hoàn toàn.
Hai người con đều mắc phải căn bệnh quái ác nên niềm hi vọng, an ủi của cả gia đình đều đặt vào người con trai thứ hai là Dương Mạnh Quyết. Nhưng cuộc đời thật nghiệt ngã với người phụ nữ này. Khi học lớp 11, sau một lần bị ngã xe đạp và có dấu hiệu giống anh và em trai, Quyết được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Những kết quả xét nghiệm được các bác sĩ thông báo đã “chặt đứt” niềm hi vọng, an ủi cuối cùng của vợ chồng chị.
Nhưng nỗi bất hạnh với người phụ nữ này đâu đã dừng lại ở đó. Sau khi ba người con lần lượt bị phát hiện căn bệnh về máu quái ác, thì chồng chị, anh Dương Đức Cường lại phát hiện ra bị sỏi thận. Sau hai lần mổ sỏi thận, lại thêm chuyện thường xuyên làm việc nặng nhọc để lo cho con, sức khỏe của anh dần yếu đi và đến nay không còn khả năng lao động.
Niềm tin ở các con là nguồn sống của mẹ
Ba con mắc cùng một căn bệnh quái ác, chồng lại đau yếu luôn nên những gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ này. Đã không biết bao nhiêu lần chị ngồi một mình khóc và tự dằn vặt bản thân. “Thực sự những lúc ngồi một mình, tôi chỉ biết khóc và nhiều khi tôi đã có những suy nghĩ bi quan nhưng rồi nhìn thấy các con nằm đó, chồng nằm đó tôi lại tự nhủ mình phải cố lên để làm chỗ dựa cho con”, chị Động kể.
"Tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể làm việc và làm chỗ dựa cho các con...".
Với những người mắc bệnh Hemophilia, sự sống chỉ trông chờ vào máu của người khác. Chính vì thế mà cuộc sống của các con chị gần như gắn chặt với bệnh viện. Nên thật khó để có thể diễn tả lên hết được sự vất vả, khó khăn mà người phụ nữ này đã phải trải qua trong gần 20 năm qua.
Cứ cấp cứu cho con lớn vừa xong thì lại đến con nhỏ, rồi cả chồng. Trong câu chuyện của mình, chị vẫn còn nhớ như in dịp 1/6/2006, khi cả bốn bố con đều nằm viện, chị đã phải chạy “long xòng xọc” để lo chăm sóc, vay mượn tiền bạc cứu chồng, cứu con. Vất vả, cực nhọc, kể cả phải chịu những lời cay độc của người khác nhưng trông thấy các con, chồng đỡ được hơn một chút là chị lại vui vẻ vượt qua. Và chị càng được tiếp thêm sức mạnh khi một người phụ nữ dù biết bệnh tật của người con trai cả nhưng vẫn dành tình cảm, vượt hàng nghìn km, từ Đồng Tháp ra tình nguyện lấy, chăm sóc anh. Hiện vợ chồng anh Kiên, chị Phương cũng đã sinh được một cháu gái.
Từ tháng 9/2005 nhờ sự quan tâm của địa phương, bốn bố con đã được hưởng bảo hiểm y tế và từ tháng 1/2008 được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức hơn 300.000 đồng. Nhưng do ba người con hàng tháng đều phải lên viện truyền máu nên số tiền 5% mà gia đình phải tự chi trả cho bệnh viện ngoài số 95% được bảo hiểm thanh toán vẫn là một gánh nặng .
“Cộng tất cả tiền lương 1,5 triệu của tôi, trợ cấp của 4 người trong nhà và cả tiền làm may “bữa đực, bữa cái” của cô con dâu cả, một tháng cũng chỉ đủ trả 5% tiền bảo hiểm và ăn uống cho một người đi viện, mà đây lại có những ba người và tháng nào cũng phải đi viện để truyền máu điều trị nên bây giờ, ai nặn quá thì mới thì mới đi, nhẹ thì phải cố chịu vậy”, chị Động tâm sự trong những giọt nước mắt.
Nói như vậy, nhưng mỗi lần thấy con đau là chị lại tất tả ngược xuôi cố vay mượn để đưa con lên viện. Vốn liếng bao nhiêu đã dồn hết cho các con, căn nhà cũ nát đã không còn ở được nên anh chị phải sống nhờ trong căn nhà của người anh họ. Khi chúng tôi đến, người con cả đã lên viện điều trị được gần 3 tuần và để có tiền cho con, chị đã phải bán nốt con chó cuối cùng của nhà được 1 triệu đồng.
“Bán con chó được 1 triệu, thì đứa con mới 5 tháng đã phải cai sữa mẹ nên vợ nó phải mua thêm mấy hộp sữa ngoài cho con mất 300.000 đồng rồi còn lại có 700.000 đồng mang lên với chồng. Hôm qua nó vừa điện về bảo bệnh viện yêu cầu phải đóng thêm hơn 2 triệu mà tiền còn lại thì không đủ nên giờ tôi đang phải cố đi vay mượn thêm để gửi lên. Đấy là chưa kể thằng út mấy ngày hôm nay cũng đang bắt đầu kêu đau ở các khớp tay”, chị Động bày tỏ.
Sự sống của con chỉ trông chờ vào máu của người khác nên "Nhiều lúc trông con nhà người ta khôn lớn, khỏe mạnh tôi lại ứa nước mắt. Người ta cố gắng vì niềm hạnh phúc còn tôi cố gắng để mong kéo dài cuộc sống cho các con, vì đứa cháu gái mới mấy tháng tuổi của tôi. Giờ mong ước lớn nhất của tôi chỉ là có sức khỏe để có thể tiếp tục cố gắng làm việc có thu nhập để lo cho chồng, cho con..." chị Động bùi ngùi bảo.
Hoàn cảnh của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Động hiện nay vẫn rất khó khăn, rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn đọc.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Thị Động, thôn 5, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên Số điện thoại: 0164 9702 667 hoặc số máy bàn: 0321 6282 166 |